Hợp lý hoá chi phí hợp lý
Với mức 25%, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam có thể nói là khá cạnh tranh so với Trung Quốc (25%), Malaysia (28%), Philippines (30%), song do hạn chế các khoản chi phí được trừ khi tính thuế, nên trên thực tế, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với các nước ở châu Á.
Thực tế trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần xem xét lại một số quy định về thuế, nhất là các khoản chi phí hợp lý.
Không phải bây giờ, mà cách đây hơn 3 năm, thời điểm Bộ Tài chính bắt đầu xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, cộng đồng doanh nghiệp đã liên tục lên tiếng về việc quy định các khoản chi phí không được trừ một cách quá chặt chẽ và không phù hợp.
Chẳng hạn, rất nhiều doanh nghiệp bức xúc với quy định về chi phí cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… Vì đây là phương tiện quan trọng kích cầu tiêu dùng, nên ít có nước nào đưa ra mức giới hạn doanh nghiệp được quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại… như Việt Nam. Nhưng trong cơ chế thị trường, dù muốn hay không, doanh nghiệp vẫn phải đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, tiếp thị và phần chi "quá tay" (quá 10% tổng số chi được trừ), doanh nghiệp phải đóng thuế với thuế suất 25%, cho dù các khoản chi này có đầy đủ hoá đơn, chứng từ.
Tiền thưởng cho người lao động cũng cần được xem là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Thực tế, doanh nghiệp thường căn cứ vào kết quả lao động của từng người lao động trong một quý hoặc một năm để quyết định số tiền thưởng trong các dịp lễ, Tết. Như vậy, khoản tiền thưởng cho người lao động cũng là chi phí tiền lương, tiền công, nhưng lại không được Bộ Tài chính coi là chi phí hợp lý, dẫn dẫn tới tình trạng thuế chồng lên thuế (vừa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, vừa phải nộp thuế thu nhập cá nhân).
Một vấn đề nổi cộm nữa liên quan đến chi phí vay vốn ngân hàng. Theo thống kê mới nhất của nhiều ngân hàng thương mại, thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng, hiện chỉ có 10 - 15% số khách hàng của họ còn quan hệ tín dụng thường xuyên. Điều này có nghĩa là, 85 - 90% số doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng. Để duy trì hoạt động, không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn ngoài ngân hàng, với lãi suất lên đến 24%/năm, thậm chí cao hơn. Thế nhưng, phần chi phí vay vốn vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản, tức là phần chi phí lãi vay vượt quá 13,5%/năm (lãi suất cơ bản vẫn được Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức 9%/năm kể từ tháng 11/2010) không được coi là chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Sự bất hợp lý đang gây thêm không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo tính toán của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), với nhiều chi phí hợp lý chưa được coi là chi phí hợp lý, nên không được trừ ra khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 35-50%, chứ không phải 25% như luật định.
Tiền nộp thuế là chi phí sản xuất - kinh doanh, chi phí càng cao thì hiệu quả sản xuất - kinh doanh càng giảm, chi phí quá cao và không hợp lý sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. Vì vậy, cùng với việc giảm thuế, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số đối tượng, Bộ Tài chính cần cân nhắc để đưa một số chi phí hiện được coi là không hợp lý vào danh mục chi phí hợp lý khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 124/2008/NĐ-CP. Đây là một trong những giải pháp vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Mạnh Bôn
đầu tư
|