Thực trạng buồn của ngành quản lý quỹ nội địa
Không quảng cáo rầm rộ trên phương tiện truyền thông hay tổ chức roadshow giới thiệu hoàng tráng, Quỹ đầu tư tăng trưởng ACB (ACBGF) xuất hiện khá lặng lẽ. Sự ra đời của một quỹ đầu tư mới trong bối cảnh trượt dốc của thị trường là một nhân tố sáng. Thế nhưng, hiện tượng đơn lẻ này không khỏa lấp được triển vọng kém tươi sáng của ngành công nghiệp quản lý quỹ nội địa.
ACBGF có gì mới?
Đây là quỹ đại chúng nội địa thứ 6 được thành lập. Dù phạm vi phân phối chứng chỉ quỹ chỉ giới hạn trong hệ thống 12 chi nhánh của CTCK ACBS và hội sở chính, nhưng ACBGF cũng huy động thành công hơn 240 tỷ đồng trong 30 ngày. So với những quỹ trước đó, ACBGF có một số điểm khác biệt. Thứ nhất về thời gian, Quỹ có thời hạn 5 năm, bằng phân nửa so với VF1 và VF4, ngắn hơn mức 7 năm của PF1 và MF1. Thứ hai, giá phát hành 10.050 đồng/chứng chỉ quỹ được coi là khá "mềm" cho các NĐT góp vốn ban đầu so với mức 10.300 đồng trong các đợt phát hành tương tự trước đây. Thứ ba, NĐT có thể đặt mua số lượng tối thiểu 1.000 chứng chỉ quỹ, thấp nhất từ trước tới nay. Thứ tư, về phí quản lý, Ban điều hành ACBGF chỉ được hưởng mức phí khiêm tốn 0,5% tổng tài sản/năm, cạnh tranh hơn nhiều so với "chuẩn" 2%/năm của 5 quỹ đại chúng trước đó. Với nhiều điều khoản được coi là dễ chịu, 3 NĐT tổ chức và hơn 400 NĐT cá nhân đã góp vốn vào ACBGF.
Nhằm tạo thanh khoản, Đại hội NĐT lần đầu của ACBGF vào trung tuần tháng 7 vừa qua đã thông qua kế hoạch niêm yết chứng chỉ quỹ trên Sở GDCK TP. HCM. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc ACBGF cho hay, dù chưa nộp hồ sơ niêm yết, nhưng thời gian cụ thể dự định vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Các quỹ đại chúng trước đây hầu hết đều được thành lập và giải ngân tại các đỉnh cao của thị trường. Riêng ACBGF ra đời trong bối cảnh thị trường suy thoái mạnh, mở ra các cơ hội lớn cho đầu tư giá trị. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, chiến lược giải ngân của Quỹ sẽ hết sức thận trọng, do nguy cơ sụt giảm của thị trường vẫn có thể xảy ra.
Nhân tố tích cực
Tham vọng ban đầu của ACBGF là huy động 300 tỷ đồng. Thực tế, dù không đạt được cột mốc này, nhưng ACBGF thành công khi ra đời vào thời điểm niềm tin và sự quan tâm của NĐT dành cho các chứng chỉ quỹ niêm yết đang ở mức rất thấp: về thanh khoản, có những chứng chỉ quỹ chỉ được giao dịch vài lô/phiên, dù đang được bán đại hạ giá "rẻ hơn rau". Chưa hết, dù 1 - 2 năm tới mới đến thời hạn một số quỹ giải thể, nhưng thị trường vẫn đang dành cho các chứng chỉ quỹ một mức chiết khấu giá khá lớn, trung bình 40%.
Nhằm thay đổi và thu hẹp khoảng cách chiết khấu, cách đây hơn năm, VietFund đã giới thiệu Quỹ đầu tư năng động VFA theo mô hình hoạt động mới. Bên cạnh thời hạn hoạt động ngắn, điều lệ cho phép VFA trả cổ tức hàng năm làm nhiều đợt, tổng cộng có thể lên tới 50% lợi nhuận thực hiện. Về cơ chế vận hành, VFA sử dụng mô hình định lượng (Quant), được quảng cáo giúp Quỹ chọn các thời điểm ra vào thị trường tối ưu. Thế nhưng, làn gió mới mang tên "Quant" chưa mang lại hiệu quả nào. Các NĐT góp vốn vào VFA cách đây hơn 1 năm đang chịu mức lỗ trên sổ sách trên 20%, khi giá trị tài sản ròng (NAV) của mỗi chứng chỉ quỹ giảm xuống dưới 8.000 đồng. Điều đó chưa tệ bằng thị giá VFA hiện tại rơi xuống nửa mệnh giá, kéo theo mức lỗ tính theo giá thị trường trên 50%.
Không chỉ VFA, suốt từ năm 2007 tới nay, "vận đen" luôn bám theo các chứng chỉ quỹ bởi "lời nguyền chiết khấu": lên sàn, giá chứng chỉ quỹ tuột dốc, NĐT góp vốn ban đầu đều thua lỗ. Và khi khối NĐT tổ chức nội địa đang sa lầy, thì một tên tuổi mới toanh như ACBGF xuất hiện là một nhân tố tích cực. Thị trường không chỉ cần một, mà nhiều cú huých tương tự!
ACBGF cũng vừa tạo ra một khác biệt về phí quản lý và mức giá phát hành. Điều này hứa hẹn tạo ra một cuộc cách mạnh nhỏ thay đổi về phí quản lý quỹ thời gian sắp tới. Chắc chắn NĐT của 5 chứng chỉ quỹ niêm yết trước đó sẽ lưu ý sự khác biệt vừa xác lập và xới lên trong Kỳ họp Đại hội NĐT thường niên năm tới. Suy cho cùng, việc chia sẻ khó khăn giữa các nhà quản lý và NĐT góp vốn là hợp lý và nên làm.
Thách thức
Bản chất chứng chỉ quỹ là một sản phẩm đầu tư. Lựa chọn một công cụ đầu tư trung - dài hạn để giao dịch ngắn hạn có thể là một sai lầm của các NĐT nội địa bấy lâu nay. Sự thất vọng có thể là một trong các lý do khiến thị trường đang dành cho các chứng chỉ quỹ đóng mức chiết khấu cao như hiện nay. Điều này đúng, nhưng chưa lý giải hoàn toàn đầy đủ.
Phần hấp dẫn nhất thu hút NĐT móc hầu bao khi quỹ gọi vốn thường là câu chuyện "tiền của các NĐT nhỏ được quản lý bởi những người chuyên nghiệp". Vậy "sự chuyên nghiệp" ấy đã thể hiện như thế nào? Hầu hết các quỹ ra đời khi thị trường bùng nổ và giải ngân ở vùng đỉnh bị sa lầy. Sai lầm ấy tiếp tục lặp lại với một số quỹ mới thành lập gần đây. NAV của mỗi chứng chỉ quỹ là các con số nói lên tất cả: VF4 (hoạt động 3 năm) là 6.680 đồng, PRUBF1 (hoạt động 5 năm) là 8.190 đồng, MAFPF1 (hoạt động 4 năm) là 6.102 đồng, VFA (hoạt động 1 năm) là 7.854 đồng. Một số nhà quản lý quỹ biện minh rằng, hoạt động của quỹ vẫn chiến thắng thị trường. Nhưng đứng trên góc độ NĐT, góp vốn vào quỹ mong muốn cổ tức hay nhà quản lý xác lập các thành tích không mấy ý nghĩa trong thực tế?
Quỹ mở được kỳ vọng là một cứu cánh cho các quỹ đóng nội địa. Thế nhưng, chính sách luôn có độ trễ và sự nhỡ nhàng diễn ra khá thường xuyên. Năm 2013 là thời điểm một số quỹ nội địa đến thời hạn giải thể. Về nguyên tắc, các quỹ có thể đàm phán để kéo dài hoạt động. Nhưng với thành tích nghèo nàn hiện nay, liệu NĐT có muốn kéo dài? Vì vậy, gần như chắc chắn việc thanh hoán dần danh mục thường phải thực hiện sớm hơn, bắt đầu vào năm 2012. Với triển vọng không chắc chắn của TTCK, liệu một số quỹ có NAV đang thấp hơn mệnh giá có thể đạt tới điểm hòa vốn sau 5 - 7 năm hoạt động? Với thành tích kém cỏi này, loại trừ một số trường hợp đặc biệt, liệu có hy vọng nào kêu gọi NĐT bỏ vốn vào quỹ đại chúng mới thành lập sau khi các quỹ hiện nay giải thể? Quỹ mới mất đi, quỹ mới không xuất hiện, ngành quản lý nội địa đang đứng đối diện với tương lai màu xám.
Giang Thanh
đầu tư chứng khoán
|