Tiền nhàn rỗi trên thế giới vẫn đang chảy vào Việt Nam
Ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư Quỹ Đầu tư VinaCapital nói rằng, thực tế là tiền nhàn rỗi với lãi suất thấp ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang chảy vào Việt Nam.
Bài 2: Dòng vốn nóng còn quyết định xu hướng?
Lâu nay, vì các quỹ đầu tư có dòng vốn rất lớn nên đối với thị trường Việt Nam, sự chuyển hướng của quỹ đầu tư luôn tạo nên một xu hướng và quyết định tâm lý của cả thị trường. Tuy nhiên, khó khăn mới càng lộ rõ, không phải tất cả các thương vụ của quỹ đầu tư đều có “màu hồng”.
* Ngược dòng với đồng tiền nóng: Lợi nhuận là trên hết (bài 1)
Bắt dao ngược
Quả thực, không phải quỹ nào cũng “ăn lên làm ra” ở lĩnh vực sản xuất lương thực thực phẩm đầy tiềm năng này. Câu chuyện của VinaCapital là một ví dụ.
Niêm yết tại HNX đầu tháng 12/2010, cổ phiếu THV (Tập đoàn Thái Hòa) nhận được rất nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư (NĐT). Thời điểm trước khi chào sàn, cổ phiếu THV trên thị trường OTC bị “cháy hàng”.
THV là doanh nghiệp (DN) đứng thứ ba trong nước về xuất khẩu cà phê (sau Vinacafe và Intimex) nên đã nhận được rất nhiều kỳ vọng của NĐT. Sáu tháng đầu năm, EPS (lãi cơ bản trên cổ phiếu) của THV mới chỉ đạt 396 đồng/CP, thấp hơn giai đoạn năm 2010 đạt 614 đồng/CP. Một số quỹ do VinaCapital quản lý đã sở hữu 10% THV từ trước khi CP này chào sàn HNX.
Cho đến thời điểm hiện nay, không rõ VinaCapital đã tiến hành thoái vốn hết tại THV hay chưa, lời hay lỗ, nhưng có thể xem đây là một thương vụ nhiều thử thách.
Sau phiên giao dịch đầu tiên, THV có giá gần 17.000 đồng/CP, nhưng từ đó đến nay có những thời điểm THV giảm xuống chỉ còn hơn 5.000 đồng/CP, cuối tuần rồi, CP này đóng cửa tại mức giá 6.800 đồng/CP.
Tính ra, nếu mua THV với mức giá 12.000 - 13.000 đồng/CP (đây là mức giá trên thị trường OTC thời điểm trước khi CP này lên sàn) thì đến nay NĐT đã thua lỗ gần như một nửa số tiền chưa kể chi phí cơ hội.
Mới đây, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT THV đã đăng ký mua thêm 6,1 triệu CP để nâng tỷ lệ sở hữu từ hơn 41% lên hơn 52%. Tỷ lệ sở hữu của ông An nếu so với một quỹ đầu tư chỉ sở hữu 10 - 15% là rất áp đảo.
Một DN mà nếu các cổ đông nội bộ, cổ đông sáng lập nắm giữ cổ phần với tỷ lệ lớn, thì chuyện cổ đông bên ngoài nếu có tham gia cũng sẽ rơi vào diện “may nhờ, rủi chịu”.
Bởi lẽ, nếu DN chịu làm, có lãi thì cổ đông bên ngoài hưởng, nhưng nếu không muốn làm các cổ đông nội bộ, cổ đông sáng lập cũng cũng chẳng phải chịu nhiều sức ép, bởi lẽ công ty do họ lập ra, cổ phần của họ và họ có quyền biểu quyết.
Dư luận nói nhiều đến việc dòng tiền vào thị trường yếu ớt do bị thắt lại từ các kênh như ngân hàng, thực tế trong 8 tháng đầu năm khối ngoại vẫn mua ròng.
Cụ thể, trên sàn niêm yết, số tiền mua ròng là 2.900 tỷ đồng. Các tổ chức lớn cũng liên tục rót tiền vào các DN ở Việt Nam, với các thương vụ lớn điển hình như: Tập đoàn đầu tư KKR đầu tư 159 triệu USD vào Masan; Misuho Bank đã đàm phán mua 20% vốn của Vietcombank (VCB); IFC đã đầu tư 182 triệu USD để mua 10% vốn của Vietinbank (CTG); Deageo bỏ hàng chục triệu USD mua cổ phần của Halico; Fortis (Ấn Độ) chi 64 triệu USD mua 65% cổ phần của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ...
Bản thân VinaCapital cũng đã tái đầu tư vào Công ty Yến Việt, Công ty Cà phê Thái Hòa (THV)... và đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công ty khác.
Mới đây, ngày 23/9, trong khi tất cả các NĐT bán ròng thì khối ngoại bất ngờ mua ròng mạnh KDC với giá trị 80,8 tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm đến 2,3 triệu cổ phiếu, tương đương 79,7 tỷ đồng.
Chưa biết chính xác là ai mua, nhưng tất cả mọi suy nghĩ đều dồn vào một mục tiêu và tất cả đều cho đây có thể là giao dịch của Deutsche Bank AG London...
Chọn hướng mà theo
Như vậy, hiện tại, các quỹ đầu tư đang cơ cấu lại danh mục các loại chứng khoán mà họ đã đầu tư cho phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, trong điều kiện thị trường đi xuống, việc thay đổi danh mục các loại chứng khoán đầu tư dễ hơn nhiều nhờ giá rẻ so với khi thị trường đang tăng nóng.
Việc tái cơ cấu này không dẫn đến việc rút vốn mà chỉ chuyển từ loại chứng khoán này sang chứng khoán khác và NĐT nước ngoài đang chờ cơ hội tốt hơn để mua vào.
Điều này cũng nói lên rằng, các NĐT trong nước không nên nhìn vào những con số đầu tư - thoái vốn của quỹ mà gây nên những xáo trộn tâm lý không đáng có khiến thị trường bất ổn.
Ngoài ra, nếu muốn đầu tư “ăn theo” chiến lược của quỹ cần phải có sự lựa chọn ngành, lĩnh vực phù hợp vì dòng tiền của quỹ lớn có thể biến cổ phiếu “bình thường” thành “bất thường”.
Thừa nhận điều này, ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư Quỹ Đầu tư VinaCapital nói rằng, thực tế là tiền nhàn rỗi với lãi suất thấp ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang chảy vào Việt Nam.
Ông David O’Neil, Giám đốc Đầu tư Asean Investment Management: Thấp hơn giá trị thực 50 - 70%
Cơ hội đầu tư chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam mà không ở bất kỳ nơi nào khác ở châu Á, thậm chí trên toàn thế giới, với ngoại lệ ở một số thị trường sơ khai ở châu Phi. Các công ty trên thị trường đều có thị giá thấp hơn giá trị thực 50 - 75%. Trong khi đó, tại nhiều thị trường châu Á, cổ phiếu của các DN đang được giao dịch ở mức giá cao hơn 400% giá trị thực. Nhiều DN cũng đã nhận thấy sự định giá thấp của thị trường và bắt đầu mua lại cổ phiếu quỹ. Lợi ích từ mua cổ phiếu quỹ thực sự vượt xa sự đầu tư lại vào chính DN (35% lợi nhuận hàng năm hoặc cao hơn). |
“Nhiều người lo ngại về sự rút lui của dòng vốn ngoại cũng đúng, nhưng tôi cho rằng khi một quỹ quyết định thoái vốn thường là do cách điều hành, quản lý của quỹ chưa hiệu quả hoặc vì một lý do nào đó mà NĐT phải rút vốn về, đó là điều bình thường. Quan trọng là dòng vốn đó đến và đi như thế nào, nếu họ thoái và có dòng vốn ngoại khác thay thế thì quá tốt.
Chỉ có điều hiện nay, NĐT nước ngoài rất quan tâm đến việc ổn định tỷ giá. Tỷ giá ổn định thì chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều vốn. Người ta sẽ không yên tâm nếu vừa đưa vốn vào chưa tính đến hiệu quả đầu tư đã có nguy cơ mất vài phần trăm vì VNĐ mất giá”, ông Andy Ho nói.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Asset Management (VAM), cho hay, việc định giá tại thị trường Việt Nam đang ở mức thấp trong khi tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuần rất hấp dẫn đối với mọi ngành.
Do vậy, VAM vẫn phối hợp với Công ty Quản lý Quỹ Hong Leong của Malaysia thành lập một quỹ mở để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Còn theo ông Phạm Khánh Lynh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), đa số công ty quản lý quỹ đều lựa chọn cách đầu tư vào các DN mang tính dài hạn.
Thị trường giao dịch dưới giá trị sổ sách trong thời gian dài vừa qua là cơ hội để các quỹ lựa chọn đầu tư có chiều sâu vào DN, thay vì đầu tư dàn trải, lướt sóng chứa nhiều rủi ro.
Từ đó, một chuyên gia kinh tế nói rằng, các quỹ đầu tư đang phải tính toán lại danh mục đầu tư, thậm chí còn liên tục bán ra chứng khoán, chấp nhận lỗ để giá chứng khoán giảm xuống sâu hơn, sau đó mua vào.
Khi đó, họ sẽ có lợi thế nhờ đang nắm tiền mặt. Với cách “tự đánh đắm mình” này, họ có thể mua được nhiều chứng khoán hơn và sẽ thắng lớn khi thị trường phục hồi.
Vì thế, các NĐT khác cũng cần phải nhìn vấn đề theo hướng vận động. Có thể các quỹ có những chiến lược đầu tư khác nhau chứ không nhất thiết đầu tư vào ngành lương thực thực phẩm và đây sẽ không là xu hướng duy nhất mà các quỹ hướng tới. Hơn nữa, khi lãi suất gửi ngân hàng đang có xu hướng giảm dần, giá chứng khoán đang ở mức thấp.
Các vấn đề rắc rối nhất của nền kinh tế thế giới về cơ bản cũng đã lộ ra hẳn, giải pháp tháo gỡ cũng đã có. Như vậy, thị trường đang dần trở lại ổn định, cơ hội đang mở ra cho tất cả các ngành và cho tất cả các dòng tiền lớn, nhỏ. Ngay trên thế giới, các NĐT cũng đang chuẩn bị tiền mặt để có thể kịp thời hành động khi thị trường đảo chiều.
Quỳnh Chi - Hoàng Vũ
doanh nhân sài gòn
|