Thứ Bảy, 27/08/2011 11:20

Vụ Bảo Sơn mua lại Bảo Long: Từ “liên kết” đến bán cổ phần, thương hiệu

Tập đoàn Y dược Bảo Long- chuyên ngành với việc khám chữa bệnh, sản xuất thuốc y học cổ truyền, giáo dục đào tạo, huấn luyện võ thuật và du lịch điều dưỡng. Tập đoàn Y dược Bảo Long là một trong 29 đơn vị vừa được bạn đọc báo Đại Đoàn kết bình chọn và được trao Cúp "Tự hào thương hiệu Việt” vào ngày 30-7-2011. Tuy nhiên, cũng có nhiều dư luận xung quanh một số cơ sở của Tập đoàn đang bị chuyển nhượng cho tập đoàn khác như Bệnh viên Đa khoa Bảo Long, Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long, Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long...

Vậy thực hư vấn đề này như thế nào? Vừa qua, báo Đại Đoàn kết đã nhận được Đơn kêu cứu của Tập đoàn Y dược Bảo Long...

Ts Nguyễn Quốc Triệu khi đó là Bộ trưởng Bộ Y tế thăm Tập đoàn Y dược Bảo Long

Từ những lời hứa "nâng cấp đầu tư”

Theo Lương y, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai, sự việc bắt đầu bằng cuộc thăm, chúc tết của ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn hôm 8 Tết năm Tân Mão (10-2-2011). Biết Tập đoàn Bảo Long đang thiếu vốn để nâng cấp bệnh viện và một số cơ sở trong khi vẫn còn nợ một số đơn vị, ông Sơn đã "tiết lộ” việc Tập đoàn Bảo Sơn đang có ý định thành lập trường đại học, bệnh viện... tầm cỡ quốc tế. Và thế là hai bên đã "như cá gặp nước”, hồ hởi trao đổi, đề nghị bắt tay liên kết. Ngay lập tức, ông Sơn hứa cho Bảo Long vay ngay khoảng 30 tỷ đồng mà không cần so đo, tính toán. Ông Nguyễn Hữu Khai đã những tưởng thực sự vớ được một "Mạnh thường quân” để phát triển Tập đoàn, với những ước mơ nâng tầm quốc tế của mình. Và cũng ngay lập tức, theo đề nghị của ông Sơn, để cho "đẹp ngày”, ngày 10 Tết năm Tân Mão (tức 12-2-2011), hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế. Biên bản ghi: "...Tập đoàn Y dược Bảo Long có một bệnh viện đa khoa có diện tích 50.809,7 m2 đất ở tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội... có nhu cầu kêu gọi đầu tư mở rộng thành bệnh viện đa khoa mang tầm quốc tế. Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn đồng ý sẽ đầu tư vào Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long trở thành Bệnh viện Quốc tế tại Việt Nam... Hai bên thống nhất thành lập Bệnh viện Quốc tế Bảo Sơn- Bảo Long. Trong đó, Tập đoàn Bảo Sơn sẽ đầu tư vào khu đất do Tập đoàn Bảo Long đang quản lý. Chuyển đổi và mở rộng Bệnh viện Đa khoa mang tên Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long thành Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bảo Sơn- Bảo Long. Đồng thời sẽ đầu tư vào Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long. Tập đoàn Bảo Long sẽ duy trì sản xuất thuốc đông dược, sản xuất mỹ phẩm, sản xuất đồ ăn, thức uống từ thảo dược, dạy võ thuật cho học sinh”.

Ngày 27-2-2011, tại diễn đàn kỷ niệm 55 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, trước hàng ngàn quan khách, thầy thuốc, học sinh, ông Nguyễn Trường Sơn đã phát biểu, hứa sẽ đầu tư tài chính nâng cấp xưởng sản xuất Đông dược Bảo Long đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP; nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Bảo Long thành bệnh viện tiên tiến ngang tầm quốc tế; nâng cấp Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long thành trường phổ thông Quốc tế... trong sự hoan hô của quan khách, mọi thành viên, học sinh Tập đoàn Bảo Long.

