Thứ Sáu, 19/08/2011 09:12

Dệt Thái Tuấn xả “nước bẩn”

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện nước thải từ nhà máy của Công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn (Q.12, TP.HCM) đổ ra kênh Tham Lương có màu đỏ hồng và bốc hơi nóng.

Kiểm tra nước thải sau xử lý của Công ty dệt Thái Tuấn cho thấy nước vẫn còn có màu đen đục

Ngày 18-8, đại tá Phan Hữu Vinh - phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo kiểm tra, làm rõ việc Công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn (P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM) xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh Tham Lương.

Trước đó chiều 17-8, đoàn kiểm tra của C49 phát hiện nước thải từ nhà máy của Công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn đổ ra kênh Tham Lương có màu đỏ hồng và bốc hơi nóng. Cuộc làm việc sau đó giữa C49 với lãnh đạo công ty kéo dài nhiều giờ mới tạm kết thúc.

Xả thẳng ra kênh

Toàn bộ hệ thống xử lý nước cấp đầu vào phục vụ sản xuất và hệ thống xử lý nước thải được bố trí phía cuối nhà máy, nằm sát kênh Tham Lương, ngăn cách với mép nước bằng tường rào và con đường nội bộ. Một con mương hở bằng bêtông chạy dọc nhà máy, bên cạnh xưởng nhuộm, đổ thẳng ra kênh Tham Lương, bên trên cửa xả này là một chòi canh. Trưa 18-8, khi đoàn kiểm tra có mặt tại hố ga cuối trước khi xả ra kênh, có một đường ống đang tuôn nước trong veo đổ vào trộn với dòng nước có màu đỏ hồng từ nhà xưởng đổ ra.

Nước thải sản xuất “sau xử lý” này sẽ chảy thẳng ra kênh Tham Lương.

Lần ngược theo con mương hở, đoàn kiểm tra cho lật những tấm đan và phát hiện dòng nước từ nhà xưởng đổ ra có màu đỏ au và bốc khói nghi ngút. Dọc con mương này có hai dòng nước khác trộn vào nhau, một dòng màu đen, một dòng trong veo. Ông Lê Thúc Hoài, phó tổng giám đốc công ty, giải thích đây chỉ là nước súc rửa máy móc và vệ sinh nhà xưởng. Đại tá Phan Hữu Vinh cho rằng nếu đúng là nước vệ sinh nhà xưởng, súc rửa máy móc, theo quy định cũng là nước thải từ hoạt động sản xuất nên phải được thu gom và xử lý trước khi xả ra môi trường. Ông Lê Thúc Hoài thừa nhận công ty “có thiếu sót”.

Tình ngay lý gian?

Tại cuộc kiểm tra đột xuất chiều 17-8, đoàn kiểm tra của C49 tìm thấy một đường ống từ khuôn viên Công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn đổ ra kênh Tham Lương ở một vị trí khác, nằm khuất trong đám dứa dại ven kênh. Đối chiếu với bản vẽ hệ thống xử lý nước thải của công ty thì không thấy đường ống này nên C49 đặt nghi vấn có khả năng là một đường ống phát sinh ngoài thiết kế.

Trong khi đó, đại diện công ty giải thích đây là tuyến ống trước đây dùng xả nước đáy lò hơi và từ năm 2007 đã không còn sử dụng. Kiểm tra thực địa trưa 18-8, đoàn kiểm tra xác định đây là cống thoát nước mưa từ mái nhà xưởng. Bên trong đường cống này có một ống thép, theo phía công ty cho biết đây là đường ống không còn sử dụng. Đoàn kiểm tra yêu cầu công ty phải đổ bêtông bít ngay đường cống này.

Khi kiểm tra tại hệ thống nước thải của lò nhuộm 14, các cán bộ C49 phát hiện tại hệ thống nước xả có một co hình chữ T với hai van xả điều khiển bằng tay. Một nhánh (van thứ nhất) được nối với hệ thống thu gom nước thải dẫn vào hồ xử lý. Còn một nhánh (van thứ hai) đổ thẳng xuống đường dẫn nước dưới nền xưởng, thông ra mương hở và chảy ra kênh Tham Lương.

Nước thải màu đỏ và đen từ khu vực sản xuất của Thái Tuấn chảy theo hệ thống mương hở thoát nước giải nhiệt ra dòng kênh Tham Lương.

Một cán bộ kiểm tra nhận định: “Với kiểu lắp đặt hai van xả một chiều và cùng nằm trên một hệ thống ống xả, nếu muốn thải nước nhuộm thẳng ra môi trường chỉ cần đóng van thứ nhất và mở van thứ hai. Còn nếu muốn đưa nước vào hệ thống thu gom xử lý thì vận hành ngược lại”.

Đại diện công ty cho rằng các máy nhuộm khi nhập về đều đã có thiết kế hai van như thế, một trong hai van này dùng để xả nước khi súc rửa lò nhuộm. Đại tá Phan Hữu Vinh không đồng ý: “Dù là thiết kế để phục vụ việc vệ sinh lò nhuộm, nhưng công ty cũng phải thu gom để đưa vào hệ thống xử lý nước thải”.

Theo ông Lê Thúc Hoài, công ty có giấy phép khai thác nước ngầm với lưu lượng 1.400m3/ngày đêm, trong khi hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chỉ có công suất 300m3/ngày đêm. “Theo tính toán, lượng nước thải phải tương đương không dưới 80% lượng nước đầu vào. Công ty chỉ xử lý 300m3/ngày đêm, phần còn lại - khoảng 660m3/ngày đêm - đi đâu?” - một cán bộ C49 hỏi. Ông Lê Thúc Hoài cho biết sẽ có báo cáo lượng nước thực tế sử dụng và giải trình sau.

Đại tá Phan Hữu Vinh cho biết sẽ phân tích các mẫu nước thải thu tại hiện trường để xác định mức độ ô nhiễm. Trước mắt, C49 yêu cầu phía công ty phải thu gom toàn bộ nước (theo công ty là từ súc rửa máy móc và vệ sinh nhà xưởng) để xử lý trước khi xả ra môi trường. Đồng thời phải tách hệ thống điện của hệ thống xử lý nước thải khỏi hệ thống điện các nhà xưởng.

N.Triều - Đ.Tuyên - S.Bình

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Cường đôla sắp bắt đầu hành trình siêu xe (18/08/2011)

>   Ưu đãi cho dự án thành lập Cty TNHH Nokia (18/08/2011)

>   Hầm Thủ Thiêm đã hết thấm, chuẩn bị thông xe (18/08/2011)

>   118 nông dân khiếu kiện Sonadezi Long Thành (SZL) (16/08/2011)

>   10.000 giám đốc bị rao bán trên mạng (15/08/2011)

>   DAP Đình Vũ: Phạt Nhà thầu Trung Quốc 6 triệu USD (15/08/2011)

>   Vùng đất giàu khoáng sản: Không có chọn lựa nào khác! (15/08/2011)

>   Thanh lý dự án Rusalka (15/08/2011)

>   Hàng trăm ngàn nông dân điêu đứng vì quảng cáo của TH True Milk? (12/08/2011)

>   HAG, DLG xù... bảo hiểm xã hội (11/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật