Thứ Tư, 28/09/2011 06:37

Suy thoái kinh tế: Cái khó ló cái khôn

Thường khi suy thoái kinh tế toàn cầu thì giá cả hàng hóa cơ bản sẽ giảm. Việc kiểm soát lạm phát ở Việt Nam thời gian tới sẽ thuận lợi hơn. - TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia sẻ.

- Trong dự báo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế thế giới đang ở giai đoạn nguy hiểm nhất. Theo ông, xác suất xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới lần nữa hiện đang ở mức nào?

TS Võ Trí Thành: IMF vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 4,5% xuống 4% với các cảnh báo như tình hình xấu đi, rủi ro ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế thế giới đạt được như vậy thì hãy còn là sáng sủa.

Có một vấn đề là, đằng nào thì tăng trưởng cũng sẽ thấp đi rồi, chúng ta đang đứng trước 2 tình huống xảy ra , hoặc đơn giản là tốc độ tăng trưởng chậm lại hoặc xấu nhất là kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, thậm chí là khủng hoảng tái diễn.

Chúng ta không muốn nhìn thấy một nền kinh tế thế giới tồi tệ đi vì quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung luôn gắn liền với sự chuyển động của bên ngoài.

Nhiều người băn khoăn xác suất xảy ra suy thoái, khủng hoảng sẽ là bao nhiêu. Như ông Lê Đức Thúy (Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia) nói với Thủ tướng, xác suất ấy có thể là tỷ lệ 50-50. Nhưng xem xét kỹ lại đánh giá của IMF thì tôi thấy, đó là tỷ lệ 60- 40, nghĩa là 60% khả năng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm và 40% là bùng nổ suy thoái.

Mới đây, tôi nhận được một tài liệu nghiên cứu từ một tổ chức tài chính của Pháp đánh giá về câu chuyện này và theo họ, 20-30% có nguy cơ xảy ra suy thoái, khủng hoảng.

Cá nhân tôi cũng cho rằng, nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới là tỷ lệ thấp hơn.

- Thưa ông, trong bối cảnh xấu đi của kinh tế toàn cầu thì Việt Nam sẽ chịu tác động ở mức nào?

TS Võ Trí Thành: Chắc chắn sẽ có tác động mạnh. Chắc chắn, chúng ta không muốn nhìn thấy một nền kinh tế thế giới tồi tệ đi vì quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung luôn gắn liền với sự chuyển động của bên ngoài. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất cao qua con đường thương mại. Kim ngạch xuất khẩu và 20% là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp tới 60% GDP. Bên cạnh đó, trong kim ngạch xuất khẩu của ta thì dầu thô xuất khẩu lại chiếm khoảng xấp xỉ 50% và 40% là sản lượng  sản phẩm công nghiệp.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng về chu chuyển vốn trong khi cán cân thanh toán quốc tế của mình chưa tốt và cũng chưa cải thiện được bao nhiêu. Chúng ta vẫn cần vốn FDI, tất nhiên vốn ngắn hạn thì cũng rất phải cẩn thận. Kinh tế thế giới tồi đi thì các nước phát triển cũng "nghèo" đi, họ sẽ giảm việc đi du lịch.

Tuy nhiên, tôi tin rằng ta có những "mẹo" khác để kéo lại được như ta có nhiều kênh để chủ động trong thương mại đầu tư, chu chuyển vốn, du lịch.

- Trong bức tranh chung này, có điểm nào để được coi là cơ hội cho Việt Nam tận dụng kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, thưa ông?

TS Võ Trí Thành: Trong cái khó ló cái khôn. Thường khi suy thoái kinh tế toàn cầu thì giá cả hàng hóa cơ bản sẽ giảm, IMF cũng dự báo như vậy. Việc kiểm soát lạm phát ở Việt Nam thời gian tới sẽ thuận lợi hơn.

Khi Việt Nam rơi vào lạm phát, chúng ta thường chịu ảnh hưởng từ cả hai bên, phí đẩy và cầu kéo. Cái mà ta làm được nhiều là ở bên cầu, ta thắt chặt tiền tệ, tài khóa, hạn chế tổng phương tiện thanh toán ra lưu thông, giảm được tổng cầu, nhưng bên phí đẩy, chúng ta chịu tác động chủ yếu bởi các cú sốc bên ngoài. Tất nhiên, ta cũng chịu thêm một phần từ chính sách lãi suất nữa.

"Kinh tế toàn cầu đang ở trong một giai đoạn nguy hiểm mới, hoạt động kinh tế toàn cầu đã kém đi, không đồng đều và gần đây, niềm tin sụt giảm mạnh, những rủi ro xấu thì tăng lên.

Trong bối cảnh yếu kém về cơ cấu chưa được xử lý, một loạt các cú sốc sẽ dội vào nền kinh tế quốc tế trong năm tới.

Nhật Bản đang vật lộn với việc khắc phục hậu quả sự tàn phá của trận động đất và song thần xảy ra hồi tháng 3, một số nước sản xuất dầu mỏ có sự bất ổn đang tăng lên.

Tại nền kinh tế Mỹ, sự chuyển giao nhu cầu giữa khu vực công sang khu vực tư nhân đã bị dừng lại. Khu vực đồng Euro đối mặt với sự hoảng loạn tài chính lớn, các thị trường toàn cầu đang phải hứng chịu hệ lụy từ việc bán ồ ạt các tài sản đầy rủi ro, hiện đã có dấu hiệu lan tỏa tới nền kinh tế thực.

Trường hợp này, khi giá cả hàng hóa cơ bản giảm thì xác suất chịu tác động xấu từ cú sốc giá cả bên ngoài sẽ nhỏ thôi. Trong điều kiện giá cả giảm như vậy, chúng ta vẫn thực hiện một chính sách thẳt chặt tài khóa, chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng linh hoạt hơn, khu vực tư nhân tiếp cận tín dụng tốt hơn, lãi suất ít nhiều.... Những điều đó cho thấy chúng ta có thuận lợi nhất định để giảm lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô dù kinh tế thế giới suy giảm.

Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế ở một số nước châu Á, khu vực năng động, được coi là động lực phát triển kinh tế thế giới trong thời gian tới là tương đối tốt, họ cũng thay đổi, chuyển từ việc hướng ra bên ngoài sang đẩy mạnh tiêu dùng và đầu tư trong nước. Ta có các hiệp định FTA có nhiều điểm để tận dụng cơ hội này.

Trong bối cảnh chung đó, Việt Nam tăng trưởng 5,8% - 6% là ổn.

- Thưa ông, việc Chính phủ đặt mục tiêu hạ lạm phát đang từ 18% năm nay giảm hẳn mức lạm phát chỉ một chữ số ở năm sau. Mức giảm tốc có khoảng cách khá lớn như vậy có khả thi?

TS Võ Trí Thành: Tôi cho là Chính phủ hoàn toàn có thể làm được. Điều đáng nói là ta có quyết tâm không, kiên trì không, thông điệp điều hành chính sách có rõ ràng không. Cũng phải nhìn nhận lại mục tiêu tăng trưởng trung bình trong 5 năm tới như thế nào. Đảm bảo mục tiêu này loanh quanh dưới 6% đến 6%, hạ tăng trưởng thì lạm phát sẽ giảm đi.

Các trao đổi trong 2-3 tuần gần đây giữa các nhà khoa học đều có sự thống nhất cao độ về đánh giá nền tảng vĩ mô ở Việt Nam còn rất yếu, dù lạm phát theo tháng của ta đã giảm, nhưng kết quả tích cực vẫn rất mong manh. Do đó, chúng tôi đồng thuận rằng từ nay cuối năm, Chính phủ kiên trì tập trung chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây không chỉ là việc của năm nay, năm tới mà là câu chuyện trường kỳ cho 5 năm tới.

- Tình hình xấu này sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán ra sao thưa ông?

TS Võ Trí Thành: Ở Việt Nam, trong chừng mực nhất định, thị trường chứng khoán cũng có liên hệ với thị trường chứng khoán thế giới vì kinh tế của ta có độ mở cao. Trên thị trường, có những tổ chức tài chính, nhà đầu tư bên ngoài tham gia chứng khoán Việt Nam với cái nhìn ở tầm khu vực và toàn cầu nên nếu bối cảnh xấu đi, họ  sẽ có sự điều chỉnh.

Ví dụ như khi khu vực châu Âu xảy ra những yếu kém thì nhiều nhà đầu tư đã chạy khỏi thị trường chứng khoán châu Á, ví dụ ở Hàn Quốc nhiều nhà đầu tư đã rút lui, làm suy giảm chỉ số thị trường chứng khoán ở đây.

Tuy nhiên liệu các nhà đầu tư bên ngoài có rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam như ở Hàn Quốc hay không còn phụ thuộc nhiều vào môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam tới đây có thực sự ổn định không? Vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán giờ không lớn như 2 năm trước. Quy mô thị trường của ta là nhỏ thì có thể họ chạy đấy nhưng nếu ta ổn định kinh tế vĩ mô tốt thì chính với thị trường nhỏ, số lượng tiền đầu tư không lớn nên có thể sẽ kích hoạt thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu ta nhìn nhiều chiều thì khá lạc quan.

Phạm Huyền thực hiện

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   TPHCM phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 11% (27/09/2011)

>   Sân gôn, resort đang “giữ” đất để sử dụng dần (27/09/2011)

>   Quản lý giá: Cái gì cũng muốn (27/09/2011)

>   Các tân Bộ trưởng đã dám thể hiện cá tính (27/09/2011)

>   Phải chống độc quyền (27/09/2011)

>   Khởi động khoản vay 40 triệu USD dự án tuyến metro số 2 (27/09/2011)

>   “Vài năm tới, tăng trưởng GDP Việt Nam khó đạt 6%" (26/09/2011)

>   Chính phủ họp thường kỳ tháng 9: Kiên định chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ (26/09/2011)

>   TP Hồ Chí Minh: GDP tăng 10% trong 9 tháng qua (26/09/2011)

>   CPI: Dấu hiệu giảm tốc, cộng hưởng tích cực từ xu hướng giá cả thế giới (26/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật