Thứ Hai, 15/08/2011 13:54

Quỹ đầu tư ngoại: Kỳ vọng những “chồi non”

Thị trường suy giảm luôn đồng nghĩa với khó khăn của các quỹ đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để các quỹ mới chuẩn bị nhập cuộc đón bắt thời cơ.

Qua diễn biến giá cổ phiếu có thể phần nào hình dung được lỗ lãi của các quỹ đầu tư. Đầu tháng 1/2011, VN-Index dao động quanh mốc 480 điểm, nhưng đến nay, chỉ số này đã sụt giảm gần 100 điểm, hiện giao dịch quanh mức 385 điểm. Như vậy, giá bình quân của các chứng khoán niêm yết trên thị trường đã giảm tới 20% so với đầu năm.

Tuy nhiên, những giai đoạn nở rộ của dòng vốn đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường xuất hiện sau một giai đoạn khó khăn. Do đó, một số chuyên gia dự báo, khi thời kỳ khó khăn hiện nay đi qua, rất có thể, một thế hệ quỹ đầu tư mới sẽ hình thành và gia nhập thị trường Việt Nam để đón bắt những cơ hội mới.

Theo TS. Lê Văn Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, có thể tạm chia dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thành 3 giai đoạn: 1991 – 1996; 1997 – 2002 và từ 2003 đến nay.

Trong giai đoạn đầu, mặc dù Việt Nam chưa có thị trường chứng khoán, nhưng đã có 7 quỹ đầu tư được thành lập, với tổng số vốn huy động khoảng 400 triệu USD nhằm mục đích đầu tư tài chính vào Việt Nam. Trong số này, có 4 quỹ là quỹ đại chúng được niêm yết tại các thị trường tài chính lớn như  Anh, Ireland… Những tên tuổi đầu tiên được biết đến trong giai đoạn này là Vietnam Enterprise Investment Fund, Vietnam Fund, Vietnam Investment Fund, Beta Vietnam Fund, Templeton Vietnam Opportunities Fund…

Thời kỳ đầu, giá chứng chỉ của các quỹ đầu tư này trên các thị trường chứng khoán quốc tế luôn cao hơn giá trị tài sản ròng. Tuy nhiên, từ năm 1996 trở đi, giá chứng chỉ của 4 quỹ niêm yết đã sụt giảm mạnh và thường giao dịch thấp hơn gần 45% so với giá trị tài sản ròng.

Giai đoạn thứ 2 là những năm kinh tế thế giới chịu sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á. Tại Việt Nam, trong những năm 1998 – 2002, không những không có thêm quỹ đầu tư mới nào được thành lập, mà các quỹ thành lập trước đó cũng đua nhau rút vốn hoặc giảm quy mô hoạt động. Trong số 7 quỹ đã đầu tư tại Việt Nam trước đó, có tới 5 quỹ đã rút khỏi Việt Nam trong giai đoạn này, 1 quỹ thu hẹp quy mô đến 90%.

Giai đoạn thứ 3 ghi nhận sự trở lại của các quỹ đầu tư nước ngoài, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Theo số liệu thống kê của một tổ chức tài chính nước ngoài, tổng vốn đầu tư gián tiếp trong giai đoạn 2001 – 2006 ước khoảng 12 tỷ USD.

Rất nhiều tên tuổi lớn được thành lập trong giai đoạn này và vẫn tiếp tục hoạt động đến nay, như Mekong Capital, Vina Capital, IDG Venture Vietnam, PXP Vietnam Fund, DWS Vietnam Fund, Jaccar, KITMC, Golden Brigde, Blackhorse…

Mặc dù vậy, từ năm 2008 trở lại đây, kinh tế toàn cầu đã trải qua vài lần thăng trầm, khiến dòng vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài vào Việt Nam tuy cũng có thời điểm gia tăng, nhưng tốc độ đã chững lại hẳn so với thời kỳ đỉnh cao 2006 – 2007. Tuy nhiên, vẫn lác đác thêm vài quỹ đầu tư mới nhập cuộc trong giai đoạn này, như Vietnam Fund, VAM Vietnam Index Linked…

Theo các nhà quan sát, nhìn lại quá trình đầu tư của các quỹ nước ngoài vào Việt Nam, những giai đoạn bùng nổ thường xảy ra sau khi nền kinh tế (cả trong và ngoài nước) trải qua một giai đoạn khó khăn. Chẳng hạn, sau năm 1990 là thời kỳ Việt Nam vừa bắt đầu công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường. Hay giai đoạn sau 2003 là thời kỳ kinh tế thế giới phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế.

Chí Tín

đầu tư

Các tin tức khác

>   Khi chứng khoán gây ám ảnh (15/08/2011)

>   Nền kinh tế… một chân (15/08/2011)

>   15/08: Bản tin đầu tuần (15/08/2011)

>   Chứng khoán lao dốc, bạc tỷ 'đội nón' ra đi... (14/08/2011)

>   Khối ngoại đang chờ cơ hội thoát hàng? (14/08/2011)

>   Thị trường chứng khoán và nỗi lo thanh khoản (13/08/2011)

>   Thanh lọc DNNY để nâng cao chất lượng hàng hóa (12/08/2011)

>   Ngày 12/08: Khối ngoại "vơ vét" FPT (12/08/2011)

>   Chứng khoán chưa thể nằm trong danh sách được “cứu” (12/08/2011)

>   12/08: Bản tin 20 giờ qua (12/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật