Công ty chứng khoán “thao dượt” chờ thời
Từ 6 tháng nay, chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch TP.HCM đã giảm từ 500 điểm xuống còn dưới 390 điểm. Giá của hầu hết các cổ phiếu đều bị giảm ít hoặc nhiều, có những mã chứng khoán đã xuống còn 50% so với mệnh giá. Điều này làm cho nhiều công ty chứng khoán lâm vào cảnh thua lỗ.
Cầm cự đến bao giờ?
Hôm đầu tuần, gặp anh Q.N - một nhân viên môi giới của Công ty chứng khoán HSC (HCM), anh cho biết công ty của anh không bị lỗ, nhưng nhân viên thì rất chật vật do không có do anh số nhiều như trước đây. Thu nhập của họ lúc này chính là hoa hồng tính trên phí môi giới. Tình trạng chung là các nhân viên phải trích những đồng tiền tích lũy từ những năm trước dùng cho chi tiêu thường ngày. Đó là những người không chơi nhiều cổ phiếu, còn những “top môi giới” là những người có lãi hàng ngàn tỷ đồng trước đây, họ đã dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư, giờ đã bán hết nhà đất, ngồi vất vưởng tại các quán cà phê hoặc một số chuyển sang làm những ngành nghề khác... Những nhà môi giới chứng khoán đình đám một thời nay lâm vào tình thế “cầm cự là chính”, bởi các doanh nghiệp chứng khoán hầu hết đều bị lỗ do cả thị trường không còn được thanh khoản.
Có một thực tế chua chát là nhiều nhà đầu tư không còn mặn mà với cổ phiếu khiến cho giá trị giao dịch mỗi phiên trên cả 2 sàn chứng khoán chỉ còn khoảng 800 tỷ đồng. Tính trên lý thuyết, mỗi ngày thị trường (2 sàn giao dịch) thu được khoảng 400 triệu đồng tiền phí môi giới, nếu chia đều thì mỗi công ty sẽ được 4 triệu đồng/ngày. Thực tế, 90% doanh số giao dịch chạy vào 5 công ty chứng khoán lớn, còn các công ty nhỏ thu được không là bao. Gần đây, một vài công ty chứng khoán Việt Nam được các công ty nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản mua lại như Chứng khoán Gia Quyền đã được đổi tên thành Công ty chứng khoán KIS Việt Nam. Anh Hồng Trường, thành viên một quỹ đầu tư chua chát nhận xét: Thật ra đó là việc mua lại giấy phép chứ tài sản của các công ty chứng khoán đó không đáng kể. Hiện tượng này bây giờ cũng sẽ chấm dứt do từ ngày 1/1/2012 các công ty nước ngoài được phép lập công ty chứng khoán hoạt động tại Việt Nam. Những công ty còn hoạt động mạnh là do có vốn nước ngoài hỗ trợ hoặc là công ty chứng khoán con của một ngân hàng.
Ưu tiên đào tạo, tập huấn
Theo đánh giá của giới đầu tư tài chính, chỉ còn những công ty chứng khoán như: HCM, SSI, FPT, KimEng… là còn vững vàng. Một số công ty khác có thể không lỗ, nhưng phải cố duy trì để chờ cơ hội phát triển trở lại. Họ đánh giá khi nào thị trường chứng khoán không còn nữa thì công ty chứng khoán mới chết hẳn, mà việc này thì không thể xảy ra.
Trong khi chờ thị trường phục hồi trở lại, nhiều công ty chứng khoán ra sức “dượt quân”. Anh Huỳnh Minh Trí, Giám đốc chi nhánh Công ty chứng khoán VietinbankSc (CTS) tại TP.HCM cho biết, hiện công ty của anh cũng như các công ty chứng khoán khác đều bị tụt giảm về doanh số. Tuy nhiên VietinbankSc nằm trong “top 5” công ty chứng khoán có lợi nhuận cao nhất. Đặc biệt, theo anh Trí, Công ty không để xảy ra bất kỳ khoản nợ xấu nào (bao gồm cả nợ xấu do triển khai nghiệp vụ hỗ trợ nhà đầu tư). Công ty chưa sa thải một nhân viên nào do còn đủ sức để chịu đựng. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn chung VietinBankSc đang tranh thủ đào tạo nhân viên, xây dựng lại cơ chế làm việc. Trong thời gian thị trường đang trầm lắng, từng phòng ban tự đào tạo lẫn nhau. Mỗi ngày một lần có trao đổi sơ bộ, hàng tuần có buổi thuyết trình về tình hình thị trường. Nói cách khác là Công ty dùng trí tuệ tập thể để nâng cao trình độ nhân viên môi giới để họ có thể tư vấn cho nhà đầu tư, hạn chế được rủi ro thấp nhất, thay vì để nhà đầu tư tự mò mẫm chọn cổ phiếu.
Lê Tá Điền
diễn đàn doanh nghiệp
|