Thứ Sáu, 29/07/2011 19:12

Cổ phần hóa: Nhà nước có nên lui về phía sau?

Tiến trình cổ phần hóa tới đây sẽ đụng đến những doanh nghiệp nhà nước lớn, liệu Nhà nước nên tiếp tục giữ hay sẽ từ bỏ quyền chi phối ở các đơn vị này? Để trả lời câu hỏi này cần một cách tiếp cận và cách nhìn dài hạn hơn.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng cường mua cổ phiếu Vietcombank ngay khi thông tin về việc ngân hàng bán cổ phần cho tập đoàn Mizuho (Nhật Bản) được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Sau đợt bán này, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở Vietcombank sẽ giảm từ 90,7% xuống 72,6%, một mức giảm đáng kể. Hồi đầu năm, hiện tượng tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu Vietinbank sau khi Nhà nước giảm tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ tại đây. Không phải ngẫu nhiên mối quan tâm của nhà đầu tư cả nội lẫn ngoại đối với các doanh nghiệp lớn tăng đột biến mỗi khi tỷ lệ cổ phần chi phối của Nhà nước được rút bớt.

Quá trình cải cách khối doanh nghiệp quốc doanh đã chứng tỏ rằng ở những đơn vị Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần chi phối, hiệu quả kinh doanh tăng cao. Vinamilk là một điển hình. Mỗi năm Nhà nước thu được cả ngàn tỉ đồng cổ tức tiền mặt từ công ty, chưa kể thu thuế. Trong khi đó, Vinamilk vẫn chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường sữa, mà Nhà nước không phải lo vất vả điều hành, quản lý.

Cũng niêm yết trên sàn, Công ty Đạm Phú Mỹ (DPM) lại không nhận được sự quan tâm nồng nhiệt như Vinamilk, dù DPM cũng là doanh nghiệp tiên phong trong ngành phân bón. Sự khác nhau là ở chỗ Nhà nước thông qua tập đoàn Dầu khí vẫn đang có trong tay hơn 60% vốn của DPM. PetroVietnam độc hành quản lý, điều hành công ty. Mới đây giá bán sản phẩm của DPM tăng 10-15% cũng do PetroVietnam quyết định. Phần chênh lệch từ tăng giá bán được nộp vào quỹ an sinh xã hội của PetroVietnam. Nhưng đến khi giá khí tự nhiên bán cho DPM tăng lên, có thể tới 5 đô la Mỹ cho mỗi triệu BTU thì công ty gánh chịu. Tất nhiên Nhà nước không gánh toàn bộ, gần 40% cổ đông khác của DPM cũng phải gánh.

Vai trò chi phối của Nhà nước trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa đang khiến cho sự thay đổi về quản trị công ty hầu như không có biến chuyển. Sự năng động trong điều hành và tự quyết, tự chịu trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo không thể hiện rõ. Một doanh nghiệp nơi Nhà nước vẫn đang sở hữu 51% cổ phần cho biết: “Làm gì chúng tôi cũng phải xin ý kiến tổng công ty, nhất nhất từ đầu tư mở rộng sản xuất cho đến sản phẩm mới. Chúng tôi vẫn chẳng khác gì quốc doanh”. Ở những doanh nghiệp tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước càng cao, sự phụ thuộc vào Nhà nước càng lớn.

Quá trình cải cách khối doanh nghiệp quốc doanh đã chứng tỏ rằng ở những đơn vị Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần chi phối, hiệu quả kinh doanh tăng cao.

Không nói đến những ngân hàng tầm cỡ như Vietcombank, Vietinbank, với những ngân hàng như Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB), việc cổ phần hóa và IPO sẽ khác hẳn nếu Nhà nước từ bỏ quyền chi phối tại đây. Khi cổ phần hóa, vốn nhà nước tại MHB chỉ có 3.074 tỉ đồng, ngang với những ngân hàng nhỏ nhất trên thị trường tài chính. Theo dự kiến, nếu các đợt phát hành tiếp theo cho cổ đông chiến lược suôn sẻ, Nhà nước sẽ còn giữ 68% cổ phần của MHB. Nhà nước có nên nắm giữ một tỷ lệ cổ phần lớn đến như vậy tại một ngân hàng nhỏ không? Nếu không, vì sao Nhà nước không thể thoái hết vốn ở đây hoặc chỉ giữ một tỷ lệ thấp nào đó? Các cổ đông trong, ngoài nước chỉ tham gia IPO MHB nếu họ nhận thấy có khả năng chi phối, nắm quyền kiểm soát ngân hàng. Nếu quyền chi phối của cổ đông bên ngoài được đảm bảo, giá đấu giá thành công bình quân của MHB chắc chắn sẽ cao hơn mức 11.025 đồng/cổ phiếu. Chỉ khi được làm chủ ở mức ngang bằng với giá trị số vốn bỏ ra, nhà đầu tư mới dốc lòng cho doanh nghiệp.

Theo cơ chế điều hành của Nhà nước, năm ngoái lợi nhuận trước thuế của MHB, theo bản cáo bạch, đạt 84 tỉ đồng, thấp nhất trong khối ngân hàng. Bản cáo bạch cho thấy năm 2010 tổng tài sản của MHB là 51.702 tỉ đồng, gần bằng tổng tài sản của những đồng nghiệp như Seabank, Đại Dương, trong khi lợi nhuận trước thuế của họ lần lượt là 829 và 691 tỉ đồng, gấp nhiều lần lợi nhuận của MHB. Ở vai trò ngân hàng quốc doanh, việc MHB phải thực hiện các khoản tín dụng chính sách không phải là không có.

Cổ phần hóa hiện nay không còn chỉ diễn ra với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nó đã vào giai đoạn chính yếu, đụng chạm tới những doanh nghiệp lớn của nền kinh tế. Sự từ bỏ quyền chi phối của Nhà nước ở các đơn vị này thật sự khó khăn hơn, đòi hỏi một cách tiếp cận, cách nhìn dài hạn hơn. Nếu sự tham gia của cổ đông bên ngoài chỉ dừng ở mức dưới 10% vốn điều lệ một doanh nghiệp, thì việc chuyển đổi sở hữu không có nhiều ý nghĩa. Để các công ty cổ phần làm ăn theo cơ chế mới đã được luật hóa, làm ra của cải vật chất nhiều hơn, nộp thuế, ngân sách nhiều hơn, thì Nhà nước chẳng phải có lợi hơn đó sao?

Lưu Hảo

tbktsg

Các tin tức khác

>   IPO của Peace Tour thành công ngoài mong đợi (29/07/2011)

>   IPO: Hãy bán cái thị trường cần (29/07/2011)

>   Petrolimex: Nhà đầu tư vét sạch cổ phần IPO (28/07/2011)

>   Thí điểm cổ phần hóa Công ty Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu (27/07/2011)

>   Cổ phần hóa chậm vì IPO? (25/07/2011)

>   IPO Petrolimex đắt hàng (22/07/2011)

>   Cosevco đã bán nốt 763,003 cổ phần “thừa” (21/07/2011)

>   Cổ phần MHB có mức giá đấu bình quân 11,025 đồng (20/07/2011)

>   Tuần tới ban hành dự thảo nghị định cổ phần hóa DNNN (17/07/2011)

>   Cổ phiếu Petrolimex: rẻ và đắt (15/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật