Yếu tố đẩy lạm phát tăng
Giá xăng tăng, giá thực phẩm cũng phải tăng. Đó là câu giải thích quen thuộc tại nhiều cửa hàng bán lẻ. Nhưng trên thực tế, giá xăng tăng 1 đồng, thì các mặt hàng khác đã tăng 2-3 đồng...
Nhiều người bán hàng đã không thể lý giải được sự tăng giá của mình là dựa trên cách tính toán nào, cơ sở nào nên trong nhiều trường hợp, việc tăng giá dường như theo cảm tính. Và chính cách tăng giá tâm lý này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian qua.
Mới chỉ nửa năm trước, một bát phở tại cửa hàng trên đường Trần Duy Hưng có giá 20 nghìn đồng, nay đã tăng lên 30 nghìn đồng (nghĩa là tăng tới 50%). Bản thân chủ cửa hàng cũng không đưa ra được căn cứ hợp lý nào để lý giải cho sự tăng giá của mình, mà chỉ đưa ra được những giải thích rất chung chung.
Thời gian qua, các khu chợ bán lẻ là nơi chứng kiến sự tăng giá do yếu tố tâm lý của nhiều mặt hàng. Các tiểu thương cũng chỉ nói tăng giá là do giá xăng tăng, do lạm phát… nhưng khi hỏi lạm phát hiện nay là bao nhiêu, thì nhiều người bán hàng cũng chẳng biết, chứ chưa nói tới việc lý giải về mức tăng giá như vậy là dựa trên căn cứ nào.
Bà Nguyễn Thị Chắt, người dân khu Thành Công cho biết: “Mới chỉ nghe thông tin lương tăng hay giá xăng tăng thì giá cả nhiều mặt hàng đã tăng, thậm chí vin vào đó để tăng”.
Lý giải về điều này, ông Vũ Đình Ánh, Viện nghiên cứu giá cả cho rằng: Không phủ nhận nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với lạm phát, nhưng giá cả thời gian qua tăng lên phần nhiều là do yếu tố tâm lý.
Thời gian qua, giá nhiều mặt hàng tăng xuất phát từ yếu tố tâm lý. Điều đáng nói là khi tăng giá thiếu căn cứ sẽ tạo nên giá ảo, đẩy giá chung lên, tạo nên chu kỳ tăng giá mới, gây hại cho cả người mua và người bán.
Xăng dầu tăng giá thì nhiều mặt hàng đã viện cơ đó để tăng theo. Nhưng mới đây khi xăng dầu giảm giá thì chẳng mấy người bán giảm giá hàng hóa, dịch vụ của mình. Hậu quả là một mặt bằng giá mới được hình thành nhưng không phải dựa trên các chỉ số kinh tế, mà chủ yếu dựa trên tâm lý. Chính vì vậy, để kiềm chế lạm phát thành công, thì vào lúc này không chỉ cần có chính sách kinh tế phù hợp, mà còn cần tới các giải pháp bình ổn nhận thức của cả người dân và các thành phần kinh tế nhằm hạn chế tình trạng tăng giá thiếu căn cứ như thời gian qua.
Quang Huy
vtv
|