Quỹ đầu tư chứng khoán châu Á mất 77 tỷ USD trong 11 ngày
(Vietstock) - Templeton Asian Growth, quỹ đầu tư lớn nhất châu Á do chuyên gia Mark Mobius quản lý, và South East Asia thuộc Fidelity Funds bị thiệt hại lớn nhất.
Các quỹ đầu tư chứng khoán châu Á mất 77 tỷ USD trong 11 ngày đầu tiên của tháng 8. Chịu tác động mạnh nhất là các quỹ đầu tư vào thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc do làn sóng bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu trước nỗi lo về tăng trưởng kinh tế Mỹ và khủng hoảng nợ châu Âu.
* Thị trường tiền tệ hút vốn từ chứng khoán
* Quỹ đầu tư thị trường mới nổi mất 7.7 tỷ USD trong một tuần
Theo số liệu của Thomson Reuters Lipper, công ty theo dõi quỹ đầu tư toàn cầu, các quỹ đầu tư vào Hàn Quốc và Trung Quốc mất tổng cộng 25.5 tỷ USD. Cụ thể, giá trị tài sản ròng (NAV) bình quân của các quỹ đầu tư vào cổ phiếu Hàn Quốc giảm 15%. Trong khi đó, NAV của các quỹ đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc giảm 10.4%.
Trong số các quỹ quản lý hơn 1 tỷ USD, các quỹ của Hàn Quốc bị thiệt hại nặng nhất. Cụ thể, trong số 10 quỹ có NAV sụt giảm mạnh nhất thì đã có tới 8 quỹ đầu tư vào nước này. Cổ phiếu mà 8 quỹ trên nắm giữ rớt tới 15% trong 11 ngày đầu tiên của tháng 8 do nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường chứng khoán để tìm kiếm các tài sản an toàn trước nỗi lo sợ về suy thoái.
Trong số các quỹ đầu tư vào Hàn Quốc thì JPMorgan Korea Trust Equity Class A, với tổng tài sản đang quản lý là 1.7 tỷ USD, bị tác động nặng nhất khi NAV giảm tới 19.26%. Tương tự, với tổng tài sản đang quản lý là 1.15 tỷ USD, Henderson China Opportunities Ret có NAV sụt giảm tới 13% trong 11 ngày đầu tháng 8, mức giảm mạnh nhất trong số các quỹ đầu tư vào Trung Quốc.
Trong cùng khoảng thời gian, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tương đương (trừ Nhật Bản) lao dốc 14.9%, chỉ số Tài chính MSCI châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) sụt 12%.
Theo số liệu của EPFR, nhà đầu tư đã rút khoảng 7 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư mới nổi trong tuần kết thúc ngày 10/08.
Mark Mobius không “cắt lỗ”
Việc đầu tư mạnh vào nhóm cổ phiếu năng lượng và tài chính, vốn là hai ngành bị bán tháo mạnh nhất, đã gây thiệt hại nặng cho các tập đoàn quản lý quỹ như Franklin Templeton và Fidelity.
Chịu tổn thất nặng nhất là Templeton Asian Growth, quỹ đầu tư lớn nhất châu Á do chuyên gia Mark Mobius quản lý. NAV của quỹ giảm 1.9 tỷ USD trong 11 ngày đầu của tháng này. Được biết, hiện Templeton Asian Growth đang quản lý 18.5 tỷ USD.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters Insider, Mark Mobius cho rằng nguyên nhân khiến NAV của quỹ sụt giảm là do đầu tư nhiều vào các cổ phiếu hàng hóa và dầu mỏ.
Được biết, tính đến cuối tháng 6, Templeton Asian Growth đầu tư 38.6% tài sản vào cổ phiếu ngành năng lượng, 28.6% vào cổ phiếu ngành nguyên vật liệu và ngân hàng.
Tuy nhiên, Mark Mobius cho biết ông không có kế hoạch “cắt lỗ” đối với cổ phiếu trong các ngành này.
Ông nói: “Những gì mà chúng tôi đang làm là mua thêm các cổ phiếu đã đầu tư. Khi giá cổ phiếu giảm, chúng tôi sẽ bổ sung thêm vào danh mục hiện tại. Chúng tôi không thay đổi chiến lược và sẽ tiếp tục đầu tư vào các cổ phiếu hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ, vì nhóm cổ phiếu này có thể được hưởng lợi từ những gì đang diễn ra”.
Trong khi đó, NAV của Quỹ South East Asia thuộc Fidelity Funds giảm 12.23% (tương đương 1.1 tỷ USD). Đây là quỹ đầu tư lớn thứ 3 tại châu Á với tổng tài sản đang quản lý là 8.8 tỷ USD do Allan Liu điều hành.
Tính đến cuối tháng 6, South East Asia đã đầu tư 45% danh mục của mình vào nhóm cổ phiếu tài chính và công nghệ thông tin.
Trong số 5 quỹ quản lý hơn 1 tỷ USD bị thiệt hại nặng nhất, First State Asia Pacific Leaders và Aberdeen Global - Asia Pacific Equity cùng mất hơn 800 triệu USD.
Phạm Thị Phước (Theo CNBC)
|