7 dấu hiệu nhận diện cổ phiếu “rởm”
Có cách nào giúp nhà đầu tư tránh mua phải hàng “rởm” trên TTCK như DVD? Câu trả lời xem chừng không dễ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là DN "qua mặt" được hết mọi nhà đầu tư.
Mặc dù cổ phiếu của CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) đã chính thức bị hủy niêm yết từ 5/9/2011, nhưng dư âm của câu chuyên này vẫn còn rất dài. Nhiều vấn đề liên quan đến DVD và nhìn từ DVD đến nay vẫn là tâm điểm thời sự. Từ DVD, một loạt câu hỏi như chất lượng công bố thông tin, công tác giám sát thông tin, vấn đề phá sản ở DN, trách nhiệm của kiểm toán, quyền lợi cổ đông khi công ty phá sản… đã và đang được đặt ra.
Tại thời điểm này, khi cổ đông DVD gần như mất hết hy vọng vớt vát lại tài sản, thì câu chuyện đấu tranh cho quyền lợi đã không còn là tâm điểm chú ý. Điều nhà đầu tư lo âu hơn, liệu có cách nào để họ không vấp phải một DVD thứ hai?
Tham khảo của ĐTCK với nhiều chuyên gia trên TTCK được nhận câu trả lời rằng: đây là một câu hỏi quá hóc búa, bởi ở những DN này, thông tin thường bị bưng bít và các con số cũng không đáng tin cậy. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là DN "qua mặt" được hết mọi nhà đầu tư. Từ câu chuyện DVD, giới phân tích thấy có những tín hiệu, tuy không dám nói là đúng cho mọi trường hợp và không thể đánh đồng hay quy chụp với tất cả DN, nhưng ít nhiều là cơ sở để nhà đầu tư thận trọng hơn.
1. Khi chủ DN/DN không được các DN cùng ngành đánh giá cao
Mặc dù DVD đã rất thành công khi lên sàn (ngày 22/12/2009) với giá chốt phiên 74.000 đồng/cổ phiếu, chỉ thua mức giá của DHG và IMP lúc bấy giờ và đã phát hành 3 triệu cổ phiếu cho Bank Investment với giá 80.500 đồng/cổ phiếu, nhưng với các DN trong ngành sản xuất dược, DVD là một cái tên mờ nhạt và không được đánh giá cao. Tiếng là DN sản xuất dược phẩm với hơn 100 mặt hàng đã được mua bản quyền, nhưng tính đến tháng 10/2009, DVD vẫn là DN không có nhà máy.
2. Khi chủ DN/DN quá chú ý đến các hoạt động giao dịch cổ phiếu
DVD là DN mà các thành viên trong HĐQT thay vì chuyên tâm với công việc kinh doanh, lại quá say sưa với giao dịch cổ phiếu. Chỉ sau khi lên sàn vài ngày, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DVD đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu DVD. Không chỉ mua đi bán lại cổ phiếu DVD, ông Dũng còn quyết liệt thu mua cổ phiếu ở Dược phẩm Hà Tây (DHT). Tính đến 22/6/2010, tổng sở hữu của ông Dũng và các bên liên quan tại DHT lên 28,68% vốn điều lệ, nhưng phía mua lại không thực hiện chào mua công khai như quy định. Vì lý do này mà những bí mật ở DVD mới có cơ hội hé lộ dần dần.
3. Khi cổ đông lớn, tổ chức đồng loạt bán ra cổ phiếu, chấp nhận lỗ lớn
UBCK không đủ thẩm quyền tìm ra sự gian dối tại DN
Trong lần trao đổi với báo chí về vụ liên quan đến DVD, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, sau khi nhận được đơn thư tố cáo DVD, UBCK đã lập đoàn kiểm tra trực tiếp tại DN này. Khi vào làm việc tại DN, UBCK phát hiện ra rằng, mặc dù phần lớn doanh thu và lợi nhuận của DVD trên lý thuyết là phát sinh từ các công ty không có liên quan, nhưng thực chất các công ty này đều có liên quan đến DVD.
Tuy nhiên, UBCK cho biết, họ không có đủ thẩm quyền để tiến hành kiểm tra tại các công ty "đối tác" của DVD, nên nghi vấn về việc lập hồ sơ, chứng từ giả mạo, khai khống doanh thu, lợi nhuận tại DVD vẫn chỉ là nghi vấn. UBCK cho biết, việc UBCK có thể làm là hợp tác với cơ quan công an để cơ quan này tiến hành điều tra, làm rõ. |
Đầu năm 2011, TTCK ghi nhận một loạt động thái thoái vốn của các tổ chức, cổ đông lớn ở DVD. Xét tổ chức ngoại, Deustch Bank AG London là đơn vị thoát hàng đầu tiên. Kế đó, BI Private Equity New Markets II (PENM II) "nối gót" Deustche Bank AG London bán ra toàn bộ 1,6 triệu cổ phiếu DVD từ 16/3 - 22/3/2011. Riêng những tổ chức đầu tư trong nước như Ngân hàng An Bình, CTCP Y tế Medi, Công ty Kỹ thuật Hoàn Thiện,… cũng liên tục bán ra từ nhiều tháng trước đó.
Điều đáng nói, như thông tin từ Bank Investment thì PENM II đã chấp nhận bán lỗ hơn 200 tỷ đồng để thoát hàng. Rõ ràng, phải có lý do rất nghiêm trọng thì các tổ chức với năng lực tài chính mạnh, đủ khả năng chịu đựng mới quyết định như vậy . Giám đốc đầu tư tại một CTCK ở TP. HCM nói: "Nếu nhà đầu tư nhìn theo và làm theo diễn biến thoái vốn của các tổ chức, chắc chắn đã giảm được thiệt hại".
