Thứ Năm, 25/08/2011 09:13

Kiện vợ để đòi lại thương hiệu phở

Sau thời gian sống chung có hai con nhưng không kết hôn, một Việt kiều dạy “vợ” nấu phở rồi mở tiệm để có nguồn thu, ổn định cuộc sống và nuôi con. Khi tiệm phở phát triển thành công ty với nhiều chi nhánh, người đàn ông gốc Việt bị… ra rìa.

Chung tình, chung vốn

Mới đây, TAND TP.HCM đã thụ lý vụ kiện của ông T., Việt kiều Mỹ đối với người bị khởi kiện là bà L. Ông T. là chủ tịch hội đồng thành viên và bà L. là giám đốc của một thương hiệu phở nổi tiếng tại Mỹ và TP.HCM.

Ông T. cho biết, trong những lần về Việt Nam thăm quê hương, ông có quen với bà L. Sau thời gian qua lại, hai người nảy sinh tình cảm rồi chung sống với nhau như vợ chồng. Kết quả của mối tình vượt đại dương này là hai đứa con kháu khỉnh ra đời. Do đặc thù công việc và nơi ở nên người đàn ông này thường xuyên về Mỹ. Vì vậy, để người yêu và hai con có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống nên ông mở tiệm phở. Không những thế, ông còn tận tâm chỉ bà L. cách chế biến món phở theo hương vị riêng, phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn. Ngoài ra, phong cách trang trí, trình bày của tiệm phở còn mang phong cách riêng, sạch sẽ nên rất đông khách đến ăn.

Năm 2007, sau hai năm ra đời, ông T. và bà L. nâng cấp quán phở thành công ty và mở thêm một địa điểm ở quận 10. Do việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn thời điểm đó cần có hai thành viên trở lên, nên ông T. đề nghị bà L. cùng tham gia với chức danh giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

“Theo điều lệ công ty và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì tôi góp 60% vốn, còn bà T. là 40% nhưng thực chất toàn bộ là tiền của tôi bỏ ra. Lúc đó tôi nghĩ tin tưởng vào người mình yêu và bản thân nắm 60% vốn thì không thể có rủi ro xảy ra. Với lại, cả hai có con chung với nhau, nếu cô ấy có chiếm dụng thì cũng là để cho con mình”, ông T. nói.

Kiện “vợ” ra toà

Những tưởng mối tình đã từng băng qua ngàn hải lý đó bền vững khi kinh tế ngày càng phát đạt với công ty phở nổi tiếng, nhưng càng về sau, ông T. phát hiện bà L. có những dấu hiệu “khác lạ trong tình cảm”. Trở lại Việt Nam sau chuyến về Mỹ, bà L. không thông báo kết quả kinh doanh và đỉnh điểm là không cho ông T. vào công ty để điều hành.

Bức xúc vì mất quyền ở công ty và những việc liên quan đến tình cảm, ông T. đề nghị bà L. giữ hai tiệm phở tiếp tục kinh doanh, còn thương hiệu phở ông đã tạo lập thì trả lại cho ông. Tuy nhiên, lời đề nghị ấy không được bà L. chấp thuận. Ông T. làm đơn khởi kiện gửi đến toà án nhờ can thiệp. Theo nội dung đơn khởi kiện, ông T. yêu cầu bà L. trả lại toàn bộ tài sản công ty và quyền điều hành. Ngoài ra, mẹ của hai con ông cũng phải rút tên ra khỏi công ty vì đã không góp vốn theo quy định của điều lệ và luật Doanh nghiệp. Tại các buổi hoà giải của toà án, đại diện cho bà L. trình bày, thương hiệu phở là do cả hai người tạo lập nên yêu cầu của ông T. là không có căn cứ.

Trong khi đó, ông T. cho rằng, thương hiệu phở mà ông mở tại Việt Nam là không tách rời thương hiệu phở ông đã mở bên Mỹ. Ông T. cho biết từ những năm 1990, ông đã mua lại công thức nấu phở của một Việt kiều khác ở Mỹ với giá 20.000 USD và mở tiệm phở với đầy đủ giấy phép, thương hiệu bảo hộ của chính quyền Mỹ. Như vậy, tiệm phở hiện nay là sau tiệm phở ở Mỹ rất lâu và cùng do ông T. lập ra rồi dạy cho “vợ” của mình nấu. “Tôi có đầy đủ bằng chứng, rằng thương hiệu phở hiện nay ở TP.HCM là do tôi lập ra. Kiện nhau là điều không ai muốn nhưng khi bà L. đã hành xử như vậy thì tôi đành phải nhờ toà án giải quyết”, ông T. nói.

Theo một luật sư, người nắm 60% số vốn của công ty có thể khiếu nại lên sở Kế hoạch và đầu tư để yêu cầu giải quyết nội bộ như báo cáo kinh doanh, chia lãi… Ngoài ra, nếu chứng minh được giám đốc không có góp vốn mà chỉ đứng tên thì chủ tịch hội đồng thành viên có thể nhờ toà án phân xử. Luật sư Nguyễn Thành Công, đoàn Luật sư TP.HCM bổ sung thêm, hiện nay luật Doanh nghiệp Việt Nam cho phép tất cả Việt kiều về nước đầu tư, kinh doanh, lập doanh nghiệp… Doanh nhân trong nước hay người gốc Việt quốc tịch nước ngoài đều được bình đẳng trước quy định của luật Doanh nghiệp. Vì vậy khi xảy ra tranh chấp, doanh nhân là Việt kiều có thể nhờ toà án cấp tỉnh, hoặc thành phố trực thuộc trung ương giải quyết.

Thanh Nhã

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Cách đất liền 120km sẽ vẫn có sóng di động (25/08/2011)

>   19 cán bộ Vinacomin hầu tòa vì gian lận xuất khẩu (24/08/2011)

>   Chủ tịch tổ chức tín nhiệm S&P từ chức  (23/08/2011)

>   TKV: Tiền không chi, đường cứ đi (23/08/2011)

>   Sẽ thẩm tra lại tư cách một đại biểu Quốc hội (22/08/2011)

>   Thảo luận tại nghị trường: Còn phát biểu “nói dài, nói dại” (22/08/2011)

>   “Bún mắng, cháo chửi” và chuyện CEO làm bảo vệ (20/08/2011)

>   Nhân viên Woori CBV: Nghỉ việc, bị giữ cả tiền lẫn bằng (19/08/2011)

>   Dệt Thái Tuấn xả “nước bẩn” (19/08/2011)

>   Cường đôla sắp bắt đầu hành trình siêu xe (18/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật