Mơ hồ việc VN-30 có thể đại diện cho thị trường
Ngày hôm qua (07/09), Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) có buổi hội thảo giới thiệu chỉ số chứng khoán mới VN-30 với mục đích khắc phục những hạn chế hiện tại của VN-Index.
* Chỉ số VN30 sẽ khắc phục được hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng”
Theo HoSE, từ trước đến nay VN-Index là chỉ số duy nhất mà Sở đang sử dụng và đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng đang dần bộc lộ một số hạn chế.
Việc sử dụng duy nhất một chỉ số đại diện cho tất cả cổ phiếu trên thị trường, cũng như cấu phần và phương pháp tính toán chỉ số đã thể hiện nhiều bất cập. Vì vậy việc xây dựng một bộ chỉ số mới nhằm khắc phục những hạn chế hiện tại của VN-Index là cần thiết, không chỉ tác động trực tiếp đến nhà đầu tư, Sở giao dịch chứng khoán mà còn đối với cả nền kinh tế.
HoSE cho hay, chỉ số mới VN-30 sẽ được niêm yết song song với VN-Index, nhằm bổ sung thông tin cho nhà đầu tư và khắc phục những hạn chế hiện nay của chỉ số duy nhất này. Việc HoSE công bố bộ chỉ số mới còn nhằm tạo nên sự đồng bộ và khả năng so sánh về chỉ số với các Sở giao dịch chứng khoán khác trong khu vực, làm tiêu chuẩn cho các quỹ chỉ số/ quỹ ETF, cơ sở cho sản phẩm phái sinh sau này.
Trên thực tế, thời gian qua nhiều thành viên trên thị trường cũng đã lên tiếng về độ chính xác của chỉ số VN-Index. Để đáp ứng nhu cầu chính đáng của khách hàng, một số công ty chứng khoán và công ty tài chính đã tự xây dựng các bộ chỉ số của riêng mình. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có đủ điều kiện làm việc đó, do vậy các đơn vị này và khá nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ quay sang dựa vào những biến động chỉ số HNX-Index (của sàn Hà Nội) để xác định xu hướng chung của thị trường niêm yết.
Tuy nhiên, trước thông tin về việc HoSE dự kiến sẽ triển khai VN-30, nhiều thành viên trên thị trường còn tỏ ra khá mơ hồ.
Ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng Phòng Phân tích Công ty chứng khoán IRS cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa biết chính xác VN-30 được tính toán ra làm sao. Tuy nhiên, với chúng tôi việc ra đời VN-30 cũng không quan trọng lắm.
Bởi, với kinh nghiệm hiện nay thì thị trường sẽ theo dõi các biến động chỉ số đại diện cho hai nhóm đầu tư: Theo dõi xu hướng nhóm các cổ phiếu các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhiều thì dựa vào VN-Index; còn đầu tư chung theo thị trường chứng khoán thì cứ dựa vào động thái của HNX-Index là khá chính xác, kể cả trường hợp đầu tư các cổ phiếu trên HoSE”.
Theo HoSE, VN-30 là chỉ số đại diện cho 30 công ty niêm yết trên HoSE có giá trị vốn hóa và tính thanh khoản cao nhất trên thị trường (khoảng 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường và 60% giá trị giao dịch toàn thị trường).
Thay đổi cách tính trước đây, phương pháp tính giá trị vốn hóa sẽ được điều chỉnh theo hệ số free float (số cổ phiếu tự do giao dịch trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành) thay vì số cổ phiếu đăng ký niêm yết hiện nay. Tỷ trọng của mỗi mã chứng khoán trong rổ chỉ số không vượt quá 10%, nhằm loại trừ rủi ro bóp méo chỉ số.
Thế nhưng, phương pháp tính mới này vẫn khiến nhiều người băn khoăn về tính đại diện của VN-30 cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Dương Trí Thắng, Giám đốc Môi giới Công ty chứng khoán APEC cho rằng, đại diện 30 công ty niêm yết chiếm 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường chắc chắn sẽ có mặt các mã BVH, MSN, VIC… và mặc dù có khống chế tỷ trọng của mỗi mã chứng khoán trong rổ chỉ số không vượt quá 10%, song với hoạt động giao dịch thực tế của các mã này mỗi phiên là không nhiều nhưng sự ảnh hưởng của nó đến bộ chỉ số mới vẫn không nhỏ.
Trong khi đó, là người trực tiếp tham dự cuộc hội thảo giới thiệu về VN-30 vừa qua, chị Hoàng Hương Giang, chuyên viên Phòng Phân tích Công ty chứng khoán Bản Việt, lại cho rằng cách tính mới theo hệ số free float rõ ràng là khắc phục được nhược điểm theo cách tính VN-Index cũ. Ví dụ như tại các mã BVH, VNM khối lượng nắm giữ cổ phiếu của nhà nước là khá lớn, thì nay đã được tách ra.
Song chị Giang cũng thừa nhận, nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn đầu thị trường vẫn chi phối phần lớn đến chỉ số VN-30, mặc dù trong đó một số cổ phiếu có khối lượng giao dịch mỗi phiên là rất thấp, bởi chỉ số này vẫn phải thể hiện bộ mặt của VN-Index. Cho nên việc khắc phục nhược điểm VN-Index tại chỉ số VN-30 cũng chỉ là tương đối!
“Ngoài ra tôi vẫn khá băn khoăn về việc làm tròn số theo cách tính hệ số free float. Ví dụ tại mã cổ phiếu MSN, theo HoSE tính là 11% thì hệ số làm tròn là 20%. Khoảng cách làm tròn tới 0,9% và nhân với giá trị vốn hóa thị trường của MSN là một con số lớn,” chị Giang chia sẻ.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của HoSE sau cuộc Hội thảo tại Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các thành viên tham gia thị trường đều tỏ thái độ tích cực trước sự cố gắng của Sở trong việc nghiên cứu và xây dựng đề án này. Thêm vào đó, thành viên thị trường cũng đề xuất mong muốn HoSE sẽ đẩy nhanh tiến độ đề án để sớm hoàn thành phương pháp luận, nhằm tiến tới áp dụng vào thực tiễn./.
Linh Chi
Vietnam+
|