Thứ Bảy, 17/09/2011 09:33

Phát hành DR, vừa làm vừa học

Cùng với chủ trương của UBCK cho phép thí điểm phát hành chứng chỉ lưu ký (DR), hiện tại, CTCP Tập đoàn Masan đã nộp hồ sơ phát hành DR. Nếu việc phát hành thuận lợi, Masan có thể sẽ là DN đầu tiên của Việt Nam phát hành… có phép chứng chỉ này.

DN đã sẵn sàng

Theo tìm hiểu của ĐTCK, CTCK Bản Việt (VCSC) đã nộp hồ sơ phát hành DR của Masan (MSN) lên UBCK và đang xúc tiến thủ tục tương tự đối với CTCP Mirea (KMR). Theo đó, dù chưa xin ý kiến cổ đông cũng như xác định ngân hàng lưu ký hay thị trường niêm yết, nhưng dự kiến Masan có thể huy động vốn thông qua DR với quy mô trên 100 triệu USD, phát hành tại thị trường Singapore.

Đối với trường hợp KMR, trong Nghị quyết ĐHCĐ bất thường lần 1 năm 2011, Công ty đã thông qua phương án phát hành 16 triệu cổ phần (tổng mệnh giá 160 tỷ đồng) với giá không thấp hơn mệnh giá để làm cơ sở phát hành và niêm yết DR trên sàn Kosdaq của Hàn Quốc. Ngoài 2 đối tượng trên, Bản Việt cho biết, cũng có một số DN niêm yết khác tìm hiểu và quan tâm đến việc huy động vốn thông qua phát hành DR.

Tại CTCK Sacombank (SBS), ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT cho biết, Công ty đang xúc tiến việc phát hành DR cho 4 DN lớn. Theo ông Nam, bên cạnh yếu tố trong nước là cơ sở pháp lý chưa có, thì khó khăn kinh tế trong và ngoài nước cũng khiến việc phát hành DR gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) cho biết, hiện tại, Phát Đạt cũng đang khởi động lại kế hoạch phát hành DR, nhưng thời điểm chính xác thì chưa có. "Chúng tôi sẽ phải chờ đến khi điều kiện kinh tế thuận lợi để triển khai", ông Đạt nói.

Hành lang pháp lý vẫn phải chờ

Dù đã có chủ trương cho phép thí điểm phát hành DR tại những DN có đủ điều kiện, nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa có một hướng dẫn chi tiết nào cho DN và CTCK. Mọi việc đang được triển khai theo hướng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, song song với xây dựng quy định pháp lý.

Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đã được lấy ý kiến từ đầu tháng 5/2011, thì trường hợp DN phát hành chứng khoán làm cơ sở hoặc bảo trợ việc phát hành DR trên cơ sở chứng khoán đang lưu hành chỉ cần có Nghị quyết ĐHCĐ thông qua, đáp ứng các điều kiện của nước sở tại và báo cáo, công bố kịp thời với cơ quan quản lý và thị trường. Tuy nhiên, thực tế từ câu chuyện của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đặt ra cho cơ quan quản lý một số câu hỏi liên quan đến vấn đề quản lý và giám sát việc phát hành DR của DN.

Theo thông lệ, để có thể bảo trợ phát hành DR thì DN phát hành cổ phiếu cơ sở phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý. Việc này là để đảm bảo tính minh bạch trong công bố thông tin của DN, quyền lợi của những người nắm DR. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản chất của Chứng chỉ tham gia đầu tư (P-note) với DR, thì sự khác biệt giữa 2 loại chứng chỉ này không lớn. Trong khi đó, P-note đang được thả lỏng hoàn toàn, còn phát hành DR lại khá khó khăn vì chưa có khung pháp lý.

Ghi nhận của ĐTCK cho thấy, tới thời điểm này, việc xây dựng hành lang pháp lý cho DR vẫn còn một số điểm khúc mắc. Có một số câu hỏi được đặt ra là, UBCK sẽ đứng ở đâu trong quá trình ngân hàng lưu ký phát hành và niêm yết DR? UBCK sẽ giữ vai trò tiếp nhận công bố thông tin hay chấp thuận cấp phép? DR được phép phát hành trên cơ sở cổ phiếu nào, cổ phiếu đã có sẵn hay cổ phiếu phát hành mới, hay cả hai? Đối với trường hợp phát hành DR trên cơ sở phát hành riêng lẻ thì sẽ quản lý như thế nào, khi quy định hiện tại của Việt Nam vẫn là hạn chế chuyển nhượng 1 năm cổ phiếu của đợt phát hành riêng lẻ, là điều mà không ít DN đang thắc mắc.

Thêm vào đó, trong trường hợp chuẩn mực kế toán của Việt Nam khác với chuẩn mực kế toán nơi DR được niêm yết, dẫn tới việc báo cáo kiểm toán lập theo 2 tiêu chuẩn kế toán khác nhau cho kết quả doanh thu - lợi nhuận khác nhau, khi đó DN có phải công bố đồng thời cả 2 báo cáo?

Mọi câu trả lời có lẽ phải chờ tới khi có các văn bản hướng dẫn như Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, hành trình để ban hành Nghị định này có thể vẫn còn rất dài, khi bản dự thảo vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Vì thế, bên cạnh việc chấp nhận thí điểm DR của cơ quan quản lý, ngoại trừ những DN mạnh dạn đi đầu, thị trường vẫn phải chờ đợi cơ chế, dù nhu cầu huy động và cơ hội gọi vốn đang hiện hữu.

Bùi Sưởng

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Huy động vốn từ nước ngoài gặp khó (15/09/2011)

>   SME giải trình giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp (15/09/2011)

>   Chứng khoán Mê Kông bị phạt vì chậm nộp BCTC (15/09/2011)

>   Bán khống: Cơ quan quản lý ở đâu? (10/09/2011)

>   12/09, PVL thoát khỏi diện cảnh báo (10/09/2011)

>   Chỉ số VN-30 sẽ thúc đẩy giao dịch của khối ngoại (09/09/2011)

>   UBCK: Chuyển quyền sở hữu cổ phiếu DVD vẫn thông qua VSD (09/09/2011)

>   VPBank Securities bị phạt 85 triệu đồng do nợ trên vốn "vượt rào" (08/09/2011)

>   Tham gia MMOU: Không còn là tự lựa chọn (07/09/2011)

>   Nhận diện cổ phiếu “hỗn” (06/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật