Thứ Tư, 28/09/2011 06:05

Vì sao Masan Consumer thâu tóm VCF?

Với tiềm lực tài chính mạnh, việc Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer-MSF) chào mua công khai 50,11% vốn điều lệ của Vinacafe Biên Hòa với giá 80.000 đồng/cổ phiếu là điều hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, Masan Consumer sẽ thâu tóm VCF như thế nào?

Chiếm lĩnh thị trường tiềm năng

Hiện tại có 3 doanh nghiệp cà phê đang niêm yết trên sàn là Vinacafe Biên Hòa (HOSE: VCF), Tập đoàn Thái Hòa (HNX: THV) và An Giang Cà phê (HNX: AGC). Tuy nhiên 3 doanh nghiệp này có nhiều điểm khác nhau về loại hình kinh doanh. Trong khi AGC và THV tập trung sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân thì VCF tập trung chế biến cà phê hòa tan phục vụ cho thị trường trong nước với sản phẩm chủ lực là cà phê sữa và ngũ cốc dinh dưỡng. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2010 của VCF cho thấy, doanh thu thuần của công ty trong năm ngoái là 1.302 tỷ đồng, trong đó sản phẩm ngũ cốc chiếm 19,7%; sản phẩm cà phê sữa chiếm 78%. Tổng hợp lại, các sản phẩm cà phê đem lại khoảng 80% doanh thu trong khi đó, sản lượng và doanh thu từ xuất khẩu chiếm tỷ trọng không lớn, lần lượt là 8% và 6,6%.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Habubank, Vinacafe Biên Hòa là công ty lâu đời, với thương hiệu trên 30 năm cùng hệ thống mạng lưới phân phối rộng khắp toàn quốc. Hiện tại, Vinacafe đứng đầu thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam với hơn 40% thị phần, tiếp theo là Nescafe nắm giữ 35%, còn lại là G7 và các thương hiệu khác. Tuy nhiên, nếu so với các nhãn hiệu cà phê hòa tan khác như MacCoffee, Nescafe, G7… công suất chế biến của Vinacafe còn khá khiêm tốn (chỉ 880 tấn cà phê/năm so với 1.000 tấn/năm của Nescafe và 3.000 tấn/năm của G7), nhưng kể từ quý 3/2012 trở đi, công suất chế biến của Vinacafe sẽ tăng đáng kể do đưa vào hoạt động nhà máy chế biến cà phê mới có công suất 3.200 tấn/năm.

Masan Consumer thâu tóm VCF nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường cà phê hòa tan

Bên cạnh đó, tình hình hoạt động kinh doanh của công ty cũng khá ổn với tỷ suất sinh lời hàng năm đều ở mức cao. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty lãi ròng 122,5 tỷ đồng. Còn các năm trước, tỷ suất lợi nhuận tính trên tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) đều khá cao, lần lượt đạt 30,8% và 34,5% năm 2009; 26,5% và 31,2% vào năm 2010.

Như vậy, với việc thị trường cà phê Việt Nam được dự báo tăng trưởng cao trong những năm tới (mức tiêu thụ tăng khoảng 8-10%/năm, cao hơn mức tăng trung bình của thế giới là 6-7%; sản lượng cà phê nhân hàng năm rất lớn, nhưng lượng tiêu thụ cà phê trong nước mới chỉ chiếm khoảng 6% tổng sản lượng hàng năm) trong khi VCF lại đóng vai trò là người dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan, có hệ thống mạng lưới phân phối rộng lớn, có tình hình kinh doanh khá ổn định… nên có thể suy đoán một trong những mục đích của phi vụ Masan Consumer thâu tóm VCF là chiếm lĩnh thị trường cà phê hòa tan.

Liệu có mua áp đảo?

VCF hiện có vốn điều lệ hơn 265 tỷ đồng, tương đương 26,5 triệu cổ phiếu. Cổ đông lớn là Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) sở hữu 37,3%, cổ đông ngoài công ty nắm 38,9% (trong đó tổ chức nắm hơn 17%), còn lại là các cổ đông khác. Như vậy, việc mua 50,11% có thể thông suốt, miễn sao thỏa thuận được giá. Đặt trường hợp Vinacafe không thoái vốn khỏi VCF, Masan Consumer sẽ không mua đúng như đăng ký bởi một khi sở hữu đủ 50,11%, cộng với phần vốn Nhà nước còn 37,3% và phần của khá nhiều quỹ đang sở hữu, tính thanh khoản của VCF sẽ gần như không còn do tỷ lệ cổ phiếu giao dịch trên thị trường chỉ còn vài phần trăm. Như vậy, không loại trừ khả năng VCF đã đạt được thỏa thuận mua lại cổ phần của một số quỹ đang sở hữu VCF và do vậy, khối lượng chào mua thực tế sắp tới sẽ không "khủng" như thông tin đăng ký.

Cũng có giả định cho rằng, Masan Consumer đã chuẩn bị cho phi vụ này từ cách đây vài tháng bằng cách nhờ một bên thứ ba mua lại cổ phần từ Tổng công ty Cà phê Việt Nam khi đơn vị đại diện phần vốn Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu từ 50,26% xuống còn 37,3% hồi tháng 5/2011. Và với tỷ lệ sở hữu "chưa chính danh" trên, nay Masan Consumer công khai chào mua VCF, thực tế là chỉ mua thêm một tỷ lệ nhất định nào đó đối với cổ phiếu VCF mà thôi.

Ngoài Vinacafe, VCF còn có hai cổ đông lớn là Công ty cổ phần Chứng khoán Beta (sở hữu 8,63%) và cổ đông Trần Quang Lộc (sở hữu 7,7%). Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán SJC, không loại trừ khả năng bên chào mua bắt tay thực hiện kế hoạch của mình bằng cách thông qua nhà môi giới mua lại VCF từ các tổ chức đã thoái sạch vốn trước khi VCF lên sàn như: VinaCapital, VF1, Quỹ Vietcombank, Vietnam Holding… mua một phần trên sàn và tiếp tục đạt được thỏa thuận với hai cổ đông lớn nói trên.

Hồ Doãn

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   28/09: Bản tin 20 giờ qua (28/09/2011)

>   KLS và TCSC được giao dịch ký quỹ (27/09/2011)

>   Khối ngoại giao dịch dè dặt, bán chốt lời SSI (27/09/2011)

>   KDC, KDH, IJC, SHB giao dịch thỏa thuận hàng triệu đơn vị (27/09/2011)

>   Chứng khoán “mốc mép” chờ tiền? (27/09/2011)

>   Khi cơ quan quản lý ra tay... (27/09/2011)

>   27/09: Bản tin 20 giờ qua (27/09/2011)

>   Khối ngoại tiếp tục ”bán tháo” bluechips (26/09/2011)

>   Loại bỏ cổ đông nhỏ để thâu tóm công ty (26/09/2011)

>   TTCK Việt Nam: Kỳ vọng vào giai đoạn phát triển mới (26/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật