Chờ đợi thế hệ quỹ đầu tư thứ ba
TTCK Việt Nam đang rất cần "dòng nước mát", để khi thế hệ quỹ đầu tư thứ hai ra đi sẽ có những gương mặt mới xuất hiện: Tre già, măng mọc.
Một nhóm chuyên viên của Dragon Capital trong tuần qua đã bắt đầu hành trình tiếp xúc với các NĐT Hồng Kông để gọi vốn vào Việt Nam. Công ty quản lý quỹ này cũng dự kiến tổ chức một số tour đưa các NĐT nước ngoài quan tâm tới thị trường vốn Việt Nam đến và tham quan hoạt động của các doanh nghiệp tiềm năng, trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp.
Thu hút vốn đầu tư là một trong những hoạt động chính của Dragon Capital, song ở thời điểm này, đưa vốn ngoại đến với Việt Nam cần nỗ lực rất lớn. Bởi lẽ, nhiều NĐT mà Dragon Capital đang tiếp cận chưa thực sự tin tưởng vào cơ hội đầu tư tại Việt Nam, vì họ có nhiều thị trường khác để lựa chọn.
Ở một diễn biến khác, tổng giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cho hay, quỹ đang rút vốn tại TTCK Indonesia, Thái Lan để đổ vào Việt Nam. Việc giải ngân đã thực hiện từ cuối tháng 8/2011, song có nhiều phiên phải tạm ngừng, vì một số mã cổ phiếu tăng giá quá nhanh so với dự kiến.
Vị tổng giám đốc trên chia sẻ, nếu so sánh các yếu tố từ vĩ mô đến hoạt động vi mô của doanh nghiệp, TTCK Việt Nam có nhiều ưu điểm hơn các thị trường trong khu vực và tình trạng lãi suất cao khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn không thể kéo dài. Hiện tại, cơ hội kiếm lợi nhuận tại TTCK Việt Nam là 7:3, tất nhiên chu kỳ đầu tư của quỹ ít nhất là 2 năm.
Làm gì để thị trường vốn Việt Nam khởi sắc? Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi nội lực đang suy yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát thì ngoại lực nên được ưu tiên thu hút, tạo ra đòn bẩy cho thị trường vốn đi lên. Để làm được điều đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần phát đi tín hiệu tìm ra lối đi đúng hướng.
Trên thực tế, một số chuyển biến đang xuất hiện, trong đó thông điệp tái cấu trúc hoạt động của khối DNNN là trọng tâm. Việc khu vực kinh tế này nắm giữ nguồn lực lớn của đất nước, nhưng hoạt động kém hiệu quả, khó kiểm soát đã được nhắc đến nhiều lần. Đến lúc này, chấn chỉnh hoạt động của khối doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế trở nên bức thiết. Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho hay, trong cuộc họp gần đây nhất, chủ trương trên đã được thống nhất rất cao. Chỉ thị mới đây của Thủ tướng Chính phủ nhằm cụ thể hóa quan điểm trên đã được ban hành. 22.590 tỷ đồng là số tiền mà 21/31 DNNN là các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra ngoài ngành sẽ có lộ trình thu hồi để đầu tư trở lại cho các lĩnh vực sản xuất cốt lõi.
Ở góc độ vi mô, để kích thích dòng vốn ngoại, một biện pháp không mới được nhắc đến: tập trung cổ phần hóa các DNNN thuộc nhóm "hàng hiệu", hấp dẫn NĐT. Chỉ có những thương hiệu lớn mới thu hút được vốn ngoại đổ vào trong thời điểm này, với một mức giá hợp lý, tạo ra động lực và sự phấn chấn thu hút các NĐT khác đến với Việt Nam. Đại diện của Dragon Capital nói rằng, ở đâu cũng vậy, yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của NĐT.
Trên TTCK thứ cấp, tháng 9 này có thể đánh dấu một kỷ lục của năm 2011 về giá trị bán ròng của khối ngoại, với giá trị ước tới gần 1.000 tỷ đồng. Kỷ lục gần nhất là quy mô bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trong tháng 9/2009, đánh dấu sự tháo chạy của NĐT nước ngoài. Thời điểm kết thúc thời gian hoạt động của nhiều quỹ nội địa cũng gần kề. TTCK Việt Nam đang rất cần "dòng nước mát", để khi thế hệ quỹ đầu tư thứ hai này ra đi sẽ có những gương mặt mới xuất hiện: Tre già, măng mọc.
Anh Việt
ĐẦU tư chứng khoán
|