Đến việc "bán quyền...”, mất công ty, thương hiệu

Cùng với cái không khí "hợp tác”, tức thời ông Nguyễn Trường Sơn đã được tôn lên làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Y dược Bảo Long (hiện có 12 công ty, trường học, bệnh viện và hàng chục chi nhánh tại các tỉnh, thành phố trên cả nước và chi nhánh tại CHLB Nga, CHLB Đức). Ngay sau ngày kỷ niệm, ngày 28-2-2011, ông Sơn đã ký Quyết định về việc giao khoán kinh doanh hạch toán độc lập: "Giao cho Lương y, Võ sư, Tiến sĩ y học Nguyễn Hữu Khai- Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động giáo dục, huấn luyện đào tạo, khám chữa bệnh và sản xuất kinh doanh Đông dược bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và đúng giấy phép kinh doanh của ba đơn vị: Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long; Bệnh viện Đa khoa Bảo Long; Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long với hình thức hạch toán độc lập (tự cân đối thu, chi bằng vốn tự có, mua sắm, sửa chữa máy móc thiết bị, phương tiện và đồ dùng công cụ...). Khi có nhu cầu bổ sung vốn lưu động và trang bị máy móc y cụ thì lập tờ trình Chủ tịch HĐQT xem xét cấp vốn theo quy chế của HĐQT”. Cũng theo Quyết định này, ông Nguyễn Hữu Khai với cương vị Tổng Giám đốc được quyền:"sử dụng toàn bộ khuôn viên Bảo Long bao gồm sân, vườn, hạ tầng cơ sở và nhà xưởng để triển khai kế hoạch đã được Chủ tịch HĐQT phê duyệt về: Giáo dục huấn luyện, đào tạo, khám chữa bệnh và sản xuất kinh doanh Đông dược...”. Quyết định này cũng ghi rõ, ông Khai "chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý về mọi mặt hoạt động của Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long, Bệnh viện Đa khoa Bảo Long và Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long...”; "...được quyền tuyển dụng nhân sự đủ cho việc thực hiện kế hoạch và được quyền sa thải những CBCNV không đủ điều kiện...”.

Tuy nhiên, trước đó, cùng với việc đề nghị được hợp tác, đầu tư với số tiền tương đương với toàn bộ diện tích đất và nhà xưởng xây dựng trên khuôn viên của Tập đoàn Y dược Bảo Long tại Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, ngay trong Biên bản ghi nhớ đầu tư bệnh viện đa khoa, mặc dù ghi là hợp tác, nhưng trong phần nhiệm vụ cụ thể của Tập đoàn mình, ông Sơn ghi rõ: "Tập đoàn Bảo Sơn sẽ mua lại toàn bộ diện tích đất khoảng 5 ha để đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa và sẽ thanh toán cho Tập đoàn Y dược Bảo Long theo giá thị trường của khu vực đồng thời thanh toán các công trình xây dựng mà Tập đoàn Bảo Long đã đầu tư trên đất theo nguyên tắc giá trị đầu tư xây dựng trừ khấu hao đã thực hiện trên sổ sách kế toán của Tập đoàn Bảo Long”. Ngay sau lễ kỷ niệm 3 ngày, ngày 3 tháng 3 năm 2011, đôi bên đã ký Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm, trong đó ghi rõ: "Bên A đồng ý chuyển nhượng và bên B đồng ý nhận chuyển nhượng 100% vốn cổ phần của các cổ đông (được ghi danh sách trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm bao gồm các đơn vị: Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long; Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long; Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long”.

Với việc ký chuyển nhượng tại hợp đồng trên, thực chất, từ đây đã không còn là một sự "hợp tác', mà đã là một cuộc mua bán. Tuy nhiên, như ông Khai "than”: Ông Sơn mới thanh toán cho Bảo Long số tiền đất và giá trị nhà xưởng xây dựng trên đất; còn các khoản khác như vốn cổ phần, giá trị thương hiệu, bản quyền sản phẩm, hạ tầng, cây cối hoa màu... chưa thanh toán, nhưng ông Sơn nói khéo với các thành viên HĐQT (có tên trong đăng ký doanh nghiệp) ký giấy trước, để thay đổi, sang tên Giấy Chứng nhận kinh doanh các công ty này.