4. Khi tổ chức tư vấn "bỏ chạy"
CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS) là đơn vị tư vấn cho DVD trong đợt phát hành niêm yết cổ phiếu. Như lẽ thông thường, đơn vị tư vấn luôn là đơn vị thấu rõ DN nhất, có cơ hội biết nhiều thông tin của DN nhất. Chính vì thế, mỗi động thái của đơn vị tư vấn trở nên quan trọng và cần xem như một tín hiệu.
Thông thường, trước một cổ phiếu tốt, nhiều CTCK thành đối tác, cổ đông lớn tại DN sau khi tham gia tư vấn phát hành. Tuy nhiên, ở DVD, diễn biến ngược lại. Ngay sau khi DVD lên sàn, từ 22/12 - 29/12/2009, SBS đã lập tức tìm cách bán ra, giảm sở hữu từ 9,11% vốn ở DVD xuống còn 2,08%. Nếu tinh ý, cổ đông DVD đã không phải đau khổ như hiện tại.
5. Khi chủ DN/DN có dính tới vi phạm pháp luật
Các chuyên gia lưu ý, nhà đầu tư cần chú ý những vi phạm pháp luật có tính hình sự hơn là vi phạm liên quan đến hành chính. Chẳng hạn, câu chuyện Masan Cusumer dính tới kiện tụng liên quan đến hình ảnh quảng cáo không phải là câu chuyện đáng ngại, nhưng việc lãnh đạo DVD bị bắt giam vì thao túng giá chứng khoán thì không thể làm ngơ. Lý do là phía sau sự kiện này là rất nhiều câu chuyện khác, liên quan đến hoạt động không minh bạch ở DVD. Thực tế cũng minh chứng, khi bức màn bí mật ở DVD kéo lên, nhiều sự thật phơi ra đã vượt sức tưởng tượng của nhiều người.
6. Khi DN đạt tăng trưởng lợi nhuận bất thường
Không phải tự nhiên DVD "hớp hồn" được nhà đầu tư, mà tiêu biểu là các tổ chức chuyên nghiệp, bản lĩnh như Bank Investment cũng bị "dính bẫy". Bởi lẽ, theo BCTC do Ernst &Young kiểm toán năm 2009, lợi nhuận sau thuế của DVD là 108,7 tỷ đồng, tăng 335,8% so với năm 2008. Trước con số kinh doanh ấn tượng như vậy, với đơn vị kiểm toán thuộc Big4 toàn cầu, các chuyên gia thừa nhận, làm sao nhà đầu tư có thể nghi ngờ về con số?
Tuy nhiên, nếu thận trọng, nhà đầu tư sẽ phải đặt dấu hỏi và kiểm tra lại con số tăng trưởng này. Bởi thông thường, trừ lĩnh vực bất động sản có thể có doanh thu đột biến do hạch toán dự án, còn lại các DN ở những ngành khác thì rất ít đơn vị đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 50%/năm. Trong khi đó, tại DVD là 335,8%!
Một tín hiệu khác, dù đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2009 hơn 300%, nhưng đà tăng doanh thu của DVD lại chưa tới 60%. Và các năm trước đó, kinh doanh của DVD không có gì nổi bật. Ngoài ra, nếu phân tích thêm sẽ thấy, thời điểm DVD tung ra con số "khủng" trùng với thời điểm DVD phát hành cổ phiếu.
7. Khi đà tăng doanh thu không theo kịp đà tăng khoản phải thu
Khi sự việc ở DVD vỡ lở, giới đầu tư mới có dịp "soi" lại báo cáo tài chính của DVD kỹ hơn và phát hiện, dấu hiệu về một DVD "ma", tạo doanh thu ảo thực ra đã xuất hiện ngay trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2009. Đầu tiên, trong khi doanh thu năm 2009 chỉ tăng chưa tới 60% thì khoản phải thu của DVD đã tăng hơn 232,8% so với cùng kỳ. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, riêng khoản phải thu từ các đối tác ngoại (mà sau này giới đầu tư mới biết là không có thực) đã hơn 200 tỷ đồng.
DVD hầu như không có giao dịch mua bán với đối tác bên ngoài. Các hoạt động mua bán đều chủ yếu với đơn vị liên kết. Đây là cơ sở để DVD thổi doanh thu một cách trót lọt. Chính vì thế, một giám đốc đầu tư CTCK ngại nêu tên cho biết, nhà đầu tư phải xem đây như tín hiệu để cảnh giác hơn với DN mình góp vốn
Còn rất nhiều tín hiệu khác có thể giúp DN nhận diện cổ phiếu dỏm như những khoản lưu ý ngoại trừ của đơn vị kiểm toán, yếu tố dòng tiền âm, vi phạm trong công bố thông tin… Tuy nhiên, trên tất cả, cách phòng vệ tốt nhất là giới đầu tư nên thay đổi quan niệm về cổ phiếu rẻ. Không nên nghĩ cổ phiếu rẻ là cổ phiếu dưới mệnh giá. Bên cạnh đó, ở những trường hợp cổ phiếu/DN có những diễn biến bất thường, một sự cân nhắc sẽ không bao giờ thừa với túi tiền của nhà đầu tư.
Ngọc Thủy
Đầu tư chứng khoán
|