UBCK sẽ làm rõ hành vi tiếp tay cho bán khống
Cùng với việc giám sát việc tổ chức triển khai margin thời gian tới, trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại các CTCK, UBCK sẽ đặt trọng tâm làm rõ có hay không các CTCK bán khống.
Giữa lúc thị trường buồn tẻ, một số CTCK đã "năng động" gợi ý NĐT cho vay cổ phiếu để cung cấp cho các đối tượng bán khống, trong đó có những CTCK khác, gây nên những hệ lụy khó lường. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang tăng cường ngăn ngừa hoạt động này bằng nhiều biện pháp.
Những khi thị trường buồn tẻ kéo dài như hiện tại, hay nói cách khác là xu hướng đi xuống kéo dài rõ nét hơn đi lên, thì nhu cầu "đánh xuống" có dấu hiệu thay thế cho mốt "đánh lên" vốn được các "đội lái" ưa dùng khi thị trường tăng nóng. Để đáp ứng nhu cầu bán khống, môi giới của một số CTCK có nhiệm vụ mới là săn lùng NĐT để gọi mời cho vay chứng khoán nằm "bất động" trong tài khoản hoặc do thị trường không có cửa giao dịch, hoặc do chiến lược đầu tư dài hạn. Nếu đồng ý cho vay chứng khoán, NĐT sẽ nhận được một khoản phí, đồng thời CTCK cam kết sẽ trả lại hàng khi NĐT có nhu cầu hoặc theo mốc thời gian cụ thể do hai bên thoả thuận.
Hiệu quả của các thương vụ bán khống đến đâu có lẽ chỉ CTCK và NĐT biết. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường đang phải trả giá cho lợi ích từ bán khống mà CTCK và NĐT có được. Vay chứng khoán lúc giá cao, ngược với tâm lý chung của thị trường là muốn VN-Index, HNX-Index tăng điểm, các đối tượng bán khống luôn mong thị trường rớt điểm dài dài, để họ mua lại cổ phiếu giá rẻ trả nợ. Thị trường mất điểm càng lâu, càng sâu, thì họ kiếm lợi càng lớn, bởi độ chênh lệch giá càng nhiều. Đây là điều khiến cơ quan quản lý quan ngại, nhưng việc phát hiện và xử lý thời gian qua cho thấy không hề đơn giản.
Có hai đối tượng tiêu thụ nguồn chứng khoán nếu CTCK gom được là NĐT và CTCK. Với các CTCK, chiêu bán khống không còn "lộ" như trước. Thay vì giao dịch trực tiếp tại sàn công ty nhà, CTCK có thể ẩn dưới dạng tài khoản cá nhân mở tại các CTCK thân quen để liên kết giao dịch. Kiểu đi đường vòng này tuy CTCK phải mất một khoản phí giao dịch, nhưng đổi lại, chiêu thức này khá kín, khiến cơ quan quản lý, giám sát không dễ phát hiện và xử lý.
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Kinh doanh chứng khoán, UBCK cho rằng, việc các CTCK đứng ra gom mượn cổ phiếu thực chất là hành vi tiếp tay cho bán khống. Các CTCK không thể vì bối cảnh thị trường khó khăn mà tìm cách xé rào vi phạm. Vì điều này không chỉ gây rủi ro cho chính CTCK, NĐT tham gia bán khống, mà cho cả thị trường. Theo quy định của pháp luật về chứng khoán hiện hành thì các CTCK không được phép thực hiện bán khống chứng khoán dưới mọi hình thức. Bởi vậy, UBCK không cho phép các CTCK đứng ra làm trung gian gom mượn cổ phiếu nhàn rỗi để cung cấp cho NĐT bán khống.
Ông Sơn cho biết, cùng với việc giám sát việc tổ chức triển khai Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ thời gian tới, trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại các CTCK, UBCK sẽ đặt trọng tâm làm rõ có hay không các CTCK bán khống. Ngoài kiểm tra định kỳ, khi có dấu hiệu bất thường tại các CTCK, UBCK sẽ nhanh chóng vào cuộc làm rõ. Nếu đủ cơ sở kết luận CTCK bán khống, UBCK sẽ áp dụng các hình thức xử lý mạnh tay, để đảm bảo cho sự phát triển minh bạch, công bằng của thị trường. Đặc biệt, để tăng tính răn đe, kết quả xử lý các CTCK có hành vi bán khống sẽ được UBCK công khai kịp thời.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, để ngăn chặn hành vi bán không, nếu chỉ có sự nỗ lực của UBCK, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký thôi thì chưa đủ, mà ý thức tuân thủ các quy định pháp lý của CTCK, đặc biệt là NĐT rất quan trọng. Trong khi NĐT luôn mong muốn tạo lập môi trường đầu tư chứng khoán minh bạch, công bằng để tìm kiếm lợi nhuận đàng hoàng, bền vững, thì ở vào những trường hợp cụ thể không biết do vô tình hay hữu ý lại tiếp tay cho hành vi bán khống thông qua hình thức cho mượn cổ phiếu là tự mâu thuẫn với mình, đẩy thị trường vào tình trạng hoạt động không minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả chính họ.
"Sự minh bạch của thị trường không thể chỉ trông chờ vào cơ quan quản lý, mà rất cần sự vào cuộc bằng những hành động cụ thể của bản thân các thành viên thị trường, trong đó việc NĐT nói không với hành vi bán khống là đã đóng góp thiết thực cho tạo lập môi trường kinh doanh chứng khoán lành mạnh, đem lại lợi ích bền vững cho cả thị trường", ông Sơn nói.
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán
|