Thứ Ba, 27/09/2011 17:06

Cuối năm, có đủ gạo để xuất khẩu với giá cao?

Trước nhiều thông tin tốt về thị trường xuất khẩu, giá lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng khá mạnh vào đầu tuần cuối tháng 9 này.

Hiện nay, nông dân đang thu hoạch lúa thu đông (vụ ba). Tuy nhiên diễn biến lũ lên nhanh đe doạ nhiều diện tích lúa có khả năng mất trắng, có thể ảnh hưởng đến nguồn gạo hàng hoá đáp ứng nhu cầu xuất khẩu 3 tháng còn lại năm nay…

Hợp đồng ký nhiều, giá tăng mạnh

Giá lúa gạo tại ĐBSCL tăng mạnh vào cuối tháng 9. 

Ngày 27.9, ông Vương Tài Hiến, một thương lái ở An Giang đang có mặt ở khu vực Kiên Giang, cho hay đang phải mua lúa tươi loại thường tại ruộng từ 5.700 - 5.750 đồng/kg, lúa khô 6.500 - 6.600 đồng/kg, tăng 200 - 300 đồng/kg so với cách nay khoảng một tuần.

Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu hiện nay, ông Huỳnh Công Thành, giám đốc công ty lương thực TP.HCM cho biết giá gạo nguyên liệu chưa bao bì giao tại mạn tàu những ngày cuối tháng 9 này ở mức 11.000 - 11.200 đồng/kg (loại 5% tấm), 10.600 - 10.700 đồng/kg (loại 25% tấm), tăng ít nhất từ 400 - 600 đồng/kg. Theo ông Thành, chỉ trong vòng khoảng bảy ngày trở lại đây (từ ngày 20 - 27.9), giá gạo đột ngột tăng rất mạnh, nên những doanh nghiệp không chuẩn bị tốt nguồn hàng tồn kho sẽ gặp khó khăn đối với hợp đồng ký trước ở mức giá thấp.

Lúa gạo nội địa tăng giá trở lại, theo phân tích của doanh nghiệp xuất khẩu, một phần do tác động từ chính sách hỗ trợ mua lúa giá cao của Chính phủ Thái Lan, và do doanh nghiệp ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu trong tháng 9 với mức giá khá cao. Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đầu tuần cuối tháng 9, tổng công ty Lương thực miền Nam ký được hợp đồng 400.000 tấn giao cho Indonesia. Theo nguồn tin thì mức giá ký được xoanh quanh 540 - 550 USD/tấn, điều này giúp cho các doanh nghiệp có điều kiện tăng giá chào bán các hợp đồng thương mại, kéo theo giá nội địa tăng.

Căng thẳng nguồn cung?

Trong tháng 10 và 11, doanh nghiệp phải thực hiện giao khoảng 1,1 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng cho khách hàng. Cụ thể, đối với hợp đồng tập trung, phải giao 625.000 tấn sang Indonesia, 8.000 tấn sang Bangladesh và 74.000 tấn sang Cu Ba. Còn hợp đồng thương mại, tổng cộng 462.000 tấn sang một số thị trường châu Á và châu Phi.

Chín tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu 6,837 triệu tấn gạo, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Trong đó đã xuất khẩu 5,670 triệu tấn, trị giá 2,708 tỉ USD, tăng 8,57% về số lượng, 22,37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2010. Giá xuất bình quân đạt 477,67 USD/tấn, tăng 53,88 USD/tấn. Theo VFA, với điều kiện thị trường hiện nay, các doanh nghiệp sẽ xuất khoảng 7 triệu tấn trong năm 2011. Hiệp hội Lương thực Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng khi có chân hàng, tránh tình trạng đầu cơ tăng giá.

Theo VFA, nếu tính cả con số tồn kho hiện nay còn gần 1,5 triệu tấn, cộng với gạo hàng hoá từ vụ thu đông, vụ mùa (dự kiến khoảng 800.000 tấn) hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong ba tháng còn lại năm nay và tồn kho gối đầu quý năm sau.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình mưa lũ tại các tỉnh ĐBSCL diễn biến khá phức tạp. Số liệu cục Trồng trọt tính đến cuối tháng 9.2011, các tỉnh trong vùng gieo sạ 590.000 ha lúa vụ ba, đạt 95% kế hoạch. Qua trao đổi, một số địa phương cho biết nước lũ gây thiệt hại khá nặng nhiều diện tích lúa vụ ba. Một khi năng suất lúa vụ ba và vụ mùa không đạt như kế hoạch, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung gạo hàng hoá xuất khẩu cuối năm nay.

Từ nay tới cuối năm 2011, VFA cũng đánh giá thị trường còn nhiều diễn biến phức tạp, lên xuống thất thường. Trong trường hợp giá gạo nội địa tiếp tục đứng cao có thể tạo tâm lý tích cực cho người sản xuất yên tâm mở rộng diện tích vụ mùa và thu đông, tuy nhiên mặt khác gây tâm lý sốt giá, ảnh hưởng tới người tiêu dùng, tác động tiêu cực tới mặt bằng giá lương thực.

Chính vì vậy, theo VFA, trọng tâm công tác điều hành những tháng cuối năm 2011, sẽ tập trung vào việc bám sát thông tin thị trường để có các giải pháp, biện pháp điều hành linh hoạt, cân đối giữa mục tiêu tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với giá tốt cho người trồng lúa và mục tiêu bình ổn thị trường khi cần thiết trong trường hợp giá lúa gạo lên cao ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng.

Đặng Hoàng

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Mía đường đã vào vụ nhưng giá bán lẻ vẫn không giảm (27/09/2011)

>   Xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ qua mặt Thái Lan (26/09/2011)

>   Sản lượng cà phê Việt có thể đạt kỷ lục 1,32 triệu tấn (25/09/2011)

>   Doanh nghiệp ngoại thâu tóm cà phê xuất khẩu (24/09/2011)

>   VFA sẽ vẫn thực hiện việc định giá gạo xuất khẩu (23/09/2011)

>   Các nhà máy đường ở ĐBSCL vào vụ ép mới (23/09/2011)

>   Chung quanh hạt gạo xuất khẩu (23/09/2011)

>   Thị trường cà phê: Liffe vươn tay đến Việt Nam (22/09/2011)

>   Cao su vẫn tắc ở mậu biên, giá giảm (22/09/2011)

>   Khách mua gạo từ bỏ Thái Lan để tìm đến Việt Nam (22/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật