Chủ Nhật, 14/08/2011 21:23

Nhà đất Hà Nội vẫn trầm lắng

Giới kinh doanh nhà đất dự báo nhiều năm nữa, thị trường bất động sản tại thủ đô Hà Nội mới sôi động trở lại

Thông tin đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (quy hoạch chung) trước và sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt liên tục được quan chức Bộ Xây dựng cho rằng sẽ tạo ra cú hích đối với thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội. Tuy nhiên, sau nửa tháng có quy hoạch chung, tình hình thị trường BĐS Hà Nội vẫn không đột biến, thậm chí giá vẫn đang tiếp tục xuống và giao dịch gần như “đóng băng”.

Chỉ đi xem, không giao dịch

Thâm nhập các điểm “nóng” BĐS ở thủ đô như Hòa Lạc (Thạch Thất); Mỗ Lao, Văn Khê, Dương Nội, trục đường Lê Văn Lương… - quận Hà Đông; Mỹ Đình, Mễ Trì, Xuân Phương… của huyện Từ Liêm; huyện Hoài Đức…, chúng tôi nhận thấy sự ế ẩm, vắng lặng của các văn phòng nhà đất, còn các dự án thì thưa hẳn khách đến xem so với giai đoạn đầu năm. Đại diện văn phòng BĐS Hòa Lạc tỏ ra bi quan cho biết thị trường vẫn trầm lắng như vài tháng gần đây, chẳng có bất kỳ tín hiệu khởi sắc nào.

Người dân đi xem quy hoạch chung Hà Nội

Bà Lê Thị Lan Anh, Phó Chủ tịch Thường trực CLB BĐS Hà Nội, cho biết đến thời điểm này vẫn hưa thấy biểu hiện tích cực nào cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo bà Anh, so với cách đây 1-2 tháng, số lượng khách hàng đi xem một số dự án sắp bàn giao như dự án Vân Canh ở huyện Từ Liêm, Hoài Đức hay làng Việt kiều châu Âu ở quận Hà Đông đã nhiều hơn nhưng việc giao dịch hay trả giá gần như không có.

Hơn nữa, hiện đang là tháng 7 âm lịch (tháng “cô hồn”) nên nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu mua nhà đất hầu như không muốn giao dịch dù giá có xuống tới đáy. Nguyên nhân trầm lắng nhà đất, theo phân tích của bà Anh, còn do sự “giằng co” giữa người bán và người mua: người bán không muốn lỗ thêm, còn người mua chờ người bán xuống giá nữa. “Quan trọng hơn là đầu ra chưa thấy nên rất khó cho nhà đầu tư bỏ vốn” – bà Anh nhìn nhận.

Thời “hoàng kim”: Chờ 4-5 năm!

Ông Phạm Công Thành nhận xét do bị chôn vốn ở một số dự án trước, cộng với xu thế “giằng co”, chính sách tín dụng bị thắt chặt, nhất là ảnh hưởng từ thông tin không khả quan của tín dụng BĐS Mỹ, làm cho tâm lý nhà đầu tư cẩn trọng hơn. Ông Thành cho rằng do mức lãi chỉ còn trên dưới 5 triệu đồng/m2 so với giá gốc, thậm chí bán bằng giá chưa kể tiền chênh lệch nên bị lỗ lớn, nhiều nhà đầu tư vẫn bám trụ, không xả hàng thu hồi vốn.

Ông Thành dẫn ví dụ dự án khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông đang xuống giá tới 10% nhưng vẫn không thu hút được khách hàng. “Nhà đầu tư chung cư thì thua lỗ lớn. Ở nhiều dự án trên trục Lê Văn Lương kéo dài (khu vực quận Hà Đông), nhà đầu tư còn rao bán dưới giá gốc nhưng vẫn không có ai mua. Trước đó, nhà đầu tư phải mua chênh lệch 2 triệu đồng/m2 so với giá gốc” – ông Thành than thở.

Còn ông Đỗ Thăng Long, cán bộ dự án của Tập đoàn BĐS Colliers International Việt Nam, nhận định để tháo “quả bom” BĐS cần phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông Long phân tích hiện đến hơn 90% giao dịch BĐS là từ các nhà đầu tư, chỉ có một phần rất nhỏ là nhu cầu ở thực sự, do vậy nguồn vốn vay ngân hàng để làm khơi thông thị trường BĐS là yếu tố số 1. Trong khi đó, hầu hết nhà đầu tư đang bị “chôn” vốn ở rất nhiều dự án mà giá đang xuống, thị trường lại trầm lắng nên không thể xả hàng.

Theo ông Long dự báo, để thị trường BĐS Hà Nội sôi động trở lại, tối thiểu cũng phải 4-5 năm nữa vì điểm vướng mắc nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn mà điều này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tín dụng ngân hàng. “Hiện nay, thị trường chứng khoán sẽ là ưu tiên số 1 để ngân hàng nhảy vào giải cứu, sau đó mới đến nhà đất nên còn tiếp tục phải chờ” – ông Long phân tích.

Khẩn trương hoàn thành quy hoạch

Hai tuần sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thành 17 đồ án quy hoạch trong quý II/2012. Đồng thời khẩn trương lập, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy chế quản lý các quy hoạch: kiến trúc đô thị, phân khu, hạ tầng kỹ thuật đô thị, đô thị vệ tinh, chi tiết....; nghiên cứu, đề xuất tổ chức lập quy hoạch đô thị vệ tinh Sóc Sơn, Phú Xuyên, các đô thị sinh thái, thị trấn; các trục đường cần tập trung quy hoạch chi tiết để quản lý đầu tư theo quy hoạch như: Nhật Tân - Nội Bài, trục Hồ Tây - Ba Vì, trục Bắc Thăng Long - Nội Bài, Cổ Loa - Hồ Tây, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng…

Ngọc Hạ

Người lao động

Các tin tức khác

>   Nhà đất trong tầm ngắm nhà đầu tư nước ngoài (14/08/2011)

>   Những dự án “đầu voi, đuôi chuột” (13/08/2011)

>   Tranh chấp mua nhà chung cư: Khách hàng ‘cầm dao đằng lưỡi’ (13/08/2011)

>   Đà Nẵng: Thanh tra 36 dự án bất động sản du lịch (13/08/2011)

>   TGĐ Coldwell Banker Việt Nam: Khó khăn sẽ giúp thị trường BĐS tự sàng lọc (12/08/2011)

>   Hàng loạt dự án công khai niêm yết giá bán nhà bằng USD (12/08/2011)

>   Bất động sản TP.HCM: 80% là có thể phục hồi? (12/08/2011)

>   Nghị định 69: Bán hàng khi chưa tính được giá thành (11/08/2011)

>   Bắc Ninh xin xây sân golf (11/08/2011)

>   Nhà đầu tư nước ngoài thống lĩnh thị trường BĐS: Khó mà dễ! (11/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật