Tham gia MMOU: Không còn là tự lựa chọn
Nếu không tham gia đầy đủ MMOU, một quốc gia có thể bị cho là thiếu minh bạch. Và như vậy sẽ khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Cuối năm 2010, Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) đã ban hành Nghị quyết quy định những nước thành viên của IOSCO không tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ đa phương (MMOU) của tổ chức này trước ngày 1.1.2013 thì sẽ bị liệt vào danh sách cần theo dõi. Bị đưa vào danh sách này có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế của quốc gia đó.
Nếu không tham gia đầy đủ MMOU, một quốc gia có thể bị cho là thiếu minh bạch, nhất là khi số lượng các nước ký kết MMOU ngày càng tăng. Khi đó, luồng vốn đầu tư nước ngoài sẽ suy giảm do các nhà đầu tư tổ chức luôn tham khảo các cam kết và nghĩa vụ thực thi cam kết của các nước thành viên thuộc IOSCO để từ đó đưa ra quyết định đầu tư.
Mặt khác, việc ký kết MMOU cũng là điều kiện để duy trì tư cách thành viên của Việt Nam trong IOSCO. Do đó, theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc ký kết MMOU không còn là sự tự lựa chọn tham gia hay không tham gia nữa mà là một yêu cầu tất yếu và bắt buộc.
Lợi ích lớn
Có thể thấy rõ những lợi ích của việc tham gia MMOU. Đó là nâng cao được mức độ tín nhiệm của thị trường chứng khoán và cơ quan quản lý. Việt Nam cũng sẽ tăng cường được hiệu quả trong hoạt động quản lý và giám sát các thị trường nội địa, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, giao dịch xuyên biên giới không chỉ giới hạn ở hoạt động đầu tư mà còn cả cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, việc tham gia MMOU sẽ giúp một thị trường mới nổi như Việt Nam có thể trao đổi thông tin và nhận được sự hỗ trợ về quản lý từ các thị trường phát triển thuộc IOSCO.
Lấy trường hợp của Malaysia làm ví dụ. Cách đây vài năm, cũng nhờ sự hỗ trợ của các thành viên trong IOSCO, Ủy ban Chứng khoán Malaysia (SC) đã thành công trong điều tra vụ gian lận đầu tư của 2 người Malaysia và hoàn trả được hơn 9 triệu USD cho các nhà đầu tư.
Tham gia MMOU cũng giúp Malaysia nâng cao được năng lực quản lý và uy tín của mình trên thị trường quốc tế. Trong 5 năm (2007-2011), Malaysia được xếp thứ 4 về mức độ bảo vệ nhà đầu tư trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, Malaysia còn được Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) xếp thứ 5 về mức độ tuân thủ các chuẩn mực về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố của APG.
Một lợi ích khác của MMOU là giúp các thành viên tham gia thị trường giảm chi phí vốn và các khoản chi phí khác nhờ được giao dịch trực tiếp với đối tác nước ngoài ở những nước đã tham gia MMOU. Chẳng hạn, từ khi ký kết MMOU, Malaysia được Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) của Mỹ công nhận là quốc gia có khuôn khổ quản lý thị trường vốn đã đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế, trong đó bao gồm các thỏa thuận về hợp tác quốc tế về thị trường chứng khoán. Vì thế, các thành viên của thị trường phái sinh Bursa Malaysia được phép giao dịch trực tiếp với các khách hàng Mỹ mà không cần phải đăng ký với CFTC.
Thách thức không nhỏ
Trở thành thành viên chính thức của IOSCO từ tháng 6.2001, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã được trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các nước thành viên IOSCO về khuôn khổ pháp lý, bảo vệ cộng đồng đầu tư, được tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo về giao dịch điện tử, thị trường phái sinh... Ủy ban cũng gặp nhiều thuận lợi trong việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác song phương với một số ủy ban chứng khoán các quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Ấn Độ, Anh, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia.
Thấy rõ những lợi ích của việc tham gia MMOU, đến tháng 1.2007, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết định đăng ký và chuẩn bị các bước tham gia ký kết MMOU của IOSCO và hiện đã hoàn thành bộ trả lời cho Bảng câu hỏi MMOU.
Từ nay cho đến thời điểm 1.1.2013 chỉ còn chưa đầy 16 tháng, trong khi Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt thách thức cũng như những rào cản về khung pháp lý, năng lực của cơ quan quản lý cũng như nhận thức của các bộ, ngành liên quan. Chẳng hạn như việc đưa ra những quy định về thu thập và chia sẻ thông tin như quy định về quyền tiếp cận thông tin của cơ quan quản lý (tức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), quy định bắt buộc các bên liên quan (như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các sở giao dịch chứng khoán) phải cung cấp thông tin, hay quy định cho phép cơ quan quản lý Việt Nam chia sẻ thông tin với cơ quan quản lý nước ngoài. Để làm được tất cả những điều đó là không dễ dàng.
Biên bản ghi nhớ đa phương (MMOU) về tư vấn, hợp tác và trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) được thiết lập vào tháng 5.2002. MMOU bao gồm 3 phụ lục chính: Phụ lục A là những cam kết về hỗ trợ, trao đổi thông tin phục vụ điều tra, giám sát tuân thủ và cưỡng chế thực thi. Phụ lục B là giải pháp cho những nước chưa đủ năng lực tham gia đầy đủ vào cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin (bao gồm thông tin về tài khoản khách hàng, giao dịch chứng khoán, chủ sở hữu hưởng lợi). Phụ lục C là các mẫu yêu cầu cung cấp thông tin.
IOSCO yêu cầu mỗi thành viên đều phải tham gia MMOU, tối thiểu là Phụ lục B. IOSCO đã đưa ra hạn chót để đáp ứng các yêu cầu tối thiểu khi tham gia Phụ lục B là ngày 1.1.2010. Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu này và hiện đang trong quá trình đàm phán để tiến tới tham gia Phụ lục B.
Mục tiêu sắp tới của IOSCO là các thành viên phải tham gia đầy đủ vào MMOU (tức phải tham gia đầy đủ cả 3 phụ lục). Thời hạn cuối cùng để ký kết MMOU là ngày 1.1.2013. Những thành viên không ký MMOU trước thời điểm này sẽ bị đưa vào danh sách cần theo dõi.
Tính đến tháng 7.2011, đã có 80 nước thành viên tham gia ký kết MMOU của IOSCO, 33 nước đang trong quá trình thực hiện các cam kết trong Phụ lục B và 4 nước thành viên hiện chưa tham gia đầy đủ vào MMOU. Việt Nam rơi vào nhóm 4 quốc gia trên.
Trong khối ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á), có 3 quốc gia đã ký kết MMOU là Malaysia, Singapore, Thái Lan. 3 quốc gia khác cũng đã tham gia vào Phụ lục B là Brunei, Indonesia và Philippines. |
Khánh Thanh Hường
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|