Khi doanh nghiệp FDI bỏ trốn, xù nợ
Bài 1: Ngân hàng 'mếu'
Chạy theo thành tích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng mọi giá; ngân hàng dễ dãi cho các ông chủ ngoại vay tiền bằng tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay... Những nguyên nhân đó, đang khiến nhiều ngân hàng, nhiều tỉnh ăn quả đắng, do nhiều ông chủ đến từ Đài Loan và Hàn Quốc phá sản, trốn về nước bỏ lại đống nợ hàng chục triệu USD.
Trong quá trình mời gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh Phú Thọ đã ăn phải “trái đắng” từ bốn nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Cả tỉnh đau
“Lúc này các ông đề cập vấn đề doanh nghiệp Hàn Quốc bỏ trốn và xù nợ thì không ai nói cho đâu. Đây là nỗi đau lớn của toàn tỉnh Phú Thọ. Chắc chắn lãnh đạo các ban ngành sẽ đổ vấy trách nhiệm. Cuối cùng đau nhất vẫn là ông ngân hàng vì chúng nó (nhà đầu tư Hàn Quốc - PV) chơi cho một vố quá hiểm” - một người bạn làm tại một tổ chức tín dụng ở Phú Thọ độp ngay khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu chuyện ngân hàng bị nhà đầu tư Hàn Quốc xù nợ.
Theo vị cán bộ tín dụng này, từ những năm 2002-2005, nhiều ngân hàng tại Phú Thọ đã dính bẫy nhà đầu tư Hàn Quốc khi cho vay với số tiền rất lớn. Trong đó, cho vay nhiều nhất là Agribank Phú Thọ.
Để tìm hiểu về lai lịch của các ông chủ Hàn Quốc bỏ trốn, xù nợ, PV Tiền Phong đặt vấn đề làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ban ngành Phú Thọ, nhưng đều bị né tránh. Ngay cả Sở KH-ĐT, cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về chính sách thu hút đầu tư, dù PV nhiều lần đến làm việc nhưng ông Giám đốc Hoàng Công Thủy luôn khất vì bận họp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Ban quản lý KCN tỉnh Phú Thọ cho rằng, trách nhiệm để xảy ra tình trạng nhà đầu tư Hàn Quốc bỏ trốn thuộc về Sở KH-ĐT, vì đơn vị này được UBND tỉnh giao quản lý các khu, cụm công nghiệp nằm ngoài KCN.
Ông Hùng khẳng định, việc doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động ngoài KCN bỏ trốn và lừa đảo tiền của ngân hàng là có thật. “Không ai nghĩ khi họ đến hoành tráng thế rồi để lại một cục nợ và gây ra nỗi đau lớn cho toàn tỉnh Phú Thọ như thế” - ông Hùng nói.
|
Chủ Hàn Quốc bỏ trốn, để lại nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng (Phú Thọ) và món nợ hơn 12 triệu USD. |
Lần lượt bỏ trốn
Lần tìm những đầu mối thông tin liên quan những Cty Hàn Quốc đã bỏ trốn, chúng tôi gặp lại nhiều cán bộ, công nhân đã từng làm việc cho những Cty này. Chị Nguyễn Thị Huyền cùng hàng chục công nhân khác từng làm việc cho Cty TNHH Tasco Polycon, chuyên sản xuất vải bao và may xuất khẩu (Cụm công nghiệp Đồng Lạng). Đây là 1 trong 4 Cty Hàn Quốc đã vay khoảng 12 triệu USD của Agribank Phú Thọ.
Chị Huyền, kể: “Hồi làm ở Cty Tasco Polycon công việc giản đơn nhưng rất vất vả, tôi đưa nguyên vật liệu vào máy, sau khi thành sản phẩm thì đóng gói. Lương trung bình của công nhân trong nhà máy chỉ từ 300-450 ngàn đồng/tháng. Suốt hai năm làm việc, vài chục công nhân không được tăng lương, tiền thưởng, tiền ốm đau thai sản cũng không có. Đang làm việc bình thường thì nghe tin ông chủ bỏ trốn vì vỡ nợ. Chúng tôi gần như không được bồi thường, trợ cấp gì”.
Còn anh Nguyễn Mạnh Thắng, rủi hơn chị Huyền. Anh đang làm quản lý sản xuất cho Cty TNHH công nghiệp Tasco, chuyên sản xuất vải bạt PE, PVC và khung lều bạt xuất khẩu, thì ông chủ bỏ trốn. Sau đó, một ông chủ Hàn khác sang tiếp quản nhà xưởng, vẫn sản xuất mặt hàng đó, nhưng làm được một thời gian, thì ông này cũng bỏ trốn, để lại cục nợ lớn.
“Nay tôi làm cho Cty Robe của ông chủ người Việt, thuê lại nhà xưởng từ ngân hàng (chủ nợ của Tasco), bền nhất, đến nay đã được 3 năm. Nhà máy hiện sản xuất dây thừng, hoạt động ba ca/ngày”.
Xù nợ hơn chục triệu USD
Theo điều tra của PV Tiền Phong , Cty TNHH Tasco Polycon và Cty TNHH công nghiệp Tasco là 2 trong 4 Cty hiện đang nợ tiền của Agribank Phú Thọ. Hai Cty còn lại là Cty TNHH Tasco Việt Nam và Cty TNHH Tasco Material. Cả 4 Cty này đều có nhà máy đóng tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng (TP Việt Trì).
Có mặt tại các nhà máy này, điều khiến PV Tiền Phong ngạc nhiên là các nhà xưởng chủ yếu là nhà một tầng, được lợp bằng tôn. Các Cty này lại chủ yếu sản xuất các mặt hàng giản đơn như: bao bì, dây thừng, vải bao, may mặc...., không phải là các loại hàng hoá có giá trị cao.
Nhưng không hiểu sao, chỉ với nhà xưởng cấp 4, máy móc lạc hậu, công suất thấp, chủ yếu sản xuất mặt hàng giản đơn nhưng các ông chủ Hàn Quốc vẫn vay được từ Agribank Phú Thọ tới hơn 12 triệu USD. Sau khi vay tiền, cả 4 Cty này làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ nên ông chủ đã bỏ trốn về nước.
Làm việc với PV Tiền Phong , ông Vũ Văn Minh - Giám đốc Agribank Phú Thọ, nói: “Chuyện xảy ra mấy năm rồi. Thực ra có những Cty vay vốn làm ăn cũng được. Có 4-5 doanh nghiệp gặp khó khăn nên mới xảy ra như thế. Còn vì sao chỉ có tài sản như vậy, nhưng các doanh nghiệp này lại vay được hơn chục triệu USD, vì họ làm hồ sơ gian dối”.
Theo ông Minh, sau khi xảy ra sự việc, UBND tỉnh đã tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư của những Cty Hàn Quốc đang nợ tiền ngân hàng nhưng không có khả năng thanh toán. Toàn bộ mặt bằng nhà xưởng, máy móc đã được Agribank Phú Thọ phát mại và chủ động tìm kiếm nhà đầu tư tiếp nhận nhà máy để thu hồi nợ.
“Sau vụ việc, các ngành của tỉnh đã rút ra được bài học kinh nghiệm. Đó là nỗi đau chung của toàn tỉnh Phú Thọ và là bài học xương máu với lãnh đạo Agribank” - ông Minh nói.
Đến thời điểm này, theo số liệu của Agribank Phú Thọ, dư nợ của 4 Cty Hàn Quốc (Cty TNHH Tasco Polycon, Cty TNHH công nghiệp Tasco, Cty TNHH Tasco Việt Nam, Cty TNHH Tasco Material) vẫn còn hơn 12 triệu 253 nghìn USD.
Khoản nợ này, hiện đang được ngân hàng Agribank thu hồi bằng việc cho đối tác thuê lại nhà xưởng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ mới thu hồi được hơn 59 nghìn USD và 103 triệu đồng. Cứ như hiện nay, phải vài chục năm Agribank Phú Thọ không thu hồi đủ số tiền đã cho vay.
Xù nợ gần 80 triệu USD
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trong cả nước, chỉ thống kê riêng các ông chủ đến từ Đài Loan và Hàn Quốc, đã có hơn 200 dự án bị phá sản, giải thể do gặp khó khăn về tài chính. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo bằng thủ đoạn xin cấp giấy chứng nhận đầu tư để vay vốn sau đó rút về nước không thực hiện dự án nhằm chiếm đoạt vốn vay.
Trong đó, có hơn 20 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc và Đài Loan tại 12 địa phương còn nợ đọng ngân hàng không có khả năng trả nợ với số tiền gần 80 triệu USD. Trong đó, riêng Phú Thọ gần 17 triệu USD; Hải Dương khoảng 50 triệu USD. |
(Còn nữa)
Phong Cầm - Tùng Duy
Tiền Phong
|