Chứng khoán chưa thể nằm trong danh sách được “cứu”
Nhà nước có thể sẽ vì vấn đề an sinh xã hội, ngăn ngừa khả năng phá sản hàng loạt của DN mà quyết định nới tín dụng. Tuy nhiên, chứng khoán - kênh được đánh giá là phi sản xuất sẽ chưa thể có mặt trong danh sách được "cứu" lần này.
Cuối cùng, dự thảo Thông tư về việc NĐT nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam cũng "chốt" lại một điểm quan trọng. Đó là giữ nguyên tỷ lệ mua tối đa 30% vốn điều lệ cho NĐT nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam.
TTCK đón nhận tin này khá hờ hững dù cuối năm ngoái, không chỉ các ngân hàng mà Hiệp hội Các NĐT tài chính (VAFI) đã từng kiến nghị "nới" room cho NĐT nước ngoài tại các ngân hàng. Kiến nghị xuất phát từ diễn biến room tại nhiều ngân hàng đã chạm trần, trong khi nhu cầu huy động vốn quốc tế từ các tổ chức tín dụng vẫn rất lớn.
Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị chỉ là kiến nghị về nhiều vấn đề chứ không riêng câu chuyện nới room, các thành viên trên thị trường rút ra một kinh nghiệm: tốt nhất là không nên hy vọng nhiều. Lần này cũng thế, ông Michael Kokalari, Giám đốc Nghiên cứu - phân tích, CTCK Kim Eng Việt Nam cho rằng, dù dự thảo Thông tư được thông qua thì giá cổ phiếu ngân hàng sẽ không có gì thay đổi, vì hầu hết NĐT đều không kỳ vọng vào việc các quy định này sẽ được thay đổi sớm.
Trên thực tế, NĐT thờ ơ với câu chuyện nới room còn bởi trong cán cân cung -cầu cổ phiếu ngân hàng, phần chủ động đang thuộc về người mua. Sau hàng loạt động thái phát hành thêm cổ phiếu của các ngân hàng, điển hình như Vietcombank mới vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phát hành thêm 211 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2010, nguồn cung cổ phiếu ngân hàng trở nên dư thừa. Thống kê từ 2 Sở GDCK cho hay, riêng khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của 8 ngân hàng niêm yết đã hơn 7,8 tỷ CP, trong đó, room cho NĐT nước ngoài tại nhiều ngân hàng niêm yết như VCB, NVB, SHB, HBB, CTG vẫn còn rất lớn. Giới đầu tư nước ngoài không cần phải bon chen để sở hữu cổ phiếu ngân hàng. Câu chuyện nới room cổ phiếu ngân hàng trong thời điểm hiện tại đã không còn mang nhiều ý nghĩa.
Vấn đề room nước ngoài hiện không phải là mối bận tâm của giới đầu tư. Cái họ quan tâm là dòng tiền bao giờ trở lại với chứng khoán. Điều họ mong mỏi là tăng thanh khoản cho thị trường thông qua rút ngắn thời gian thanh toán, từ T+4, T+3 xuống T+2 và nếu được T+0 càng tốt. NĐT cũng rất ước ao, trật tự sẽ được lập lại trên thị trường và vấn đề minh bạch thông tin được chú ý thực sự. Tuy nhiên, cho tới lúc này, những trông đợi ấy, dù đã được giãi bày và được báo chí nói đến nhiều, lại gần như không được hồi đáp. Các nhà quản lý có lý do để trì hoãn và đưa ra những giải pháp thay thế như cho phép mở nhiều tài khoản, cho phép giao dịch cùng phiên, giảm 50% thuế chứng khoán…và nghĩ rằng, những điều này sẽ trấn an và giúp thị trường bớt ảm đạm. Nhưng đó không phải là điều NĐT cần. Thị trường đã không thể tươi sáng hơn sau những giải pháp này. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, chưa bao giờ TTCK xấu như bây giờ.
Trong khi tiếng gọi của vàng - đô đang trở nên hấp dẫn thì những tín hiệu của nền kinh tế cho thấy, dòng tiền vào chứng khoán khó có cơ tăng trở lại. Theo ông Phạm Xuân Anh, phụ trách Bộ phận Phân tích cơ bản, CTCK BIDV (BSC), Nhà nước có thể sẽ vì vấn đề an sinh xã hội, ngăn ngừa khả năng phá sản hàng loạt của DN mà quyết định nới tín dụng, nhưng vì lạm phát vẫn đang cao nên điều này nếu có xảy ra, cũng sẽ chỉ là sự "giang tay" có chọn lọc. Chứng khoán - kênh được đánh giá là phi sản xuất sẽ chưa thể có mặt trong danh sách được "cứu" lần này.
Biết rõ không thể hy vọng gì nên NĐT đành chọn giải pháp... thôi mong đợi.
Ngọc Thủy
đầu tư chứng khoán
|