Và rồi, sau đó, ông Khai, vẫn với chức danh Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn y dược Bảo Long, nhưng đã phải ký "hợp đồng khoán kinh doanh” với Bảo Sơn- ngày 22-3-2011(được đầu tư 5 tỷ, mỗi tháng nộp 120 triệu đồng, sau 12 tháng trả số tiền đầu tư gốc đảm bảo bằng 239.464 USD); hợp đồng khoán đầu tư- ngày 28-4-2011 với nội dung tương tự. Ngày 25-5-2011, ông Khai được mời với tư cách là "chuyên gia cao cấp” về làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long (với cả 3 đơn vị đã chuyển nhượng). Thế nhưng, ngay sau đó, ngày 6-6-2011 ông Nguyễn Trường Sơn đã ký quyết định đầu tiên của mình với chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long (số 01/QĐ- CTHĐQT) miễn nhiệm và chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nguyễn Hữu Khai.

Ngày 8-6-2011, Tập đoàn Bảo Sơn đã họp buộc ông Khai với chức danh Giám đốc Công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long, phải ký thuê lại một số diện tích như mặt bằng nhà xưởng, khu bệnh viện và luyện tập võ thuật... với giá 500 triệu đồng/tháng; buộc ông Khai phải chuyển toàn bộ CBCNV của Bệnh viện Đa khoa, Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long... về ký hợp đồng với Công ty Đông Nam dược Bảo Long; buộc thanh toán tất cả các khoản nợ cũ... Ngay sau đó bất đắc dĩ, ông Khai đã phải ký thông báo tạm ngừng nhận học sinh; thông báo tạm ngừng nhận bệnh nhân nội trú; quyết định tạm cho một số cán bộ, nhân viên các đơn vị này tạm nghỉ việc...

Riêng với Bệnh viện Đa khoa Bảo Long ngay sau đó đã đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn (chưa thông qua Sở Y tế và Bộ Y tế)... Ngày 2-8-2011, ông Nguyễn Trường Sơn mang chức danh Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT ra lệnh cho ông Trịnh Đình Cần (người được thuê làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn) ký quyết định tạm ngừng hoạt động Bệnh viện để cải tạo, nâng cấp; thông báo cán bộ, nhân viên ai có nhu cầu tiếp tục làm việc thì đề nghị làm đơn gửi Giám đốc bệnh viện xem xét trước ngày 10-8, sau ngày 10-8, ai không có đơn thì nghỉ việc, Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Bảo Long (cũ) làm thủ tục cho họ... Bên cạnh đó là việc đóng cửa các chi nhánh và địa điểm kinh doanh và bàn giao hồ sơ của các chi nhánh, cửa hàng của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long...

Sự việc đã diễn ra quá nhanh so với những gì người ta tưởng. Trước những sự kiện diễn ra, những thông báo quá bất ngờ đã làm cán bộ, nhân viên ba đơn vị trên, nhiều thày thuốc, bệnh nhân, học sinh giật mình, ngơ ngác.

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Vụ Bảo Sơn mua lại Bảo Long: “Chúng tôi bị cài bẫy và bị lừa gạt...” (29/08/2011)

>   Ông Yoshihiko Noda được bầu làm thủ tướng Nhật (29/08/2011)

>   Tại sao du khách Việt bị từ chối? (28/08/2011)

>   Hỏa hoạn ở tòa nhà Keangnam cao nhất Việt Nam (27/08/2011)

>   Honda Việt Nam cầu cứu Chính phủ (26/08/2011)

>   Vé máy bay tết Nhâm Thìn vừa bán đã hết (26/08/2011)

>   Nhân viên Vietnam Airlines ăn trộm tiền của khách (25/08/2011)

>   Kiện vợ để đòi lại thương hiệu phở (25/08/2011)

>   Cách đất liền 120km sẽ vẫn có sóng di động (25/08/2011)

>   19 cán bộ Vinacomin hầu tòa vì gian lận xuất khẩu (24/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật