Lại chạy đua xin bổ sung sân golf
Các địa phương đòi đưa thêm 42 sân golf vào hệ thống quy hoạch sân golf quốc gia đến năm 2020, song, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chỉ trình Chính phủ tăng thêm 28 sân. Trong số này vẫn có 4 sân có đất trồng lúa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đây là phương án 3 được Thủ tướng chấp thuận sau khi bộ này trình 3 phương án điều chỉnh quy hoạch sân golf. Theo đó, Bộ KH&ĐT sẽ rút 3 sân trong danh mục cũ, bổ sung 28 sân mới, đưa tổng số sân golf trong quy hoạch quốc gia lên 115 sân.
Đây sẽ là lần điều chỉnh tổng thể duy nhất, và quy hoạch sân golf sẽ là quy hoạch cứng tới năm 2020.
Thu nhỏ rồi lại phình to
Năm 2009, quy hoạch sân golf đến năm 2020 ra đời theo quyết định 1946 của Thủ tướng được coi là một thành công lớn vì đã loại bỏ tới 76 sân golf, chốt gọn chỉ còn 90 sân, thu hồi được 15.600ha đất các loại.
Nhờ đó, diện tích đất lúa do sân golf chiếm dụng từ 28% đã giảm xuống chỉ còn 2%, hoàn toàn không có đất lúa 2 vụ. Đất lâm nghiệp có rừng chủ yếu được sử dụng cho mục đích du lịch sinh thái của nhiều sân golf chiếm 97%, chỉ có 3% đất rừng tương đương khoảng 68ha chuyển sang mục đích khác. Ngoài ra, 90 sân golf này cũng có tới 41% diện tích, tức 7.200ha đất trống đồi núi trọc, đất ven biển, đất đầm lầy...
Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, sau khi rà soát lại, tổng số dự án sân golf thực tế hóa ra lại phình to lên thành 132 dự án. Trong số các dự án mới phát sinh, có 5 dự án đã được cấp phép từ trước khi có Quyết định 1946 ban hành.
Bất chấp các điều khoản siết chặt việc cấp phép sân golf, lĩnh vực đầu tư này vẫn hấp dẫn tới mức các tỉnh tiếp tục đua nhau mở rộng. Tính tới 20/7, vẫn có tới 19 tỉnh, thành xin bổ sung 42 dự án sân golf mới vào quy hoạch tới năm 2020. Điển hình, các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ xin thêm 3 sân, Thanh Hóa, Khánh Hòa xin thêm 4 sân, Kiên Giang đề nghị mở thêm 5 sân. Trong đó, có 5 dự án chiếm dụng đất lúa với diện tích từ 4,5- 9ha/sân.
Báo cáo thường trực Chính phủ lần thứ nhất hồi tháng 5 về vấn đề này, Bộ KH&ĐT cho biết trong số sân golf phát sinh này có tới 27 dự án được đánh giá là không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt.
Mặc dù vậy, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng ý kiến chính thức, chỉ xin loại 15 dự án của các tỉnh, duyệt 28 dự án mới vào quy hoạch bổ sung. Nói cách khác, đề xuất của Bộ này dường như đã hợp thức hóa cả những sân golf không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất như nhận định trước đó.
Lý giải về sự co lại rồi giãn ra như vậy, Bộ KH&ĐT cho biết, Thủ tướng đã đồng ý điều chỉnh quy hoạch sân golf theo hướng cho bổ sung thêm các sân mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải đảm bảo điều kiện Bộ cần rà soát, kiểm tra lại một cách chặt chẽ các dự án, tránh tình trạng quy hoạch treo hoặc gây lãng phí trong sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp, đất lúa, nguồn nước.
Báo cáo Thủ tướng, Bộ KH&ĐT khẳng định đã cân nhắc kỹ cả về yêu cầu trước mắt và lâu dài, có dự báo đến nhu cầu phát triển tất yếu của loại hình thể thao đặc biệt này. Đồng thời, việc mở rộng quy hoạch sân golf này có gắn với việc quản lý tốt quỹ đất, lợi ích đầu tư của dự án đối với xã hội và dư luận về việc xây dựng sân golf. Đặc biệt, phải tuân thủ đúng tiêu chí về điều kiện hình thành sân golf theo Quyết định 1946, như tuyệt đối không sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất khu công nghiệp...
Sàng lọc chưa kỹ
Tuy nhiên, khi xem kỹ lại danh mục 28 sân golf mới mà Bộ KH&ĐT đề xuất thì thấy, việc sàng lọc của bộ này vẫn chưa kỹ như báo cáo.
Theo đó, có 4 sân golf vẫn chiếm dụng đất lúa với diện tích không nhỏ. Cụ thể là sân golf Yên Bình, 36 lỗ tại Thái Nguyên và sân golf tại Khu đô thị Nam Sơn - Hạp Lĩnh, mỗi sân có 4,5 ha đất lúa. Sân golf Long Sơn, Thái Nguyên chiếm khoảng 4,6 ha đất lúa. Đặc biệt, sân golf Thanh Thủy, 36 lỗ của Phú Thọ chiếm tới 9 ha đất lúa.
Trao đổi với PV Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet, ông Hoàng Ngọc Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay, nếu so với tổng diện tích toàn bộ dự án, phần đất lúa này trung bình chỉ chiếm từ 2-4% và đều là đất lúa 1 vụ. Song so với tiêu chí "tuyệt đối không có đất lúa" thì vẫn không đạt. Trước đây, Quyết định 1946 của Thủ tướng có cho phép dự án sân golf chiếm một tỷ lệ rất nhỏ đất lúa 1 vụ nhưng này thì không được.
"Do đó, sau khi trình Thủ tướng, chúng tôi cũng nhận được ý kiến chỉ đạo của Chính phủ là phải loại bỏ các dự án sử dụng đất lúa", ông Phong nói.
Tuy nhiên, ông Hoàng Ngọc Phong lưu ý rằng, việc nhìn nhận vấn đề phát triển sân golf cần đi vào thực chất và khách quan hơn. Trước đây, Bộ rà soát, thu lại 76 sân vì đó là những dự án chiếm dụng quá nhiều đất lúa. Có trường hợp, một tỉnh có tới tận 13 dự án sân golf. Đó mới gọi là sự phát triển ồ ạt, tràn lan.
Hiện nay, việc điều chỉnh quy hoạch này là dựa trên nhu cầu chính đáng từ các địa phương. Các sân golf đã đi vào hoạt động đều nằm là điểm nhấn, có tiềm năng phát triển du lịch cao. Ngoài ra, các dự án trong tương lai lại chủ yếu sử dụng đất cát, đất hoang hóa, đồi trọc, kết hợp du lịch sinh thái... cho thấy, các tỉnh đều tính hiệu quả thu được khi có dự án này.
Cũng trong đợt rà soát này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư quyết định rút 3 dự án sân golf ra khỏi quy hoạch do không đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện đầu tư. Cụ thể, đó là dự án sân golf Yên Lập, 27 lỗ tại Quảng Ninh, diện tích 165ha cần thu hồi giấy phép, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, dự án sân golf nằm trong khu du lịch biển Bình Thuận (62ha) vướng khai thác cát đen và dự án sân golf thuộc khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Á - Lăng Cô - Huế - Việt Nam tại Thừa Thiên Huế (115,9ha). Như vậy, danh mục sân golf cũ giảm từ 90 sân xuống còn 87 sân.
Về hiệu quả sân golf, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, 29 trên tổng số 90 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn giải ngân đạt 224,1 triệu USD, tương đương 4.482 tỷ đồng. Các dự án thu hút 9.744 lao động, trung bình có 297 lao động/dự án, 80% là dân địa phương với thu nhâp bình quân là 1,5- 2,5 triệu đồng/người. So với mức bình quân chung của một số nước, sân golf Việt Nam sử dụng lao động nhiều hơn. Tại Trung Quốc là 254 lao động/sân 18 lỗ, Nam Phi 44 lao động/sân, Nhật Bản 78 lao động/sân, Tây Âu 22 lao động/sân.
Trong năm 2010, theo thống kê chưa đầy đủ, mức nộp ngân sách của các sân golf là 505 tỷ đồng. Các sân kinh doanh khá là sân golf Lương Sơn, Hòa Bình, sân golf Chí Linh, Hải Dương, sân Đồng Mô, Vân Trì Hà Nội, sân Yên Thắng, Ninh Bình, sân Sông Mây, Đồng Nai. |
Phạm Huyền
diễn đàn kinh tế việt nam
|