Thứ Hai, 25/07/2011 09:49

Cổ phần hóa chậm vì IPO?

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, việc IPO của các doanh nghiệp nhà nước vẫn hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động và đây cũng là một phần quan trọng để Việt Nam tái cấu trúc thành công nền kinh tế.

Sau một thời gian dài trầm lắng, việc IPO các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian gần đây đã sôi động trở lại nhờ sự tham gia của một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. Đợt IPO được giới đầu tư quan tâm gần đây là việc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chào bán 65,98 triệu cổ phiếu với mức giá khởi điểm chỉ 10.100 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, kết quả cũng chỉ có 59% cổ phần được bán ra với giá bằng đúng mức khởi điểm.

Bức tranh IPO ảm đạm

Bức tranh IPO của các doanh nghiệp trong sáu tháng đầu năm 2011 khá ảm đạm khi chỉ có 35% trong số 219,6 triệu cổ phần chào bán được mua với giá khá thấp. Hai trường hợp thành công hiếm hoi là Công ty cổ phần Lọc dầu Nam Việt (3 triệu cổ phần) và Tổng công ty Xây dựng miền Trung - Cosevco (23,9 triệu cổ phần) chào bán được 100%. Tuy nhiên, mức giá đấu thầu thành công của hai doanh nghiệp này cũng chỉ thấp hơn 11.000 đồng/cổ phiếu.

Nhớ lại thời hoàng kim năm 2006, 2007, có khá nhiều doanh nghiệp nhà nước đã IPO rất thành công. Chẳng hạn năm 2007, giá đấu thầu thành công của Vietcombank trung bình lên tới 108.000 đồng/cổ phiếu.

Theo kế hoạch, ngày 28-7 Tổng công ty Xăng dầu Petrolimex sẽ tổ chức IPO 27,4 triệu cổ phần, tương đương 2,56% vốn điều lệ, với mức giá khởi điểm 15.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên không ít rào cản đang ở phía trước đợt IPO của doanh nghiệp này, chẳng hạn như Petrolimex không tự quyết định “số phận” của mình mà tùy thuộc vào sự điều hành giá xăng dầu của Chính phủ, hoặc nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia IPO... Những rào cản đó sẽ khiến cho cổ phiếu Petrolimex khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Một doanh nghiệp sắp IPO khác là Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) với 64,5 triệu cổ phần được chào bán.

Dù mức giá khởi điểm của MHB khá thấp (11.000 đồng/cổ phần) nhưng cũng cao hơn khá nhiều cổ phiếu của các ngân hàng khác vào thời điểm này. Thêm vào đó, theo dự kiến, nhà đầu tư mua cổ phiếu MHB trong đợt IPO này sẽ bị giới hạn chuyển nhượng trong ba năm. Do vậy, nhìn chung cổ phiếu này cũng sẽ khó hấp dẫn các nhà đầu tư.

Rào cản đối với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Từ năm 2008 đến nay hàng loạt doanh nghiệp lớn đã phải trì hoãn việc cổ phần hóa do thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, phần lớn cổ phiếu niêm yết đang “quá rẻ” nên chắc chắn những nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ không mặn mà với các doanh nghiệp sắp IPO. Hơn nữa, với một số quy định mới của Chính phủ như việc hạn chế doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại đầu tư tài chính; tín dụng cho đầu tư chứng khoán bị siết lại dẫn đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán bị sụt giảm mạnh. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) đóng vai trò khá lớn đối với thị trường trước đây thì hiện nay cũng đã chững lại.

Sự chậm chạp trong cổ phần hóa còn bắt nguồn từ những bất cập về cơ chế chính sách. Cho đến nay, việc định giá các tài sản khác của doanh nghiệp đang gặp nhiều trở ngại. Phương pháp định giá tài sản doanh nghiệp theo Nghị định 109 là lấy toàn bộ danh sách tài sản trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp rồi tính từng tài sản đó theo giá thị trường. Tuy nhiên, thực tế phương pháp này không phản ánh đầy đủ giá trị một công ty. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chưa có quy định cụ thể trong việc tính giá trị quyền sử dụng đất đối với doanh nghiệp nhà nước. Các giá trị vô hình khác như thương hiệu, vị thế độc quyền cũng thường chưa được định giá.

Một rào cản lớn khác đối với quá trình cổ phần hóa là do Nhà nước “ngại” bán tài sản quốc gia với giá rẻ. Lo ngại này là có cơ sở khi hiện trên thị trường niêm yết có đến hơn 70% cổ phiếu đang được giao dịch dưới giá trị sổ sách. Thực tế, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp được IPO trong thời gian qua cũng được bán ở mức rất thấp.

Vẫn cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa theo lộ trình vẫn hết sức cần thiết. Đây là một bước quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp nhà nước vẫn bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả, kém minh bạch, quản trị yếu và thiếu vốn. Do vậy, cổ phần hóa những doanh nghiệp này là lời giải hữu hiệu để khắc phục những điểm yếu này. Cổ phần hóa sẽ giúp những doanh nghiệp huy động thêm vốn, tìm đối tác chiến lược, minh bạch hóa hoạt động để phát triển. Việc đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đồng thời phát đi một tín hiệu đối với nhà đầu tư quốc tế rằng Việt Nam đang đẩy nhanh xây dựng nền kinh tế thị trường.

Trước thực trạng khó khăn và những đòi hỏi bức thiết này, Chính phủ cần phải có những chính sách hữu hiệu để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Trước hết, cần ban hành các cơ sở pháp lý cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tiếp theo, cần thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, hỗ trợ nhà đầu tư mua cổ phần. Ngoài ra, nên xem xét lại một số quy định như chính sách thuế đối với đầu tư chứng khoán, tín dụng cho thị trường chứng khoán.

Hy vọng, nghị định mới về cổ phần hóa (thay thế Nghị định 109/2007) dự kiến được ban hành trong tháng này sẽ “mở đường” cho quá trình cổ phần hóa diễn ra nhanh hơn.n Theo báo cáo tổng kết của Bộ Tài chính, tính đến ngày 25-5-2011 có 3.948 được cổ phần hóa doanh nghiệp (1.654 doanh nghiệp trung ương và 2.294 doanh nghiệp địa phương) và 1.902 doanh nghiệp được chuyển sang công ty TNHH một thành viên và sáp nhập, hợp nhất, giao bán.

Hồ Bá Tình

tbktsg

Các tin tức khác

>   IPO Petrolimex đắt hàng (22/07/2011)

>   Cosevco đã bán nốt 763,003 cổ phần “thừa” (21/07/2011)

>   Cổ phần MHB có mức giá đấu bình quân 11,025 đồng (20/07/2011)

>   Tuần tới ban hành dự thảo nghị định cổ phần hóa DNNN (17/07/2011)

>   Cổ phiếu Petrolimex: rẻ và đắt (15/07/2011)

>   Petrolimex chưa tìm cổ đông chiến lược và CPH công ty con (14/07/2011)

>   IPO của MHB kém hấp dẫn (14/07/2011)

>   Khi đại gia IPO (14/07/2011)

>   Nhà đầu tư ngoại không được tham gia IPO Petrolimex (13/07/2011)

>   Tổng số 3.948 doanh nghiệp được cổ phần hoá (12/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật