Tung hỏa mù các loại báo cáo tài chính
Thế nào là báo cáo tài chính (BCTC) công ty mẹ, BCTC hợp nhất? Cái nào quan trọng hơn? NĐT nên đọc loại BCTC nào? Đây là những câu hỏi không dễ trả lời đối với NĐT cá nhân hiện nay.
Thủ thuật “bùa chú”
Liên quan đến kết quả kinh doanh (KQKD) quý II và nửa đầu năm 2011, GMD (Gemadept) đã công bố đến 5 lần, bao gồm: BCTC riêng soát xét 6 tháng, BCTC hợp nhất quý II chưa soát xét, BCTC riêng quý II, KQKD công ty mẹ quý II và KQKD hợp nhất quý II. Một NĐT bình thường, nhìn vào một loạt báo cáo nêu trên sẽ không biết nên đọc báo cáo nào trước, thậm chí không muốn đọc vì quá rối rắm.
Tương tự GMD, SJS cũng có 5 lần công bố những thông tin liên quan đến KQKD quý II và nửa đầu năm 2011 bao gồm: BCTC soát xét công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2011, BCTC soát xét hợp nhất 6 tháng, BCTC soát xét và KQKD 6 tháng, KQKD quý II hợp nhất và KQKD quý II công ty mẹ.
Việc công bố hàng loạt báo cáo như vậy cho thấy sự minh bạch của doanh nghiệp, nhưng cũng có thể là đòn tung hỏa mù với NĐT, bởi lẽ số lượng NĐT cá nhân am hiểu kế toán hiện nay vẫn chưa nhiều.
Định nghĩa một cách đơn giản: BCTC của công ty mẹ (BCTC riêng) chỉ công bố những thông tin liên quan đến công ty mẹ, BCTC hợp nhất sẽ hợp nhất kết quả kinh doanh của cả công ty mẹ lẫn các công ty con. Đối với cổ đông, BCTC hợp nhất đóng vai trò quan trọng nhất, vì việc phân chia lợi nhuận (cổ tức) liên quan đến cả hệ thống bao gồm cả mẹ lẫn con.
Nói như một chuyên gia kiểm toán, nếu NĐT không rành về kế toán, chỉ nên tìm BCTC hợp nhất để đọc, còn lại không nên xem xét những loại BCTC khác. Thông thường các doanh nghiệp sẽ công bố BCTC công ty mẹ trước, sau đó mới đến hợp nhất, vì công ty kiểm toán sẽ kiểm từ công ty mẹ xuống công ty con (nếu cần thiết).
Nhưng khoảng thời gian giữa BCTC công ty mẹ và BCTC hợp nhất quá dài, dẫn đến việc NĐT ban đầu đọc BCTC của công ty mẹ nhưng do thông tin mập mờ, hoặc không rành về kế toán có thể nghĩ đó là KQKD cuối cùng, nhưng sự thực không phải vậy. Phía doanh nghiệp cũng có thể lập luận rằng chờ đợi kiểm toán “xong việc” cho cả hệ thống công ty rất lâu, vì vậy, công bố BCTC công ty mẹ trước để “giải tỏa thông tin”.
Nhưng nếu doanh nghiệp không minh bạch, sau khi công bố BCTC công ty mẹ có thể dùng những thủ thuật để “bùa chú” KQKD của công ty con nhằm có một BCTC hợp nhất “đẹp”.
Cần một chuẩn trong công bố BCTC
Nhưng cũng chưa chắc khi đã có được BCTC hợp nhất, NĐT có thể nắm rõ tình hình tài chính của công ty. Trong báo cáo soát xét BCTC hợp nhất giữa niên độ (6 tháng đầu năm) của Sudico (SJS), đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến như sau: Công ty SJS chưa thu thập đầy đủ BCTC giữa niên độ của một số công ty liên kết, do đó các khoản đầu tư vào công ty liên kết được công ty trình bày theo phương pháp giá gốc. Hiện tại, SJS có hơn chục công ty liên kết, với giá trị đầu tư lên đến hơn 100 tỷ đồng.
Nếu trình bày theo phương pháp giá gốc, các công ty liên kết có lãi, cũng sẽ không thể hạch toán lãi trong BCTC hợp nhất, nhưng ngược lại nếu công ty thua lỗ, BCTC hợp nhất sẽ không bị “lõm”. Nhìn vào danh sách các công ty liên kết của SJS có những cái tên như CTCP Đầu tư Bất động sản Thương mại Thăng Long, CTCP Đô thị và KCN Sông Đà - Miền Trung, CTCP Quản lý quỹ đầu tư tài chính Dầu khí…
Với tình hình của thị trường tài chính và bất động sản hiện nay, những công ty liên kết vừa nêu của SJS hòa vốn đã là may. NĐT có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng SJS sử dụng phương pháp hạch toán theo giá gốc nhằm tránh thua lỗ?
Một người từng làm trong ngành kiểm toán cho biết, anh rất ngại khi gặp những doanh nghiệp có nhiều công ty con, công ty liên kết, vì sẽ phải đối mặt với vô số thủ thuật kế toán.
Được biết, trừ những công ty kiểm toán hàng đầu thường sẽ yêu cầu kiểm luôn cả công ty con, công ty liên kết, còn lại những công ty kiểm toán nhỏ hơn, dù có phát hiện được doanh nghiệp “bùa chú” BCTC cũng rất khó bẻ. Trong trường hợp của SJS, BCTC hợp nhất cũng không có nhiều tác dụng trong việc phản ánh toàn diện hoạt động của cả hệ thống công ty.
Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần phải thiết lập một chuẩn mới trong việc công bố BCTC. Chẳng hạn, sau khi công ty công bố BCTC công ty mẹ, bao nhiêu ngày kế tiếp phải công bố BCTC hợp nhất.
Trong tên gọi các loại BCTC cũng như vậy. Rất nhiều công ty khi công bố tên BCTC thường chỉ công bố theo kiểu “BCTC của công ty A hoặc B” nào đó chứ không nói rõ đây là BCTC hợp nhất hay chưa hợp nhất và gây khó khăn cho NĐT.
BÙI TÂM TÁNH
sài gòn đầu tư tài chính
|