Có đối tác chiến lược, vì sao “sóng” VCB vẫn lặng?
Thông tin Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam Vietcombank (HOSE: VCB) bán 15% cổ phần cho tập đoàn tài chính Nhật Bản Mizuho với giá “ngất ngưởng” 34.000 đồng đã không tạo nên gợn sóng đáng kể nào của cổ phiếu ngân hàng này với mã VCB trên sàn HSX.
|
Diễn biến giá cổ phiếu VCB trong 3 tháng gần đây - Nguồn: TVSI |
Thực tế những thông tin “úp mở” về giá bán đã được lan truyền trong giới đầu tư từ đầu tuần nhưng chỉ đến ngày 28/9 khi quy mô của thương vụ được đăng tải cụ thể hơn, VCB mới đột ngột tăng kịch trần. Tuy nhiên, ngày 28/9 cũng là phiên giao dịch huy hoàng duy nhất của cổ phiếu này với vài trăm ngàn cổ phiếu chặn mua trần.
Ngay trong phiên kế tiếp, giới đầu tư đã tranh thủ xả hàng ồ ạt và VCB lại có những ngày giao dịch nguội lạnh.
Tuy thế, việc bán 347,6 triệu cổ phần cho Mizuho, tương ứng 15% vốn cổ phần sau khi phát hành, với giá trị khoảng 570 triệu USD có thể xem là một tín hiệu tốt đối với VCB. Từ việc xác định giá bán tối thiểu bằng giá hiện tại của cổ phiếu đang niêm yết tại HSX thời điểm tháng 5 (bình quân 3 tháng chưa tới 30.000 đồng/cổ phiếu), đối tác nước ngoài đã chấp nhận trả khoảng 1,64 USD/cổ phiếu, tương đương hơn 34.000 đồng là một thành công. VCB cũng là ngân hàng nhà nước được cổ phần hóa lận đận nhất trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài.
Việc phát hành thêm cho đối tác chiến lược sẽ giúp VCB có nguồn vốn bổ sung từ việc tăng vốn lẫn thặng dư, làm gia tăng nguồn vốn tự có lên khá nhiều. Theo ước tính của công ty chứng khoán VCSC, cổ phiếu VCB hiện chỉ giao dịch ở mức 1,5 lần giá trị sổ sách được ước tính sau khi phát hành cho Mizuho.
Tổ chức này cũng đánh giá mức P/B (thị giá/giá trị sổ sách) khoảng 1,5 lần thực sự khá hấp dẫn đối với định giá của VCB vì mức này tương đương với mức P/B trung bình ngành ngân hàng hiện nay trong khi trước đây VCB luôn được giao dịch ở mức P/B cao hơn trung bình ngành.
Các thương vụ đầu tư dài hạn thường cũng tác động tốt đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp đang niêm yết. Thương vụ của CTG với IFC hồi tháng 1/2011 cũng đã gây nên biến động đột biến về giá. Thông tin không chính thức về thương vụ đã giúp CTG hồi tháng 12/2010 đang ở mức 18.200-18.300 đồng nhảy vọt lên trên 24.000 đồng và trong ba tháng sau đó còn lên tới 32.000 đồng/cổ phiếu.
CTG bán hơn 168,58 triệu cổ phần cho IFC và quỹ đầu tư cấp vốn IFC với giá 21.000 đồng, nhưng kỳ vọng của thị trường đã đẩy giá cổ phiếu này cao hơn mức chấp nhận của đối tác chiến lược.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng yếu tố thị trường đã đóng vai trò chính trong việc đẩy giá cổ phiếu niêm yết tăng, chứ không phải thuần túy thông tin hỗ trợ. Thời điểm CTG bán 10% vốn cho hai tổ chức có liên quan nói trên, thị trường chung đang nằm trong xu hướng tăng rất mạnh. Do đó thông tin hỗ trợ tích cực được cộng hưởng và giá biến động theo chiều hướng tăng.
Hồi tháng 5 vừa qua, VCB cũng có 3 phiên giao dịch đột biến ngược hướng thị trường chung với thông tin sẽ niêm yết 1,6 tỷ cổ phần thuộc phần vốn nhà nước và tái khởi động lại việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (bằng việc chỉ định Credit Suisse là nhà tư vấn). Thị trường chung trong tháng 5 giảm rất mạnh nhưng VCB cũng có vài phiên khởi sắc đột biến. Tuy nhiên, việc đi ngược hướng không thể kéo dài và VCB nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo bình thường.
Phiên giao dịch ngày28/9 có thể coi là một phiên phản ứng thái quá với thông tin hỗ trợ. Thông thường những phiên tạo một bước đột phá về giá như vậy không xuất phát từ yếu tố cơ bản sẽ phải được kiểm nghiệm lại. Thời điểm công bố thông tin về quy mô thương vụ (giúp ước tính giá mua), VCB đang giao dịch ở mức 26.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy đối tác chiến lược đã chấp nhận mua VCB cao hơn thị trường tới gần 28%.
Phản ứng thông thường là nhà đầu tư cá nhân cho rằng tổ chức đầu tư chuyên nghiệp đã định giá cao hơn mức hiện tại, đồng nghĩa với VCB hiện đang bị định giá thấp. Tổ chức đầu tư chấp nhận mua VCB giá 34.000 đồng thì không có “lý gì” giá giao dịch hiện tại dưới 30.000 đồng.
Thực tế, đã có báo cáo phân tích của một công ty chứng khoán trong nước định giá VCB từ tháng 5/2011 có giá mục tiêu 32.000 đồng và ngày 28/9 vừa qua lại tiếp tục duy trì phân tích đó. Tuy nhiên báo cáo đó được phát đi đúng vào ngày 17/5, ngay sau đó một phiên VCB đạt đỉnh 32.400 đồng để rồi giảm liên tục. Việc định giá đó có thể chính xác, nhưng không có nghĩa là phù hợp với mọi chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư. Bản thân đối tác chiến lược nước ngoài sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường nhưng với tầm nhìn dài hạn, tối thiểu 3 năm.
Do đó các phân tích dài hạn thường không phù hợp với biến động ngắn hạn, đặc biệt ở những thời điểm xu hướng thị trường chung không thuận lợi. Những thông tin hỗ trợ như của VCB ra không đúng thời điểm nên tác động không nhiều.
Dĩ nhiên trong dài hạn, việc hợp tác với một đối tác chiến lược tốt sẽ giúp VCB có nhiều lợi thế và tiềm năng tăng trưởng giá cổ phiếu là có thực.
Trọng Nghĩa
TBKTVN
|