Nhân viên Woori CBV: Nghỉ việc, bị giữ cả tiền lẫn bằng
Không thanh lý hợp đồng, giữ số tiền đặt cọc hàng chục triệu đồng và nhiều loại bằng cấp gốc của người lao động xin nghỉ việc…
Nhiều người lao động đã từng làm việc tại Công ty Cổ phần chứng khoán Woori CBV (14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã cầu cứu lên Sở LĐ, TB&XH Hà Nội và đề nghị làm rõ những vi phạm về Luật lao động của công ty này.
“Treo” bằng, “ngâm” tiền
“Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày”.
Điều 43, Luật lao động |
Hơn 1 năm sau khi làm đơn xin nghỉ việc tại Công ty Cổ phần chứng khoán Woori CBV (Công ty Woori CBV), anh Nguyễn Đức Tùng (phố Giáp Lục, Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn bị chủ sử dụng lao động giữ bằng đại học gốc và số tiền đặt cọc tương đương với 2 tháng lương. Anh Tùng cho biết: “Tôi bắt đầu làm việc cho công ty Woori CBV từ giữa tháng 2/2007. Công ty yêu cầu phải nộp bằng đại học gốc và đặt cọc 2 tháng lương, việc giao nhận đều thể hiện đầy đủ bằng hồ sơ. Ngày 1/6/2010, sau hơn 3 năm làm việc, tôi nộp đơn xin nghỉ việc cho ông Vũ Đức Nghĩa, Tổng giám đốc công ty. Công ty nhận đơn nhưng suốt 45 ngày sau đó lại không cử người tiếp nhận bàn giao công việc từ vị trí của tôi khi hợp đồng giữa tôi và công ty đã hết hiệu lực. Từ đó đến nay, tôi rất cần bằng gốc để xin việc mới nhưng công ty vẫn không giải quyết những nhu cầu chính đáng của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng. Cùng cảnh bị giữ tiền và bằng gốc như tôi tại công ty này còn có các nhân viên như Nguyễn Thị Thơm, Tạ Thanh Huyền, Lê Thị Việt Hằng, Trần Thu Hằng, Lê Thị Hương Trà, Hoàng Minh Hạnh...”.
Cùng cảnh với anh Tùng, chị Hồ Thị Diễm Hương (tổ 26, thị trấn Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Tôi được tuyển dụng từ ngày 14/5/2008, vị trí “nhân viên kế toán ngân hàng”. Đến ngày 16/7/2009, công ty ký hợp đồng lao động 1 năm ở vị trí Quản lý kế toán hạch toán. Theo quy định, tôi phải đặt cọc bằng đại học gốc do Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cấp ngày 30/9/2007 và số tiền tương đương 2 tháng lương. Trong quá trình làm việc, vì một số lý do và điều kiện gia đình, tôi nộp đơn xin nghỉ việc và được công ty chấp thuận bằng quyết định cho bàn giao công việc số 347/QĐ-GD ngày 19/3/2010. Như vậy, khi nhận được quyết định bàn giao công việc tôi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với công ty. Đến ngày 14/7/2010 tôi hết hạn hợp đồng và chính thức nghỉ việc nhưng tôi không hề nhận được quyết định nghỉ việc. Từ đó đến nay, công ty vẫn không giải quyết các chế độ lao động của tôi theo quy định, không trả lại tiền, bằng gốc và bảo hiểm cho tôi theo luật định”.
Người lao động khốn đốn
Ngày 16/8, ông Lê Toàn Khang, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận hồ sơ và chỉ đạo từ Giám đốc Sở, ông Khang đã giao cho phòng nghiệp vụ xác minh vụ việc nêu trên. Ông Khang cũng khẳng định rằng, mọi việc sẽ được khẩn trương tiến hành để sang tuần tới có thông tin phản hồi cho người lao động và phóng viên. |
Các lao động nêu trên cho biết, từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty Woori CBV đã qua hàng năm trời nhưng các chế độ và quyền lợi chính đáng của họ vẫn chưa được giải quyết. Không có bằng gốc, không rút được sổ bảo hiểm, nhiều người lao động đã gặp khó khi đi xin việc mới. Anh Tùng cho biết, do không có bằng gốc, anh đã không xin được việc đúng theo năng lực. Vì vậy anh không đủ tiền để chi trả việc điều trị cho con mình đang bị bệnh với hơn 10 triệu đồng/tháng tiền thuốc men, viện phí.
Còn chị Nguyễn Thị Thơm cho biết, chị đã không xin được việc do không có bằng gốc vì công ty nơi chị nộp đơn yêu cầu phải có bằng gốc để photocopy công chứng. Hiện chị phải làm trong công ty của người quen và dĩ nhiên cũng không có bằng để hoàn thiện hồ sơ. Năm ngoái, cũng do không có bằng gốc nên chị đã phải bỏ lỡ kỳ thi cao học.
Đối chiếu với các điều khoản trong Luật lao động cho thấy rõ những vi phạm của công ty chứng khoán Woori CBV đối với người lao động. Điều 40 Luật lao động nêu rõ: “Mỗi bên đều có thể từ bỏ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước. Khi hết thời hạn báo trước, mỗi bên đều có quyền chấm dứt hợp đồng lao động”. Điều 42 Luật lao động quy định rõ quyền lợi của người lao động sau khi nghỉ việc: “Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ 1 năm trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương nếu có”. Đối chiếu thực tế đang diễn ra giữa công ty Woori CBV, các lao động đã nghỉ việc với điều 43 Luật lao động càng cho thấy sự coi thường luật của lãnh đạo công ty này.
Liên quan đến những sai phạm nêu trên, PV Báo GĐ&XH đã liên hệ làm việc với ông Vũ Đức Nghĩa. Sau nhiều lần trực tiếp đến công ty này và liên lạc qua điện thoại, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời gỏn lọn từ ông Nghĩa: “Vụ việc tôi đã bàn giao cho giám đốc nhân sự giải quyết”. Thực tế, ông Nghĩa là người đứng ra tuyển dụng và cũng là người có quyền cao nhất để ra quyết định giải quyết vụ việc, vậy việc ông Nghĩa giao cho một quản lý nhân sự giải quyết vụ việc liệu có thuyết phục? Thái độ của ông Nghĩa khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng ông Nghĩa “sợ” chính những quyết định mình đưa ra nên không dám trả lời công luận?
Công Tâm
gia đình và xã hội
|