Thị trường ngày 23/09 dưới góc nhìn công ty chứng khoán
(Vietstock) – Chỉ khi phiên 23/09 cuối phiên vẫn tăng mạnh, đi kèm giao dịch đột biến thì kịch bản sáng sủa của thị trường sẽ được khẳng định.
Khả năng giằng co một vài phiên
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt 5.76% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức 5.6% của 6 tháng đầu năm. Mặc dù mức tăng chưa đạt như kỳ vọng của chính phủ đề ra, tâm lý của nhà đầu tư vẫn duy trì tốt trước viễn cảnh lạc quan của kinh tế cuối năm.
Phiên 22/09, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn với giá trị bán ròng 76 tỷ đồng. Tuy nhiên nhóm này chỉ bán mạnh trên sàn HOSE, với lực bán ra tập trung ở một số cổ phiếu như là VIC, HAG, và BVH. Việc thoái vốn của khối ngoại có lẽ phần nhiều là do tái cấu trúc danh mục đầu tư. Bên cạnh đó, việc thị trường thế giới khủng hoảng cũng làm cho nhóm này ít dám mua vào cổ phiếu ở thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.
Hầu hết các ngành trên sàn HOSE đều tăng, riêng chỉ có ngành Dầu khí giảm 0.59%. Ngành khởi sắc nhất trên sàn này là Công nghệ, tăng 1.97%. Trong khi đó, trên sàn phía Bắc, Tiêu dùng và Công nghệ là hai ngành có tăng trưởng tốt nhất, tăng 3.04% và 2.14% tương ứng. Ngược lại, Viễn thông và Nhóm các mặt hàng thiết yếu lại là hai ngành giảm điểm, rớt 4.57% và 1.59%.
Về mặt phân tích kỹ thuật, chỉ số HNX-Index hiện đang có dấu hiệu đảo chiều và có khả năng tăng điểm trong những phiên tiếp theo. Đây là một cơ hội tốt cho nhiều nhà đầu tư để mua vào cổ phiếu trên sàn HNX. Ngược lại, chỉ số VN-Index, do vẫn chưa có lực đỡ tích cực, có khả năng giằng co thêm một vài phiên.
Xu hướng giảm ngắn hạn có phần lấn át
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Tín hiệu hồi phục từ một số mã dẫn dắt trên sàn HOSE đã lan tỏa sang HNX và giúp chỉ số 2 sàn có một phiên tăng điểm khá tích cực. Phiên giao dịch ngày 22/09 có thể coi là thành công với những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao và mua được giá thấp cho các giao dịch T+0, T+1. Tuy nhiên, đối với các giao dịch mua mới, phiên tăng điểm này chưa đủ sức thuyết phục và không có nhiều ý nghĩa về mặt xu thế để nhà đầu tư mạo hiểm tham gia đầu tư.
Áp lực cung, đặc biệt là xuất phát từ các giao dịch bán khống, vẫn thường trực ở các vùng giá cao và có thể tạo ra lực cản lớn đến sự hồi phục của thị trường. Trong khi các thông tin vĩ mô trong nước không còn yếu tố đột biến và xu hướng sụt giảm ngắn hạn về mặt kỹ thuật đang có phần lấn át, các nhà đầu tư nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi giải ngân ở các vùng giá thấp hơn.
Tích cực vào cuối tuần
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/09, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục cho thấy những chuyển biến khởi sắc hơn khi chốt phiên cả hai sàn đều đã được sắc xanh bao phủ. Cụ thể VN-Index tăng nhẹ, còn HNX-Index ghi nhận mức tăng khá với 2 phiên ghi điểm liên tiếp.
Mặc dù khởi động có phần dè dặt trong sự thận trọng của các nhà đầu tư nhưng về cuối phiên, tâm lý này đã phần nào được giải tỏa giúp cho lực cầu tăng mạnh trở lại, đặc biệt đáng chú ý ở những cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm sâu gần đây trên sàn HOSE, theo đó bầu không khí giao dịch cũng có được những chuyển biến tích cực, trở nên sôi động và nhộn nhịp hơn, kèm theo đó tính thanh khoản của thị trường cũng được cải thiện so với ngày hôm qua, nhưng chưa nhiều.
VCBS cho biết vẫn duy trì quan điểm tích cực với thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần này, khả năng tăng điểm của thị trường đang chiếm ưu thế hơn, đặc biệt là khi thời điểm công bố tin CPI tháng 9 của cả nước, vốn được kỳ vọng sẽ khả quan, đang đến rất gần.
Cần tăng mạnh về chỉ số và khối lượng
CTCP Chứng khoán VNDirect (VND): 2 cây nến đỏ của HNX trong ngày 21 và 22/09 vẫn chưa đủ bao phủ cây nến đen dài trước đó. Nhiều cổ phiếu penny phiên này tăng trần nhưng khối lượng giao dịch chưa thực sự thuyết phục, vì vậy chỉ khi phiên 23/09 cuối phiên vẫn tăng mạnh, đi kèm giao dịch đột biến thì kịch bản sáng sủa của thị trường sẽ được khẳng định.
Nếu lực cầu đến cuối phiên ngày 23/09 vẫn tốt có thể cân nhắc chọn lọc cổ phiếu, giải ngân một phần danh mục. Tuy nhiên, phải xác định lợi nhuận nhịp tăng này không nhiều do mức kháng cự là đỉnh 14/09 rất gần và đặc biệt là rủi ro nếu thị trường thế giới biến động quá mạnh có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến index.
Sẽ kiểm chứng lại xu hướng tăng
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Giao dịch có phần khởi sắc về cuối phiên với chênh lệch cung – cầu về giá được rút ngắn nhanh chóng. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn chưa có sự cải thiện và chỉ đạt mức tương đương với ba phiên giao dịch liên trước.
Tâm lý nhà đầu tư phiên này có phần tích cực và cởi mở hơn về cuối phiên so với phiên trước. Lực cầu phát tín hiệu quay trở lại cho thấy một bộ phận nhà đầu tư vẫn tin tưởng khả năng phục hồi của thị trường sau nhịp điều chỉnh.
Về mặt kỹ thuật, các chỉ báo kỹ thuật cũng cho thấy xu thế phục hồi trong trung và dài hạn của thị trường vẫn chưa hoàn toàn bị phá vỡ. Bên cạnh thông tin tích cực về chỉ số CPI cả nước tháng 9, thị trường cũng được hỗ trợ bởi kỳ vọng vào khả năng nâng đỡ thị trường của các quỹ trong động thái làm đẹp NAV cuối quý. Tuy vậy, khả năng phá vỡ nhịp điều chỉnh hiện tại của VN-Index vẫn chưa được đánh giá cao do thiếu vắng sự ủng hộ của dòng tiền.
Khả năng cho một xu thế tăng tiếp diễn sẽ vẫn cần phải được kiểm chứng trong những phiên giao dịch tới. Theo đó, nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát thị trường và chờ đợi tín hiệu phục hồi nếu thanh khoản thị trường được cải thiện.
Viết Vinh tổng hợp
|