TTCK: Chờ đợi thế hệ quỹ đầu tư thứ ba
Tâm lý nặng nề và sự hoài nghi đang đè nặng lên giới quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam. Chu kỳ đi xuống của thị trường đã kéo dài đằng đẵng vào thời điểm thanh lý, thoái vốn của một số quỹ đang tới gần. Trong khi làn sóng quỹ đầu tư thứ hai sắp kết thúc sứ mệnh thì “chân dung” thế hệ quỹ đầu tư thứ ba mới chỉ hiện ra mờ nhạt…
Hai làn sóng quỹ đầu tư
Phiên giao dịch thỏa thuận ngày 4/8 vừa xác lập kỷ lục mới của TTCK Việt Nam với gần 80 triệu cổ phiếu STB được sang tên. Theo nguồn tin của ĐTCK, phần lớn số cổ phiếu bán ra xuất phát từ tài khoản của Vietnam Enterprise Investment Fund (VEIL) – một quỹ của Dragon Capital, mở tại một CTCK lớn ở TP.HCM. Với phiên giao dịch lịch sử này, cuộc “hôn nhân” 10 năm giữa Dragon Capital và Sacombank (STB) chính thức kết thúc. Đây không phải là thời điểm thoái vốn tối ưu, nhưng với mức giá chuyển nhượng 16,000 đồng/cp cũng giúp VEIL có lãi, dù không nhiều.
VEIL được thành lập cách đây 16 năm, quy mô vốn ban đầu chỉ ở mức khiêm tốn 35 triệu USD. Giai đoạn 1991 – 1997, VEIL là 1 trong 7 quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam với số vốn đăng ký gần 400 triệu USD. Bạn đồng hành thuở ấy với VEIL có thể kể đến Vietnam Fund (1991) với số vốn 54,3 triệu USD; Vietnam Invetsment Fund (1992) với số vốn 90 triệu USD, Beta Vietnam Fund (1993) với số vốn 71 triệu USD, Templeton Vietnam Opportunities Fund (1994) với số vốn 117 triệu USD… Tuy nhiên, phần lớn các tên tuổi này hiện đã không còn hiện diện. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 – 1998, 3/7 quỹ thông báo đóng cửa. Các quỹ còn lại đều giảm vốn. VEIL là một trong số ít quỹ con trụ lại được đến nay. Thế hệ thứ nhất được xem là không thực sự thành công khi thị trường vốn Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, tiến trình cổ phần hóa chậm chạp, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng.
Giai đoạn 1998 – 2000 là một khoảng lặng. Hiệp định thương mại Việt – Mỹ được ký kết cuối năm 2001, cộng với chuyển động chính sách trong việc góp vốn, mua cổ phần của khối ngoại tại các DN Việt Nam (Quyết định 36/2003/QĐ-TTg) thúc đẩy làn sóng quỹ thứ hai hình thành. Nhiều quỹ đầu tư được thành lập mới như Indochina Capital (2000), Mekong Capital (2002), Vina Capital (2003), IDG Venture Vietnam (2004), PXP Vietnam Fund (2005)… Đặc biệt, năm 2006 – 2007, chứng khoán Việt Nam tăng trưởng với tốc độ tên lửa, dòng tiền nóng quốc tế bùng nổ. Các gương mặt mới lũ lượt đổ bộ vào thị trường: DWS Vietnam Fund, Jaccar, KITMC, Golden Brigde, Blackhorse… Khi ấy, cái tên Việt Nam liên tục được đề cập trong các hội nghị, hội thảo như một địa chỉ đầu tư hứa hẹn. Giai đoạn 2008 – 2010, ngay cả khi thị trường điều chỉnh mạnh, nhiều quỹ mới như SAM, HLG Vietnam Fund, VAM Vietnam Index Linked, Honglong Vietnam Strategic và cả các quỹ đầu tư chỉ số (ETF)… vẫn ra đời, vẫn hào hứng với bữa tiệc chứng khoán Việt Nam.
Động cơ thoái vốn của VEIL được giải thích bằng việc cân đối lại danh mục. Thực tế, 2 năm gần đây, ba từ “tái cơ cấu” đã trở thành lý do thông dụng của nhiều quỹ đầu tư. Và đó là hành động duy nhất mà các quỹ có thể làm: phần lớn đều giải ngân khi hai chỉ số chứng khoán bùng nổ và hiện đã cạn tiền. Sự tăng – giảm của thị trường là bình thường, nhưng chu kỳ đi xuống của thị trường đã kéo dài hơn 4 năm khiến hầu hết các quỹ đầu tư thua lỗ, chứng chỉ quỹ chỉ chiết khấu từ 15% - 45%. Hệ quả là 2 năm qua, không quỹ đại chúng nào gọi thêm được vốn mới. Quỹ cổ phiếu của Indochina Capital và Golden Brigde thậm chí còn phải giải thể trước thời hạn do sức ép từ cổ đông. Ngay cả VEIL cũng đối diện áp lực, nhưng may mắn vượt qua vào mùa hè năm ngoái.
Thời kỳ đỉnh cao, giao dịch của thế hệ quỹ đầu tư thứ hai chiếm khoảng 60% tổng giao dịch toàn thị trường, thể hiện sự dẫn dắt tuyệt đối. Hiện tại, con số này đã giảm xuống trên dưới 10%, trong số đó 50% giao dịch thuộc về các ETF mới xuất hiện. Vai trò của thế hệ quỹ đầu tư thứ hai đang ngày càng mờ nhạt. Thời hạn hoạt động của các quỹ thường kéo dài từ 5 – 7 năm, hiện tại NAV của một số quỹ chỉ còn phân nửa so với ngày đầu. Đóng quỹ, không đạt tới điểm hòa vốn, liệu NĐT nào dũng cảm tiếp tục bỏ tiền? Thế hệ quỹ đầu tư thứ nhất ra đi, thực tế 9 năm mới bùng nổ lớp thứ hai. Thế hệ hiện tại thoái trào, liệu mất bao lâu để xuất hiện gương mặt thay thế?
Những gương mặt mới
10 triệu cổ phiếu VNM hở “room” mới đây đã được khối ngoại đặt mua cao hơn giá thị trường hơn 20%. Theo nguồn tin của ĐTCK, hầu hết người mua là các quỹ thành viên mới gia nhập thị trường. Họ không chịu áp lực về mức chiết khấu và việc công bố giá trị tài sản ròng thường kỳ, nên tính toán khá đơn giản. Mua một mã “hàng hiệu” có tốc độ tăng trưởng tối thiểu 30%/năm, giả định thị giá VNM biến động bằng nửa tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, trừ mức chênh lệch lãi suất USD và VND với biến động tỷ giá, người mua chắc chắn vẫn có lãi.
Thực tế, bức tranh quỹ đầu tư ngoại không toàn gam màu xám. Tại CTCK HSC (HCM), gần đây số lượng tài khoản của NĐT tổ chức tăng lên rõ rệt. Đó là các quỹ phòng hộ (hedge fund), quỹ tương hỗ, quỹ hiến tặng và các ETF mới… Họ mới mở tài khoản, chưa chuyển tiền, nhưng hiện đang trong trạng thái sẵn sàng. Hiện nay, gần như hàng tuần, HCM tổ chức cho những NĐT mới tới Việt Nam ghé thăm các DN niêm yết hàng đầu. Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HCM cho biết, với những người mới tới, phần hấp dẫn nhất về Việt Nam là câu chuyện tăng trưởng, dân số và tài nguyên vẫn còn sức thuyết phục. Các gương mặt mới có thể đóng vai trò thế hệ quỹ đầu tư thứ ba hay không, cần thời gian trả lời, nhưng chắc chắn họ đang theo dõi các DN, trông chờ các chuyển biến chính sách và tín hiệu vĩ mô.
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|