Thị trường vàng, chứng khoán thế giới: Chặn bàn tay đầu cơ, thao túng
Các biện pháp ngăn chặn giới đầu tư và đầu cơ thao túng thị trường đã đem lại những hiệu quả nhất định. Trong phiên giao dịch cuối tuần, thị trường chứng khoán toàn cầu ổn định trở lại, giá vàng tiếp tục đà giảm mạnh.
Theo Reuters, việc bốn quốc gia Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ tạm cấm bán khống cổ phiếu đã giúp thị trường chứng khoán các nước châu Âu tăng khoảng 3,6%. Giá cổ phiếu các ngân hàng khu vực đã gượng dậy. Trên sàn giao dịch New York, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq cũng tăng khoảng 1%. “Các thị trường đã ổn định trở lại sau lệnh cấm bán khống cổ phiếu” - Reuters dẫn lời chuyên gia Colin McLean, giám đốc Hãng SVM Asset Management. Bán khống cổ phiếu là hình thức vay cổ phiếu để bán khi giá cao và mua vào lúc giá giảm, là một nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán toàn cầu giảm thảm hại trong những ngày qua.
Trong khi đó, thị trường hàng hóa kỳ hạn lớn nhất thế giới CME Group đã nâng mức ký quỹ giao dịch vàng lên 22% để ổn định thị trường vàng. Điều đó có nghĩa các tay đầu cơ phải ký quỹ tối thiểu 7.425 USD tiền mặt cho mỗi giao dịch 100 ounce vàng thay vì mức cũ 6.075 USD. “Việc cổ phiếu tăng giá và việc mức ký quỹ bị nâng lên đã đẩy giá vàng giảm xuống - Hãng Bloomberg dẫn lời chuyên gia Matthew Zeman thuộc Hãng Kingsview Financial - Các nhà đầu tư đang chờ đợi thị trường vàng điều chỉnh sâu hơn trước khi mua trở lại”.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá kim loại quý tiếp tục chiều hướng giảm. Giá vàng giao tháng 9 giảm 3,6%, xuống còn 1.747,8 USD/ounce. Trước đó đã có lúc giá vàng tăng lên tới mức kỷ lục 1.817,6 USD/ounce. Giá bạc cũng hạ 1,7% xuống còn 38,669 USD/ounce. Tạp chí Forbes dẫn lời một số nhà kinh tế dự báo giá vàng thế giới có thể tiếp tục giảm trong tuần tới, xuống quanh mức 1.675 USD/ounce. Dù vậy, một số khác cho rằng nhu cầu đầu tư vào vàng để đảm bảo an toàn vẫn rất lớn trong tình cảnh khủng hoảng châu Âu có chiều hướng trở nên tồi tệ hơn, do đó giá vàng có thể tăng trở lại.
Trên thực tế, tình hình thị trường thời gian tới vẫn còn rất nhiều biến động. “Sự bất ổn sẽ tiếp tục kéo dài - báo New York Times dẫn lời chiến lược gia chứng khoán Scott Wren của Hãng tư vấn Wells Fargo Advisors - Khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ không biến mất. Nợ và thâm hụt ngân sách Mỹ sẽ không biến mất”. Trước đó, thị trường chứng khoán đã sụt giảm mạnh khi có tin đồn Pháp có thể bị hạ định mức tín nhiệm.
Và tin xấu từ Pháp tiếp tục lan đi. Mới đây Pháp thông báo nền kinh tế gần như không tăng trưởng trong quý 2-2011. Quý 1 GDP Pháp cũng chỉ đạt vỏn vẹn 0,9%. Như vậy, áp lực đánh mất định mức tín nhiệm AAA càng tăng cao đối với Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, bởi với mức tăng trưởng 0%, Paris rất khó cắt giảm nợ công và thâm hụt ngân sách. Các ngân hàng Pháp cũng đang ngồi trên lửa khi ôm quá nhiều trái phiếu của các nước đang có nguy cơ vỡ nợ như Ý, Tây Ban Nha, Hi Lạp...
Giới chuyên gia dự báo nền kinh tế Đức cũng sẽ tăng trưởng chậm lại do xuất khẩu sang Pháp, đối tác thương mại lớn nhất của Đức, sụt giảm. “Những nền kinh tế chủ chốt của châu Âu là những nước thúc đẩy tăng trưởng khu vực. Việc một nước như vậy tăng trưởng 0% là rất đáng lo ngại” - New York Times dẫn lời nhà kinh tế Jens Sondergaard thuộc Tập đoàn Nomura. Mới đây Hi Lạp cho biết đã suy thoái 6,9% trong quý 2-2011. Dự báo nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro chỉ tăng vỏn vẹn 0,3% trong năm 2011. Ở châu Á, Nhật cũng thông báo đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2011 từ 1,5% xuống còn 0,5%.
Theo AFP, mới đây Chính phủ Ý đã thông qua kế hoạch cắt giảm ngân sách 65 tỉ USD trong vòng hai năm tới. Theo chương trình thắt lưng buộc bụng này, chính quyền Thủ tướng Silvio Berlusconi sẽ tăng thuế đánh vào lợi nhuận từ việc bán các khoản đầu tư hoặc tài sản từ 12,5% lên 20%, tăng thuế thu nhập đối với người giàu, hủy một số ngày lễ không mang tính tôn giáo... Chính quyền trung ương cũng cắt giảm 13,5 tỉ USD chi tiêu của chính quyền các địa phương, đồng nghĩa với việc hơn 50.000 việc làm ở các chính quyền địa phương sẽ bị cắt giảm. Lương của các chính khách cũng sẽ giảm, các nghị sĩ quốc hội sẽ phải đi máy bay hạng thường thay vì hạng sang.
Nhiều nước rục rịch giảm giá xăng
Việc dầu thô liên tục giảm giá từ mức 100 USD/thùng xuống còn dưới 85 USD/thùng trong nhiều ngày qua đã khiến hàng loạt quốc gia xem xét giảm giá xăng bán lẻ.
Theo trang Nasdaq.com, giá xăng tại Mỹ đã giảm từ mức kỷ lục 3,97 USD/gallon (1 gallon tương đương 3,785 lít) hồi tháng 5 còn 3,62 USD/gallon, có thể sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 3,50 USD/gallon trong tuần tới. Ở Pháp, Bộ Công nghiệp cho biết giá xăng sẽ giảm 10-15 cent euro/lít. Theo India Times, chính quyền Ấn Độ cũng sẽ ra lệnh giảm giá xăng lần đầu tiên trong vòng hai năm rưỡi qua vào tuần tới. China Post cho biết giá xăng và dầu diesel ở Đài Loan sẽ giảm 0,5 và 0,6 đôla Đài Loan từ tuần tới. |
Sơn Hà
tuổi trẻ
|