Thứ Sáu, 26/08/2011 21:04

Những giấc ngủ “li bì” trên thị trường chứng khoán

Bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ nhiên viên giao dịch của công ty chứng khoán cho biết mình có hơn 18 triệu đồng trong tài khoản để từ hồi đầu năm tới giờ, chị Thanh Thủy (Long Biên, Hà Nội) thất thần nhớ ra mình còn một số cổ phiếu trong tài khoản.

Chị Thủy tỏ ra khá lúng túng vì đinh ninh mình vẫn còn 600 cổ phiếu SSI, bởi thời điểm tháng 1/2011 chị có đặt lệnh bán hết số chứng khoán SSI, nhưng sau đó thông báo nhắn tin qua điện thoại của công ty chứng khoán cho biết lệnh của chị không thành công.

Khá bất bình về thông tin vừa nhận được và ban đầu chị cũng định làm cho ra nhẽ, tại sao số cổ phiếu của mình đã bị chuyển sang trạng thái tiền mặt. Nhưng khi cô nhân viên trên an ủi lệnh bán của chị khi đó đã thành công với mức giá 29.700 đồng/cổ phiếu nếu đem so với mức giá 19.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay thì quả là có lời, chị Thủy dịu đi và tới công ty chứng khoán rút hết tiền ra ngay ngày hôm sau.

Mặc dù biết mình gặp may trong hoàn cảnh hi hữu này, nhưng chị Thủy cũng rất buồn và than thở: Cuối năm 2007, chị đã chót mua số cổ phiếu SSI ở mức giá 97.000 đồng cổ phiếu và sau đó thị trường chứng khoán quay đầu lao dốc không phanh, mã chứng khoán này mặc dù là một blue-chip song cũng không thoát ra khỏi tình thế bi đát chung.

Quá chán nản, chị Thủy dường như cố quên đi số cổ phiếu trên và chờ đợi một ngày nào đó nó sẽ phục hồi như mức giá đã mua. Nhưng càng chờ đợi càng thất vọng, cuối cùng chị Thủy chấp nhận sự thất bại của mình và quyết định đặt lệnh bán, nhưng khi nhận được thông báo không bán được, chị đành cho số cổ phiếu đó vào vùng lãng quên lâu dài.

“Nếu biết có 18 triệu đồng tôi đã rút ngay từ hồi đó rồi, tưởng không bán được nên tôi đành chấp nhận treo số chứng khoán đó trong tài khoản, chứ với điều kiện kinh tế không dư giả như tôi khoản tiền trên cũng khá quan trọng. Chẳng dại gì mà tôi ngâm số tiền đó nằm chết lâu như vậy,” chị Thủy nói.

Trên thị trường chứng khoán, hoàn cảnh của chị Thủy không phải là cá biệt. Nhiều nhà đầu tư nhỏ bị cuốn vào “cơn lốc” tại thời điểm 2006, 2007 với niềm tin thị trường chứng khoán là “gà đẻ trứng vàng”, nhưng cuối cùng không ít người trong số họ đã trở thành người đến sau và hứng chịu “bão” của thị trường. Do không có kinh nghiệm đầu tư, một số người không giám cắt lỗ và cứ thế càng để càng mất, thậm chí là khi thị trường hồi phục trở lại họ cũng không giám bán vì hy vọng giá của cổ phiếu sẽ có ngày tăng lại như mức giá đã mua.

Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư mua chứng khoán trên thị trường niêm yết thì vẫn có thể vớt vát một ít tài sản nhờ vào tính thanh khoản của thị trường, còn đối với các nhà đầu tư chót mua cổ phiếu trên sàn OTC thì phần đông phải rơi vào hoàn cảnh muốn bán cũng không được thể bán được.

Anh Nguyễn Xuân Đồng (Thanh Xuân, Hà Nội) đã từng bán chiếc ô tô là tài sản duy nhất của mình để làm vốn tham gia vào thị trường chứng khoán. Thời điểm thị trường chứng khoán tăng đỉnh điểm, mua cổ phiếu trên sàn rất khó khăn vì giá nhất loạt cùng cổ phiếu tăng trần liên tục, nên anh Đồng đã cùng một số bạn bè trong cơ quan quay sang mua cổ phiếu trên sàn OTC và kỳ vọng sẽ thu về những khoản lợi nhuận kếch xù do thị trường tự do không bị khống chế biên độ giá mỗi phiên.

Song cũng vì vậy, anh Đồng và những người thân trong gia đình đã bị mắc kẹt mấy chục nghìn cổ phiếu của Công ty cổ phần Thủy điện Quế Phong, Công ty Thủy điện Cửa Đạt (VCP)... gần 5 năm nay do thị trường tự do mất thanh khoản.

“Có ai mua đâu mà bán, chiếc ô tô biến thành đống giấy và không biết tôi còn phải chờ đợi đến khi nào. Thôi cứ quên đi cho đỡ mệt mỏi,” anh Đồng nói.

Chị Ngân Anh cũng có một “giấc ngủ li bì” trên thị trường chứng khoán, khi mà 4.000 cổ phiếu của Công ty cổ phần Mai Linh Đông Bắc Bộ (MaiLinhBacBo) với xuất mua ngoại giao có mức giá ưu đãi là 29.000 đồng/cổ phiếu, giờ chỉ còn rao bán với mức giá phổ biến 6.000 đồng/cổ phiếu, nhưng giao dịch cũng không phải là dễ dàng!

Theo tâm sự của chị Ngân Anh, lần duy nhất chị được người bạn đầu tư chung thông báo số chứng khoán chị sở hữu được nhận 4 triệu đồng cổ tức và 400 cổ phiếu chia thưởng, rồi những năm sau này thì chị hoàn toàn không nhận được thông tin gì về “mớ” cổ phiếu trên.

“Một người thân của tôi cũng đang nắm giữ khá nhiều cổ phiếu chót mua trên thị trường OTC nói rằng, tôi là người may mắn vì ít ra cũng nhìn thấy xe taxi Mai Linh hàng ngày chạy trên đường và biết rằng công ty đó vẫn đang tồn tại, chứ cô ấy còn không thể biết những công ty mà mình đang có một phần sở hữu giờ sống chết ra sao bởi sợi dây thông tin cuối cùng là website công ty cũng không hoạt động,” chị Ngân Anh nói.

Câu chuyện chị Ngân Anh kể tưởng như hài ước, nhưng thực tế nó lại đang xảy ra. Nhiều ông chủ của các công ty đại chúng chưa niêm yết lâu nay không hề biết đến tài sản của mình giờ ra sao và họ đành lòng quên lãng chúng với tâm trạng xót xa như vừa trải qua một canh bạc dài mà vận "đen" vẫn đeo bám dai dẳng./.

Linh Chi

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Nhìn lại 10 vụ bê bối trên sàn chứng khoán (26/08/2011)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ, nước ngoài bán IME (26/08/2011)

>   Công ty chứng khoán: Lách luật để tồn tại? (26/08/2011)

>   Ngày 26/08: MSN và VIC chiếm hơn 1/2 mức tăng của VN-Index (26/08/2011)

>   Nhà đầu tư ngóng việc miễn thuế chứng khoán được thực thi (26/08/2011)

>   Ngao ngán cổ phiếu FDI (26/08/2011)

>   Thủ đoạn lũng đoạn thông tin kiểu mới (26/08/2011)

>   26/08: Bản tin 20 giờ qua (26/08/2011)

>   DVD: Ém thông tin để “thoát” cổ phiếu từ tháng 5/2011? (25/08/2011)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ, PFV giao dịch sôi động (25/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật