Thuế thu nhập cá nhân lạc hậu sau... 3 năm
Được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2007 nhưng mãi đến 1/1/2009, Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) mới có hiệu lực thi hành. sau gần 3 năm thực hiện, bất cập của luật thuế này đã chồng chất dù theo kế hoạch, đến cuối năm 2012, Luật này mới đến lượt được sửa…
Lạm phát trên 50% - Vẫn nguyên mức khởi điểm...
Luật Thuế TNCN được xây dựng dựa trên Pháp lệnh Thuế thu nhập cao, Dự án luật này được thông qua vào cuối năm 2007 nhưng thời gian soạn thảo phải trước đó vài năm. Dự thảo cũng được nâng lên đặt xuống nhiều lần để lấy ý kiến phản biện và bảo đảm đồng thuận xã hội, thế nhưng khi Luật ra đời không ít người tỏ ra thất vọng bởi Luật đã “đóng đinh” mức khởi điểm chịu thuế TNCN 4 triệu đồng và mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) 1,6 triệu đồng/người.
Tại thời điểm xây dựng luật, mức lương tối thiểu Nhà nước quy định là 450.000 đồng/tháng. Thu nhập bình quân đầu người một năm lấy làm căn cứ xây dựng là 720USD của năm 2006 và mức 1.000USD giai đoạn (2009-2010). Thực tế thì thu nhập bình quân đầu người năm 2010 theo con số Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối năm 2010 là 1.168USD. Còn riêng Hà Nội theo con số công bố tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội khóa 15 lần 2 (ngày 24/11/2010) thì thu nhập bình quân đầu người của TP đã đạt 1.900USD
Trong hai năm đầu thực hiện, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng thêm gần 18%. Nếu tính từ thời điểm bắt tay xây dựng luật, CPI đã tăng lên hơn 54%.Cùng với đó là việc Việt Nam chính thức ra khỏi danh sách các nước nghèo, bước chân vào Câu lạc bộ các nước có thu nhập trung bình trên thế giới (sớm hơn 1 năm so với dự báo của WB), mức ngưỡng khởi điểm tính thuế TNCN và mức GTGC đã nhanh chóng trở nên lạc hậu, tạo tâm lý không thoải mái đối với một bộ phận người nộp thuế.
Giảm trừ gia cảnh - Ngược cũng như xuôi
Cũng giống như khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ cá nhân và giảm trừ cho người phụ thuộc cũng được quy định trong Luật bằng con số “chết”: GTGC là 4 triệu đồng/người/tháng đối với cá nhân người nộp thuế và 1,6 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc. Theo thời giá hiện nay, việc quy định mức là chưa đảm bảo cho đời sống tối thiểu của người lao động, nhất là ở đô thị. Một điểm chưa hợp lý nữa là mức GTGC hiện nay không tính đến khu vực, có nghĩa là ở nông thôn, thành thị, đồng bằng hay miền núi đều áp dụng như nhau, nhưng thực tế cho thấy mức chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày của một cá nhân ở thành thị là lớn hơn rất nhiều so với ở nông thôn và miền núi.
Mặt khác, việc xác nhận hành chính (ở cấp chính quyền địa phương hoặc cơ quan) về vị thế và thực tế đã tính hay chưa tính GTGC người phụ thuộc gây nhiều phiền toái và khó chính xác cho cả người nộp thuế, lẫn cơ quan thu thuế…
"Nắm kẻ có tóc"?
Theo Luật thuế TNCN, có 9 khoản thu nhập phải chịu thuế TNCN, tuy nhiên thực tế thuế TNCN thu được chủ yếu từ đối tượng làm công ăn lương, chiếm trên 70%. Trong bối cảnh lạm phát, giá cả tăng cao, số thu từ thuế TNCN nói chung và thu từ tiền công, tiền lương nói riêng vẫn “liên tục phát triển”. Cụ thể: Năm 2010, tổng thuế TNCN của cả nước là hơn 26 nghìn tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm, só thu này đã là hơn 19 nghìn tỷ đồng.
Từ chỗ chiểm tỷ trọng gần 74% trong tổng số thuế TNCN năm 2010, 6 tháng đầu năm 2011, thuế thu nhập từ tièn công, tiền lương đã vọt lên chiếm tỷ trọng 79% trong tổng số thuê TNCN, trong khi các khoản thu khác đều giảm sút. Đây là sự bất hợp lý trong cơ cấu các khoản thu của thuế TNCN, đồng thời phản ánh công tác quản lý thu còn nhiều bất cập…
Thực tế cho thấy nguồn hình thành TNCN quá đa dạng và phức tạp. Đối với những khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công thì cơ quan thuế có thể kiểm soát qua đơn vị trực tiếp chi trả thu nhập; nhưng đối với các khoản thu nhập của các hộ kinh doanh cá thể, các cá nhân hành nghề độc lập, đặc biệt là đối với đối tượng ca sỹ, nghệ sỹ,… thì cơ quan thuế khó có thể kiểm soát được một cách chính xác, đặc biệt những đối tượng có thu nhập cao ở nhiều nơi hiện rất khó kiểm soát để thu thuế, một phần cũng do phần mềm quản lý thuế TNCN để tổng hợp dữ liệu của những trường hợp có thu nhập nhiều nơi tới nay vẫn chưa được triển khai …
Sửa luật - Bao giờ?
Theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011vừa được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành, Luật Thuế TNCN (sửa đổi) sẽ được Quốc hội sẽ xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm 2012 (kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII).
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã đồng ý miễn thuế TNCN từ ngày 1/8 đến hết 31/12/2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 của biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại luật thuế TNCN. Bao gồm, cá nhân không có người phụ thuộc có thu nhập từ trên 4 triệu đồng đến 9 triệu đồng/tháng. Cá nhân có 1 người phụ thuộc có thu nhập từ trên 5,6 triệu đồng đến 10,6 triệu đồng/tháng; cá nhân có 2 người phụ thuộc có thu nhập từ trên 7,2 triệu đồng đến 12,2 triệu đồng/tháng…
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Luật thuế TNCN đang cần được sửa đổi một các cơ bản và toàn diện để Luật thực sự đi vào cuộc sống…
Sửa theo hướng nào?
* TS.Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội:
“Nên tăng ít nhất 2 lần mức khởi điểm chịu thuế và tính bằng số lần lương tối thiểu”
- Theo tôi, cần sớm thể chế hóa lại mức khởi điểm tính thuế theo hướng vừa tăng mức tính khởi điểm, vừa tạo linh hoạt trong áp dụng của đơn vị, đối tượng chịu thuế và cơ quan thuế. Cụ thể, nên tăng ít nhất 2 lần mức khởi điểm chịu thuế và tính bằng số lần lương tối thiểu, chẳng hạn, bằng từ 8-10 lần mức lương tối thiểu của khu vực SXKD.
Nếu xét đến yêu cầu an sinh và an dân, ổn định xã hội và vĩ mô khác trong bối cảnh khó khăn và nhạy cảm những năm tới như tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/11/2011 của Chính phủ, nên mạnh dạn áp dụng mức tính khởi điểm chịu thuế TNCN là 10 lần mức lương tối thiểu trong khu vực SXKD và được thay đổi hàng năm theo điều chỉnh mức lương tối thiểu của khu vực SXKD (mức lương này thường cao hơn mức lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp và được áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm, nên có lợi cho người nộp thuế hơn).
Trong chỉnh sửa Luật thuế TNCNcũng cần nâng mức GTGC tương ứng với mức nâng khởi điểm tính thuế TNCN nêu trên, đồng thời cần bổ sung quy định cấp “Mã số GTGC” cho các đối tượng phụ thuộc để cập nhật thông tin và tiện cho việc xác nhận và giám sát trong hành thu thuế TNCN. Mã số thuế này do người chịu thuế đề nghị cấp cho đối tượng phụ thuộc và có đủ thông tin về gia cảnh, quan hệ, thời gian và địa chỉ…
Các Mã số dành cho người nộp thuế cá nhân và người trong diện GTGC này đều được cập nhật và nối mạng vi tính toàn quốc, tạo thuận lợi cho việc xác nhận và thực hiện của các bên có liên quan trong công tác thuế, từ đó giảm thiểu tình trạng tính trùng, “ăn gian” gây thất thu thuế, hoặc gây mất thời gian và phiền toái cho người nộp thuế.
PGS.TS. Lê Thị Kim Nhung – Phó Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, ĐH Thương mại:
“Nên trao quyền cho Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh”
- Hướng sửa đổi tới đây, theo tôi, Luật nên quy định điều khoản cho phép điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo mức độ trượt giá và tăng trưởng kinh tế theo từng giai đoạn. Quốc hội nên trao quyền cho Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ này khi cần thiết.
Thứ hai, Nhà nước nghiên cứu lại và điều chỉnh mức giãn cách giữa các bậc thuế, ví dụ: bậc 1 đến 10 triệu đồng là 5%, bậc 2 từ trên 10 triệu đồng đến 25 triệu đồng là 10%… Ngoài ra, Nhà nước nên quy định lại mức thuế suất cao nhất của biểu thuế lũy tiến từng phần là 25%, bằng với mức điều tiết của Luật thuế TNDN, bởi mức thu nhập chịu thuế này thường là của các cá nhân kinh doanh. Như vậy sẽ đảm bảo bình đẳng hơn giữa hai sắc thuế trực thu này.
Cũng đã đến lúc Nhà nước cần tổ chức thực hiện lấy ý kiến của toàn dân để đánh giá mức độ phù hợp của chính sách thuế TNCN trong đời sống xã hội, trên cơ sở đó có những bổ sung sửa đổi Luật một cách kịp thời nhằm hoàn thiện một số nội dung của Luật thuế TNCN.
|
Thanh Thanh
pháp luật việt nam
|