Hàng loạt dự án công khai niêm yết giá bán nhà bằng USD
Để kiểm tra các dự án niêm yết giá bán nhà bằng USD, các cơ quan chức năng không mất nhiều thời gian. Thế nhưng, việc các dự án vẫn ngang nhiên niêm yết bán nhà bằng USD phải chăng công tác quản lý đang có vấn đề?!
Những tưởng sau vụ chủ đầu tư dự án Tòa nhà hỗn hợp Hattoco ở Mỗ Lao (Hà Đông – Hà Nội) bị Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi” hồi cuối năm 2010 khi hàng trăm khách hàng khiếu nại chủ đầu tư quy đổi giá bán căn hộ từ tiền Việt sang USD lúc tỷ giá đang leo thang và buộc phải điều chỉnh hợp đồng mua bán nhà bằng VNĐ sẽ là sự cảnh tỉnh cho các chủ dự án khác không tái phạm.
Cùng với đó, pháp lệnh ngoại hối đã quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối…
Nào ngờ, hàng loạt dự án vẫn ngang nhiên, công khai niêm yết giá bán bằng USD như: dự án Keangnam Landmark Tower chào bán 2.900 USD/m2, dự án Indochina Plaza Hanoi (Xuân Thủy, Cầu Giấy) niêm yết giá 2.800 - 3.000 USD/m2, dự án Mulbery Lane, Sky City Tower (ở Hà Đông) từ 1.800 - 2.300 USD/m2, dự án Richland Southern giá chào bán cũng 1.700 USD/m2….
|
Dự án Keangnam Landmark Tower là một trong số những dự án công khai giá bán bằng USD. |
Nhiều chủ đầu tư đã tìm cách “lách luật” bằng cách niêm yết giá bán bằng VNĐ, nhưng lại đi kèm quy định giá bán thay đổi theo tỷ giá USD mà thực chất vẫn là bán nhà bằng ngoại tệ. Và khi hành vi này không bị xử lý nghiêm, thì thiệt thòi sẽ thuộc về người mua nhà, do giá nhà luôn trong tình trạng tăng giá bởi biến động tỷ giá luôn có chiều hướng tăng.
Điển hình là việc hàng trăm khách hàng mua căn hộ chung cư ở dự án Việt Kiều Châu Âu Euroland hiện vẫn đang khiếu nại với chủ đầu tư là Cty TSQ Việt Nam khi bỗng dưng phải nộp thêm khoản tiền lên tới hàng trăm triệu khi biến động tỷ giá. Mặc dù, trong hợp đồng ký kết được chủ đầu tư niêm yết giá bán bằng đồng VNĐ nhưng quy định thay đổi mức thanh toán bằng đồng VNĐ dựa trên cơ sở đồng USD để tham chiếu giá bán căn hộ.
Công tác quản lý có vấn đề?
Theo giải thích của các đơn vị kinh doanh BĐS, việc niêm yết giá bán nhà bằng USD sẽ khiến dự án tránh được rủi ro tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, nhất là đối với những dự án có tỷ lệ vật liệu nhập khẩu cao. Chính vì điều này nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt vài chục triệu đồng, cố tình chây ỳ không chịu niêm yết lại giá bán bằng VNĐ. Rõ ràng, làm như thế là có lợi cho chủ đầu tư, còn người mua nhà thì lại phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là khi chủ đầu tư chậm tiến độ.
Trước vấn nạn này, tại một hội nghị hướng dẫn chính sách pháp luật về nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quy định, các giao dịch mua bán ở tất cả các lĩnh vực xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam thì phải được giao dịch bằng VNĐ, thanh toán bằng VNĐ. Như vậy, doanh nghiệp đang lách luật, do đó người mua nên thỏa thuận thẳng thắn với người bán, nếu thuận thì mua, bởi nếu USD lên thì người mua thiệt, nhưng nếu USD giảm thì người bán thiệt.
Thứ trưởng khuyến cáo, doanh nghiệp kinh doanh BĐS rất khôn ngoan, thường đẩy rủi ro về phía người mua. Vì thế, để tránh thiệt thòi, người mua cần xem kỹ các điều khoản hợp đồng, giá trị và thỏa thuận trước khi ký hợp đồng.
Tuy nhiên, dư luận thắc mắc rằng, để kiểm tra các dự án niêm yết giá bán nhà bằng USD, các cơ quan chức năng không mất nhiều thời gian. Thế nhưng, việc các dự án vẫn ngang nhiên niêm yết bán nhà bằng USD phải chăng công tác quản lý đang có vấn đề?!
Nguyễn Lê
Lao động
|