Thứ Hai, 05/09/2011 17:33

Cổ phần hoá Cosevco làm mất vốn nhà nước?

Cuối tháng 7.2011, tổng công ty Miền Trung (gọi tắt là Cosevco) đã thực hiện xong cổ phần hoá. Tuy nhiên, trước đó và cho đến thời điểm này, các cán bộ về hưu và các tổ chức đoàn thể tại đây vẫn tiếp tục gửi kiến nghị đến Chính phủ đề nghị xem xét lại quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước này.

Nhà máy ximăng Sông Gianh chưa có báo cáo quyết toán nhưng đã cổ phần. 

Mất vốn nhà nước

Đơn kiến nghị nêu ba vấn đề, trong đó có việc xác định giá trị doanh nghiệp trước khi tiến hành cổ phần hoá của Cosevco dẫn đến việc mất vốn nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Cụ thể là khi định giá doanh nghiệp để cổ phần, Cosevco đã bỏ giá trị tài sản khu đất văn phòng công ty tại 517 Trần Cao Vân 12.248m 2 đã được thành phố Đà Nẵng giao quyền sử dụng đất năm 2010. Theo chứng thư giám định giá số 103/CT-TĐG, lô đất này có giá trị 98 tỉ đồng.

Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hoá các công ty con giai đoạn trước năm 2007, Cosevco đã để công nợ không có khả năng thu hồi lên đến 160 tỉ đồng. Cosevco đã đề xuất loại số công nợ nói trên ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp. Trong đơn kiến nghị nói trên nêu rõ, quyết định số 469/QĐ-BXD của bộ trưởng bộ Xây dựng ban hành ngày 12.5.2011, về việc xác định giá trị doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến việc làm mất vốn nhà nước. Ngoài ra, khi tiến hành cổ phần hoá Cosevco vẫn chưa xử lý công nợ, nhà máy ximăng Sông Gianh đầu tư trên 203 triệu USD chưa có báo cáo quyết toán… là trái với quy định của Nhà nước.

Trước đây, vào ngày 10.6.2011, ban chấp hành Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Đảng uỷ Cosevco cũng đã gửi tờ trình đến Văn phòng Chính phủ nêu rõ nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và người lao động xin Thủ tướng Chính phủ cho phép vốn nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 51%) khi cổ phần hoá Cosevco. Ngay sau đó, ngày 16.6.2011, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn hoả tốc đến bộ Xây dựng truyền đạt ý kiến của phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lúc đó yêu cầu bộ trưởng bộ Xây dựng thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước và của cổ đông khi cổ phần hoá. Tuy nhiên, bộ Xây dựng đã nhanh chóng hoàn thành việc cổ phần hoá Cosevco trong tháng 7.2011, vốn nhà nước chỉ còn giữ lại 43,77%.

Giải cứu

Cosevco, tiền thân là công ty Xây dựng số 7, là một doanh nghiệp nhà nước theo mô hình mẹ – con trực thuộc bộ Xây dựng. Tháng 4.2008, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận và kiến nghị xử lý hàng loạt vi phạm nghiêm trọng tại Cosevco. Đến thời điểm cơ quan điều tra bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam nhiều bị can thuộc nhiều dự án, Cosevco hầu như ngừng hoạt động trừ nhà máy ximăng Sông Gianh. Ngân hàng nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Cosevco. Ngay lập tức, bộ Xây dựng đã chuyển sở hữu vốn nhà nước tại Cosevco sang tổng công ty Đầu tư và phát triển khu công nghiệp đô thị Việt Nam (gọi tắt là IDICO) vào tháng 12.2008 và tiến hành cổ phần hoá Cosevco.

Cosevco có tất cả 18 đơn vị trực thuộc, trong đó có nhiều dự án lớn như dự án nhà máy ximăng Sông Gianh lên đến trên 203 triệu USD. Đây là nhà máy thuộc dự án nhóm A, chính thức đi vào hoạt động ngày 1.8.2006 cho đến nay. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy dự án này có cả một chuỗi sai phạm từ công tác chuẩn bị đầu tư, đấu thầu và đặc biệt nghiêm trọng là việc cung cấp thiết bị dẫn đến hiệu quả sản xuất kém. Trước tình trạng đó, năm 2008, bộ Xây dựng có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phương án hợp tác liên doanh với các đối tác trong, ngoài nước nhằm cơ cấu lại nhà máy, nâng cao hiệu quả đầu tư và năng lực tài chính.

Sau khi phương án được chấp thuận, tập đoàn CRH (Cộng hoà Ireland) xác định giá trị nhà máy ximăng Sông Gianh là 250 triệu USD và tiến hành đàm phán để mua lại 100%. Trong khi đó, công ty Bình Thiên An thuộc công ty cổ phần thương mại đầu tư HB xác định giá trị cao hơn CRH, tức 255 triệu USD. Ngày 21.1.2008, Cosevco đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện với HB, trong đó HB giữ 90% và Cosevco chỉ giữ 10%. Sau đó, ông Phan Văn Chung – uỷ viên hội đồng thành viên của IDICO tiếp tục ký biên bản với HB nội dung tương tự như trên.

Việc cổ phần hoá Cosevco có nhiều dấu hiệu vi phạm, làm thất thoát vốn nhà nước, gây bức xúc cho nhiều cán bộ và công nhân viên tại công ty nhà nước từng một thời lớn mạnh này.

Nguyễn Minh Sơn

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Đầu tư Xây dựng Trường Thịnh đăng ký đấu giá lần 4 (31/08/2011)

>   Tập đoàn Sông Đà cổ phần hóa các tổng công ty thành viên (29/08/2011)

>   Đấu giá hơn 25 triệu quyền mua cổ phần của VNPT (01/08/2011)

>   Cổ phần hóa: Nhà nước có nên lui về phía sau? (29/07/2011)

>   IPO của Peace Tour thành công ngoài mong đợi (29/07/2011)

>   IPO: Hãy bán cái thị trường cần (29/07/2011)

>   Petrolimex: Nhà đầu tư vét sạch cổ phần IPO (28/07/2011)

>   Thí điểm cổ phần hóa Công ty Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu (27/07/2011)

>   Cổ phần hóa chậm vì IPO? (25/07/2011)

>   IPO Petrolimex đắt hàng (22/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật