Đức bác đề nghị phát hành trái phiếu euro chung
Ngày 14.8, Bộ trưởng Kinh tế Italia Giulio Tremonti kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) cần xem kế hoạch phát hành trái phiếu chung bằng đồng euro như “giải pháp cốt yếu” trong nỗ lực phối hợp đối phó với cuộc khủng hoảng nợ.
Song, đề xuất này không nhận được đồng tình từ Đức - nền kinh tế đầu tàu của EU.
Ông Tremonti cho rằng, việc phát hành một trái phiếu chung sẽ giúp biến khoản nợ của các chính phủ riêng biệt trở thành “gánh nặng chung”, lối ra duy nhất cho khủng hoảng nợ tại Châu Âu hiện nay.
Tuyên bố của ông Tremonti được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Pháp - Đức tại Paris vào ngày 16.8, nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Song, ý kiến trên lập tức bị Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble bác bỏ, với lý do một trái phiếu như trên sẽ làm xói mòn nền tảng về đồng tiền chung, làm suy yếu các kỷ luật tài chính trong các quốc gia thành viên. “Tôi bác bỏ việc phát hành trái phiếu euro chung chừng nào các quốc gia thành viên còn thực hiện các chính sách tài chính của riêng họ. Chúng ta cần có tỉ lệ lãi suất khác nhau, từ đó có các phương án để đạt được sự vững chắc tài chính” - ông nói.
Theo kết quả thăm dò trên tờ Bild của Đức, 31% người Đức tin rằng đồng euro sẽ biến mất vào năm 2021. Hôm 13.8, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã thông báo kế hoạch cắt giảm chi tiêu trị giá 20 tỉ euro vào năm 2012 và thêm 25,5 tỉ euro trong năm tiếp theo nhằm đưa ngân sách trở lại cân bằng vào năm 2013.
Các biện pháp này bao gồm việc áp khoản thuế đặc biệt đối với thu nhập trên 90.000 euro, áp thuế cao hơn đối với thu nhập từ đầu tư tài chính, song song với cắt giảm chi tiêu chính phủ, đặc biệt là giảm cơ số chính trị gia địa phương. Đây là điều kiện mà Ngân hàng Trung ương Châu Âu đưa ra để đổi lại việc mua trái phiếu Italia nhằm chặn nguy cơ vỡ nợ cho quốc gia này.
P.T (Theo Reuters)
Lao động
|