Thứ Ba, 20/09/2011 09:01

“Bắc thang” đi kiện… môi giới

Trong khi tư vấn cho nhà đầu tư mua vào, mua trần, mua liên tục, thì môi giới lại lẳng lặng thoát hàng ra khiến NĐT bức xúc và muốn đi kiện…. môi giới.

Tuần qua, Đường dây nóng của Báo ĐTCK tiếp nhận một "ca" khó. Đối tượng phản ánh là nhà đầu tư nữ, rất bức xúc vì sau một hồi đầu tư theo tư vấn của môi giới, tiền của chị cứ dần dần "đội nón ra đi". Tình cảnh hiện nay của chị là cháy tài khoản, mắc nợ khắp nơi (nợ những người đã ủy thác cho chị đầu tư). Theo lời chị kể thì trong cơn sóng vừa qua, chị vẫn phải cố gắng vay mượn, cầm cố tài sản còn có thể cầm cố được, để "lướt", gỡ gạc chút tiền trả bớt cho các "đồng môn".

Chị khăng khăng muốn đi kiện… môi giới, vì sau một hồi nhất tâm nghe theo tư vấn, chị bỗng phát hiện ra rằng, cậu môi giới cho chị toàn ra lệnh ngược với chị. Khi cậu ta khuyên chị mua vào, mua trần, mua liên tục, thì cậu ấy lại lẳng lặng thoát hàng ra. Chị cảm thấy bị lừa gạt và muốn làm cho ra nhẽ, muốn đòi lại khoản tiền đã mất của mình.

Tình trạng bức xúc đến mức muốn đi kiện vì mất tiền trên TTCK như nhà đầu tư trên không phải là hiếm gặp. Gần 3 năm nay, khi TTCK đi xuống, UBCK cho biết, đã nhận được rất nhiều đơn thư tố cáo, kêu cứu, đòi bồi thường… của nhà đầu tư. Vì UBCK không phải là Tòa án, nên hướng xử lý chủ yếu mà UBCK làm là gọi các bên liên quan lên làm việc, hỗ trợ các bên hòa giải và tư vấn về trách nhiệm tài chính (nếu có) giữa các bên. Những vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định pháp lý, UBCK sẽ xem xét làm rõ sau đó và nếu có, cũng chỉ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Còn việc hòa giải, nếu không đi đến thống nhất giữa các bên thì UBCK chỉ có thể khuyên nhà đầu tư đi khởi kiện, bởi UBCK không có quyền tuyên về mức thiệt hại, cũng như không có quyền buộc bên này bồi thường cho bên kia.

Cái khó nhất khi xảy ra tranh chấp trên TTCK là người khởi kiện phải có đủ bằng chứng pháp lý. Như trường hợp của nhà đầu tư trên, làm thế nào để chị có đủ bằng chứng đi kiện môi giới với tội danh lừa gạt? Chị nói, chị so phiếu lệnh, cứ khi nào chị ấy mua thì cậu ta bán và ngược lại. Chị nói, chị có băng ghi âm, ghi rõ thảo luận của cậu môi giới với các đồng sự khác. Chị nói, chị có người làm chứng là các nhà đầu tư cùng sàn, ai cũng sẵn sàng làm chứng là cậu môi giới kia đã tư vấn cho chị mua "con này", mua "con khác"…

Nghe hết những lý lẽ và bức xúc của chị, dù hiểu chị đã mất mát thực sự, đang rơi vào cảnh khốn khó, nhưng cũng không thể không nói rằng, rất khó để chị có đủ bằng chứng pháp lý khởi kiện. Cái khó nhất nằm ở chỗ TTCK là thị trường khớp lệnh đa phương, nên không thể chứng minh được rằng, việc chị ấy đặt lệnh mua (1 mã chứng khoán nào đó), còn cậu môi giới đặt bán (cùng mã chứng khoán) là mua  - bán chính của nhau. Hơn nữa, ngay cả khi chỉ có 2 người đó giao dịch thì cũng không đủ bằng chứng quy tội cho môi giới, vì pháp luật về TTCK hiện nay không có điều nào cấm môi giới mua khi khách hàng bán, hoặc ngược lại, cấm môi giới bán khi khách hàng mua (quy định hiện hành chỉ yêu cầu CTCK phải ưu tiên nhập lệnh của khách hàng trước, nhập lệnh tự doanh của CTCK sau thôi).

Bức xúc của nhà đầu tư trên xuất phát từ việc chị bị mất tiền, cảm giác bị người khác trục lợi. Nhưng để đủ căn cứ khởi kiện, đó lại là một câu chuyện phức tạp khác. Ở các nước có TTCK phát triển, bên cạnh hệ thống luật pháp, những người hành nghề chứng khoán còn phải chịu sự điều tiết của Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, trong đó quy tắc đầu tiên là người hành nghề phải trung thực với khách hàng, phải đặt lợi ích của khách hàng lên trước. Những người vi phạm có thể bị Hiệp hội Chứng khoán tước quyền hành nghề, cấm hành nghề trong một khoảng thời gian. Nhưng ở Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán cho đến nay vẫn chỉ được tổ chức như một hội nghề nghiệp, không có quyền lực thực sự với các CTCK thành viên và đội ngũ những người hành nghề. Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp từng được Hiệp hội dự kiến ban hành từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu trên TTCK…

ĐTCK đã chuyển bức xúc của nhà đầu tư trên đến UBCK để xử lý. Nhưng câu chuyện này thêm một lần nữa nhắc nhở nhà đầu tư rằng, tiền của mình, mình phải tự quyết định và tự chịu trách nhiệm khi đầu tư. Mọi tư vấn chỉ là để tham khảo, bởi quy tội cho môi giới, cho nhà tư vấn với hy vọng đòi lại khoản tiền đã mất là quá viển vông trong môi trường pháp lý hiện nay.

Tường Vi

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   20/09: Bản tin 20 giờ qua (20/09/2011)

>   Ngày 19/09: Khối ngoại trở lại mua ròng nhẹ 9.5 tỷ đồng  (19/09/2011)

>   TTCK cũng cần một “bàn tay sắt” (19/09/2011)

>   UBCK yêu cầu giải tỏa 16 tài khoản liên quan đến vụ làm giá DVD (19/09/2011)

>   Nhiều NĐT "điếc không sợ súng" (19/09/2011)

>   Nhà tạo lập có muốn giá cổ phiếu rơi thẳng đứng? (19/09/2011)

>   Tiếng nói nhà đầu tư: Lạc quan về con “Sóng” mới (19/09/2011)

>   19/09: Bản tin đầu tuần (19/09/2011)

>   Sự kiện doanh nghiệp niêm yết tuần 19 – 23/09 (18/09/2011)

>   Khối ngoại gia tăng đầu tư vào ngành dược (17/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật