Thứ Năm, 22/09/2011 08:00

Luật sư Trần Minh Hải: Nếu kiện, hãy kiện lãnh đạo DVD

Luật sư Trần Minh Hải, cho rằng, các cổ đông và NĐT kiện DVD là khó hiệu quả bởi DN này đang đứng bên bờ vực phá sản. Theo ông Hải, nếu kiện, hãy khởi kiện lãnh đạo DVD để có hy vọng được bồi thường bằng tài sản cá nhân.

Luật sư Trần Minh Hải

UBCK khuyến nghị NĐT khởi kiện CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) để đòi bồi thường quyền lợi do đã nộp 70 tỷ đồng vào Công ty để mua cổ phiếu phát hành thêm từ đợt tăng vốn do UBCK cấp phép, nhưng sau đó đã hủy bỏ. Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư cho rằng, các cổ đông và NĐT kiện DVD là khó hiệu quả bởi DN này đang đứng bên bờ vực phá sản. Theo ông Hải, nếu kiện, hãy khởi kiện lãnh đạo DVD để có hy vọng được bồi thường bằng tài sản cá nhân.

Vì sao ông cho rằng, khởi kiện lãnh đạo DVD thì NĐT có khả năng được bồi thường cao hơn?

Xét về mặt pháp lý, DVD có nghĩa vụ hoàn trả tiền và bồi hoàn thiệt hại cho những NĐT đã nộp 70 tỷ đồng mua cổ phần nhưng chưa sở hữu cổ phiếu bởi đợt phát hành cổ phiếu của DVD chưa đủ cơ sở pháp lý. Do vậy, họ có quyền yêu cầu Tòa án xử lý vụ việc để bảo vệ quyền lợi trong quá trình giải quyết phá sản DN với tư cách chủ nợ không có tài sản bảo đảm.

Theo Điều 25, Nghị định 102/2010/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, thì các cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền yêu cầu Ban kiểm soát (BKS) khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, Tổng giám đốc trong trường hợp không thực hiện đúng các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gây thiệt hại cho cổ đông.

Các cổ đông và NĐT phải chuẩn bị những bằng chứng gì để có thể khởi kiện lãnh đạo DVD?

Khi muốn khởi kiện, NĐT cần thu thập các tài liệu, để đánh giá xem Ban lãnh đạo DVD đã làm tròn trách nhiệm mà pháp luật cũng như ĐHCĐ giao phó chưa và nên chuyển yêu cầu khởi kiện cho BKS. Trường hợp không nhận được sự phối hợp của BKS, NĐT cần đưa nội dung này ra ĐHCĐ để xem xét trách nhiệm của Ban lãnh đạo DVD, kể cả BKS. Trên cơ sở đó, NĐT sẽ có cơ sở pháp lý yêu cầu lãnh đạo DVD phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Nếu lãnh đạo DVD chối bỏ trách nhiệm, thì đây chính là lúc NĐT tiến hành khởi kiện Ban lãnh đạo DVD.

NĐT cũng cần thu thập đủ tài liệu chứng minh Ban lãnh đạo DVD đã cố tình che giấu thông tin dẫn đến DN lâm vào tình trạng phá sản ra sao. Chẳng hạn, khi muốn làm rõ trách nhiệm của các thành viên BKS, NĐT cần tìm lại các Báo cáo kết quả giám sát hoạt động của HĐQT, Ban giám đốc trình ĐHCĐ hàng năm. Nếu trong các báo cáo này, BKS có chỉ ra các dấu hiệu vi phạm hoặc một số biểu biểu hiện bất thường trong điều hành của Ban lãnh đạo DVD, thì BKS đã phần nào làm tròn nhiệm vụ và ngược lại.

Nhiều NĐT cho rằng, UBCK không thể nói là đã làm hết trách nhiệm vì cơ quan này đã cấp phép cho DVD phát hành cổ phiếu tăng vốn. Vậy UBCK phải có trách nhiệm gì và NĐT có quyền yêu cầu UBCK hỗ trợ pháp lý để khởi kiện lãnh đạo DVD không, theo ông?

Về mặt pháp lý, nếu như Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu này của các NĐT, thì cũng sẽ xem xét toàn bộ các vấn đề, các cơ quan liên quan đến vụ việc, trong đó có trách nhiệm của UBCK. NĐT có thể đề nghị UBCK hỗ trợ về các tài liệu, thông tin liên quan làm chứng cứ xuất trình trước Tòa án. Trong trường hợp UBCK từ chối đề nghị của NĐT, thì NĐT có thể đề nghị Tòa án yêu cầu DVD và UBCK cung cấp các thông tin, căn cứ liên quan đến quá trình đề nghị, phê duyệt phát hành cổ phần tăng vốn của DVD để xem xét giải quyết vụ việc.

Cách thức khởi kiện như vậy có giúp NĐT hy vọng nhận được bồi thường từ tài sản cá nhân của những người điều hành DVD không, theo ông?

Khoản bồi thường từ tài sản cá nhân trước hết phụ thuộc vào việc người phải bồi thường có còn tài sản để bồi thường hay không. Bên cạnh đó, quyết định khởi kiện lãnh đạo DVD nếu được NĐT đưa ra là việc chưa có tiền lệ trong hoạt động xét xử, trong khi trên thực tế toà án thường ngại giải quyết các vụ việc chưa có tiền lệ, nên con đường tìm công lý tại toà án của NĐT là khá phức tạp.

Qua vụ việc DVD, bài học quan trọng với NĐT là hãy tự bảo vệ túi tiền của mình trước khi mong đến sự bảo vệ từ các cơ quan quản lý hay các đơn vị bảo vệ pháp luật, bởi để có được sự bảo vệ này, phải mất rất nhiều công sức và thời gian.

Hữu Đạo thực hiện

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 22/09 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (21/09/2011)

>   Thị trường ngày 21/09 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (20/09/2011)

>   Thị trường ngày 20/09 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (19/09/2011)

>   Nắm giữ HSG và mua vào DPM (18/09/2011)

>   Thị trường tuần 19 – 23/09 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (18/09/2011)

>   Những lời khuyên chân thành (18/09/2011)

>   TGĐ HOSE: Sẽ mạnh tay với DN chây ì công bố thông tin (17/09/2011)

>   Chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán những tháng cuối năm (16/09/2011)

>   Chủ tịch UBCK: Bán khống nguy hiểm hơn đòn bẩy tài chính (16/09/2011)

>   Thị trường ngày 16/09 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (15/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật