Vụ Bảo Sơn mua lại Bảo Long: “Chúng tôi bị cài bẫy và bị lừa gạt...”
"Chúng tôi xin cam đoan rằng không bao giờ lại bán đi sự nghiệp y dược và giáo dục, đào tạo của mình, chỉ dốc lòng với thiện chí hợp tác, đầu tư để nâng cấp theo kịp với sự phát triển của thời đại, nhưng sai lầm là nhẹ dạ, cả tin đã ký vào văn bản khống, cùng một số văn bản tạo điều kiện cho ông Sơn vụ lợi cá nhân và triệt hại Bảo Long”- Lương y, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai bày tỏ.
* Từ “liên kết” đến bán cổ phần, thương hiệu
Trong một lá thư mới đây, ông đã khẳng định: "...Chúng tôi kêu gọi sự hợp tác liên doanh đầu tư của các đối tác, nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên bị cài bẫy trong từng thủ đoạn của đối tác và bị lừa gạt...”. Vậy là chỉ vì nhẹ dạ, cả tin, Tập đoàn y dược Bảo Long có thể mất đi 3 cơ sở của mình: Công ty cổ phần Tập đoàn y dược Bảo Long, Bệnh viện đa khoa Bảo Long và Trường phổ thông võ thuật Bảo Long.
|
Bệnh viện đa khoa Bảo Long đang có nguy cơ bị Bảo Sơn nuốt trọn |
"Cạm bẫy”... "chết người”
Người ta không thể ngờ rằng, chỉ trong một thời gian rất ngắn, mọi cố gắng bao nhiêu năm trong việc gây dựng Công ty cổ phần Tập đoàn y dược Bảo Long, Bệnh viện đa khoa Bảo Long và Trường phổ thông võ thuật Bảo Long của ông Nguyễn Hữu Khai cùng các anh em, bạn bè thân hữu và học trò bỗng vào tay người khác và bị "bóp chết” một cách không nương tay. Kể từ cái ngày hai bên ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nâng cấp đầu tư, đến khi có cái Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tài sản, thương hiệu chỉ chưa đầy 20 ngày. Tại Hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm ghi: "Căn cứ Biên bản họp Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn y dược Bảo Long” cũng như "Căn cứ Biên bản họp Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn”, ngày, tháng đều còn bỏ trống, vì thực ra chưa có cả những cuộc họp này. Và cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn, đã xong ngay việc định giá từ đất cho đến các tài sản trên đất. Tất cả đều "thoáng” một cách lạ lùng. Rất nhiều mục Bảo Sơn nói bao nhiêu, Bảo Long chấp nhận bấy nhiêu.
Có lẽ chính từ sự "thoáng” ban đầu của Bảo Sơn, như chuyện ngay lập tức cho vay hàng chục tỷ đồng mà các thành viên trong HĐQT của Bảo Long đã "thoáng” theo. Ông Nguyễn Hữu Khai cho biết, tất cả chỉ vì cái sự "quá tin”, đặt niềm tin vào đối tác "anh em”. Ngay sau khi được tôn lên làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Trường Sơn đã lập ra một văn bản lấy tên "Biên bản họp Hội đồng quản trị” với nội dung các thành viên HĐQT đứng tên trong giấy đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn y dược Bảo Long, Bệnh viện đa khoa Bảo Long, đồng ý chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình cho ông Nguyễn Trường Sơn và vợ con của ông Sơn. Trong văn bản có đoạn ghi: "Người bán cổ phần đã nhận đủ số tiền và cam kết sau đây không kiện cáo gì”. Ông Sơn hứa ngay sau đó sẽ chuyển tiền trả để các thành viên tất toán công nợ (nhưng đến nay vẫn chưa trả). Vì tin, vì " thoáng” mà ký. Và chính vì có văn bản đó, nên Bảo Sơn đã có thể tiến hành đổi chủ, sang tên.
Vừa là chủ nợ, vừa là con nợ
Theo Tập đoàn y dược Bảo Long, số tiền 100% vốn cổ đông được ghi danh sách trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần Tập đoàn y dược Bảo Long: ông Nguyễn Hữu Khai 18,1 tỷ đồng; bà Lê Thuý Hằng 7,4 tỷ đồng; ông Nguyễn Hữu Sinh 1,5 tỷ đồng, tổng 27 tỷ đồng Bảo Sơn đều chưa trả; Danh sách các thành viên góp vốn của Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long là 5,1 tỷ đồng cũng chưa được Bảo Sơn thanh toán, nhưng các thành viên đã cả tin ký khống. Phần góp vốn bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng bằng hơn 86 tỷ đồng; hạ tầng kỹ thuật trên 4,6 tỷ đồng; cây cối hoa màu trên 2,3 tỷ đồng cũng đều chưa được thanh toán. Các khoản khác như thương hiệu Công ty CP Tập đoàn y dược Bảo Long; bản quyền thương hiệu các sản phẩm thuốc của Công ty; thương hiệu bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long và Trường phổ thông võ thuật Bảo Long hai bên đều chưa định giá, chưa thực hiện chuyển nhượng. Nếu trừ phần số tiền đất (gần 164 tỷ đồng), công trình trên đất (63,5 tỷ đồng) Bảo Sơn đã trả, thì số tiền Bảo Sơn chưa trả, còn nợ là hơn 125 tỷ đồng.
Trong tình hình " nước sôi, lửa bỏng”, ngày 24-8-2011, HĐQT, Ban giám đốc, và các tổ chức đoàn thể cùng toàn thể CBCNV, học sinh của các công ty, bệnh viện, trường học, trung tâm... thuộc Tập đoàn Bảo Long đã ra Thông báo: "...thống nhất không công nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn y dược Bảo Long của ông Nguyễn Trường Sơn. Đồng thời tố cáo hành vi và việc làm gian dối của ông Nguyễn Trường Sơn với cơ quan pháp luật, với các Bộ, Sở, ban ngành và các cơ quan truyền thông...”. |
Tuy nhiên, như phía Bảo Sơn đã tuyên bố với các cơ quan báo chí, rằng Bảo Sơn đã trả toàn bộ tiền "mua 100% vốn cổ đông của 3 công ty nói trên bằng tổng số tiền giá trị đất và nhà xưởng xây dựng trên đất là bao gồm tất cả các khoản kể cả vốn cổ phần, thương hiệu, hạ tầng cơ sở và cây cối hoa màu... (!?). Tổng giá trị đó là 227 tỷ đồng mà không hề thêm bớt”. Điều lạ lùng là ở bản Hợp đồng chuyển nhượng phần giá chỉ đề cập đến giá trị sử dụng đất, phần công trình trên đất, còn giá các khoản khác không hề đề cập đến, kể cả nếu phải nói thêm hai bên sẽ quy định hay thoả thuận tại một văn bản khác.
Nói như trên thì Bảo Sơn đang là con nợ. Thế nhưng Bảo Sơn lại là chủ nợ khi cho Bảo Long vay 30 tỷ đồng (như một món quà ngày đầu hợp tác- hợp đồng vay vốn ngày 15-2-2011, lãi suất 2,2%/tháng) và các hợp đồng vay khác. Đó là các "Hợp đồng giao khoán kinh doanh”, "đầu tư vốn” (5 tỷ đồng), "hưởng lợi nhuận” bắt buộc (120 triệu đồng/ tháng) và phải "cam kết trả lợi nhuận từng tháng vào ngày 22 hàng tháng, sau 12 tháng trả số tiền gốc” được đảm bảo bằng USD. Tiếp đó là "Hợp đồng vay vốn trả nợ vay ngân hàng 80 tỷ đồng ngày 12-5-2011 (lãi suất 1.75%/ tháng, nhưng phải thế chấp rất nhiều diện tích đất và tài sản ở Sìn Hồ -Lai Châu); Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) với tổng số 10.938,4 m2 đất. Các hợp đồng vay này chỉ có thời hạn ngắn, như vay 30 tỷ đồng trong 2 tháng; nếu quá sẽ chịu lãi 200% và không quá 30 ngày...
Và như vậy, Bảo Sơn đã "hợp tác đầu tư” về danh nghĩa: đích danh làm Chủ tịch HĐQT; mua 3 công ty và rồi thay thế toàn bộ lãnh đạo, CBNV theo hình thức sa thải dần người cũ, kể cả ông Nguyễn Hữu Khai. Về tài chính: mua nhưng lại chưa trả hết tiền, đồng thời lại cho vay lấy lãi, kèm theo là những cam kết, thế chấp. Trong thời điểm khó khăn trong kinh doanh như hiện nay, thì khả năng trả nợ của Bảo Long cho Bảo Sơn là rất khó. Và như người bị dẫn vào đầm lầy, Bảo Long đã phải sa lầy. Đồng thời, nói như ai đó: "Con hổ” ranh ma Bảo Sơn đang nuốt gọn không chỉ 3, 4 công ty của Bảo Long ở Hà Nội mà có thể sẽ vươn ra nuốt trọn cả những nơi xa xôi như Lai Châu, TP Hồ Chí Minh... của "con nai” ngây thơ Bảo Long.
Đại Đoàn Kết
|