Thứ Tư, 03/08/2011 06:08

Trục Hồ Tây - Ba Vì và chuyện thu hồi đất

Không biết do ngẫu nhiên hay không, nhưng thời điểm Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) đề xuất hai phương án thu hồi đất bằng biện pháp hành chính lại trùng lúc Thủ tướng CP phê duyệt Trục Hồ Tây - Ba Vì nằm trong Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Theo quy hoạch, Hồ Tây - Ba Vì là trục kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội bộ. Cùng với đó, xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng: Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai, trục Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Đỗ Xá - Quan Sơn, trục kinh tế Bắc - Nam, Miếu Môn - Hương Sơn, trục kinh tế phía Nam, Lê Văn Lương kéo dài - Chúc Sơn và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng.

Với khối lượng xây dựng hạ tầng khổng lồ như thế, số lượng nhà dân dọc theo các tuyến đường quy hoạch cần phải giải tỏa sẽ rất lớn, kéo theo sự ảnh hưởng không tránh khỏi đến môi trường an sinh của các hộ dân.

Việc có nên xây dựng Trục Hồ Tây - Ba Vì đã từng là một vấn đề gây tranh luận trái chiều giữa các nhà khoa học, chuyên gia với cơ quan quản lý nhà nước.

Trong bối cảnh không khí tranh luận lên đến mức dỉnh điểm, đã xuất hiện dư luận cho rằng một số đại gia bất động sản (BĐS) đã "nhúng tay" vào bản vẽ đồ án quy hoạch Hà Nội, khiến đồ án này được "vẽ" theo hướng có lợi cho quyền lợi của họ, hợp thức hóa hàng loạt dự án đã "lỡ ăn theo" mà cơ quan quản lý không thể đình lại được. Sự việc này cho tới nay đúng sai thế nào thì chưa biết, chỉ có điều dư luận vẫn là dư luận, còn trong thực tế Trục Hồ Tây  - Ba Vì đã được thông qua.

Sau khi bản quy hoạch Hà Nội được thông qua, lại xuất hiện một luồng dư luận khác: hơn 200 dự án nằm trong khu vực vành đai Hà Tây cũ sẽ được "tháo gỡ" và còn có thể giúp hâm nóng lại thị trường BĐS Hà Nội vốn đang bị "bức tử" do mặt bằng giá quá cao. Đáng chú ý, dư luận này lại xuất phát từ chính giới doanh nghiệp BĐS.

Cũng theo luồng dư luận này, đa phần trong số các dự án được "hợp thức hóa" là nhóm dự án nhỏ, quy mô nhỏ, nhưng có chủ đầu tư lại là gương mặt đã từng chi phối con sóng đầu cơ thị trường nhà đất Hà Nội từ giữa năm 2009 đến đầu năm 2011.

Xin hãy liên hệ hình ảnh "dự án nhỏ" trên với hai phương án hành chính hóa việc thu hồi đất do Tổng cục Quản lý đất đai nêu. Theo diễn giải của cơ quan này, có thể hiểu một trong những lý do cho đề xuất hai phương án trên là tạo ra sự bình đẳng giữa chủ đầu tư các dự án lớn (được nhà nước ra quyết định thu hồi) và dự án nhỏ (tự thỏa thuận).

Chính từ diễn giải của Tổng cục Quản lý đất đai, một thực tế và cũng là một sự thật đã tồn tại nhiều năm qua được mặc nhiên thừa nhận: dự án càng có được nhiều "hậu thuẫn" về thu hồi đất bằng biện pháp hành chính (hay còn gọi là "cưỡng chế di dời") của chính quyền địa phương thì càng "tiết kiệm" được chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, kèm theo đó tiến độ triển khai dự án cũng nhanh hơn, quay vòng vốn tốt hơn; còn những dự án của chủ đầu tư nhỏ, do thiếu đẳng cấp về "quan hệ ngoại giao" nên thường không được ưu ái hỗ trợ bằng biện pháp hành chính thu hồi đất, do vậy chủ đầu tư thường phải tự thỏa thuận giá bồi thường với người sử dụng đất, mất nhiều thời gian lẫn tốn kém chi phí.

Đo lường mức độ phản ứng

Thực tế và sự thật trên là điều mà hơn ai hết, những người dân bị giải tỏa hiểu rõ nhất. Sự thật ấy cũng được minh chứng qua tỷ lệ 70% số đơn khiếu tố đất đai của người dân liên quan đến nguyên do mức bồi thường không thỏa đáng và về nhiều tiêu cực của cán bộ giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương và chủ dự án BĐS, từ đó đã phát sinh rất nhiều vụ việc khiếu tố đất đai xảy ra trên toàn quốc trong nhiều năm qua.

Vào tháng 6/2007, lần đầu tiên một cuộc khiếu kiện tập trung của người dân từ hàng chục tỉnh ở khu vực phía Nam như Đồng Tháp, Tây Ninh, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang... và cả TP.HCM đã diễn ra trước Vụ Công tác phía Nam - Văn phòng Quốc hội (tại TP.HCM), với số lượng lên đến hơn 500 người, kéo dài nhiều ngày.

Không chỉ là chuyện bồi thường thiếu thỏa đáng, những vấn nạn khác còn được người dân công khai nêu ra như dự án thiếu hoặc không bảo đảm được chính sách nhà tái định cư, một số dự án xảy ra tình trạng cán bộ bồi thường ăn chặn tiền của dân, thậm chí còn có hiện tượng cưỡn chế trái pháp luật mà người dân gọi là nạn "cướp đất", làm cho không ít người bị giải tỏa, vốn đã nghèo, lại thêm trắng tay.

Phản ứng xã hội của người dân là một điều có vẻ như "khó hiểu" trong con mắt một số chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước về quản lý đô thị, nhưng lại vô cùng dễ hiểu nếu người có trách nhiệm của những cơ quan này thử một lần đặt họ vào tình thế chịu thiệt hại nặng nề của người bị giải tỏa.

Không ít vụ việc "chống người thi hành công vụ" cũng từ đó mà sinh ra, mà thường thì "lẽ phải" thuộc về chủ thể giải tỏa. Thế nhưng cũng với phản ứng xã hội như thế ở Trung Quốc, chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phải thừa nhận nguồn cơn của nó là bởi "sự oán giận của người dân", thì chúng ta có thể hiểu cái "lẽ phải" kia liệu có đúng là một tinh thần công bằng về pháp luật và đạo lý?

Phản ứng xã hội, nếu không được kềm chế và dung hòa, sẽ có thể dẫn đến hành vi vượt khỏi tầm kiểm soát. Vào tháng 3/2011, một trường hợp được coi là hy hữu đã xảy ra ở xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nguyên cớ gây ra sự xáo trộn về đời sống người dân ở đây là Formosa - một công ty của Đài Loan. Theo nhiều kiến nghị của người dân, dự án xây dựng cảng nước sâu của công ty này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và môi sinh của nhân dân. Nhưng khi thư kiến nghị của dân nhiều lần bị chìm vào im lặng, cộng thêm việc chủ dự án "nhờ" chính quyền địa phương can thiệp (thiên về cưỡng chế), thì nỗi bức xúc của những giáo dân ở đây đã trở thành giọt nước tràn ly: giáo dân bắt giữ chính những người thi hành công vụ!

Hiện tượng "chống người thi hành công vụ" trong những năm gần đây còn diễn ra tại một số địa phương khác, với mức độ ngày càng căng thẳng hơn.

Đa số các cuộc điều tra xã hội học về khiếu kiện đất đai đều nhìn nhận: người khiếu kiện chỉ có một yêu cầu giản dị là hoàn cảnh của họ phải được đối xử một cách bình đẳng, hành vi của họ không nên bị quy vào "diễn biến" này, "diễn biến" kia, mà tất cả chỉ làm làm theo pháp luật, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Sự lạ lùng là những biểu thị khiếu kiện mang tính tập thể của người dân, thay cho tính đơn lẻ manh mún, dường như đã làm cho pháp luật động lòng hơn và chính quyền địa phương đã ít nhiều phải sửa sai.

Trong nhận thức của đại đa số người dân khiếu kiện, Nhà nước ta luôn chủ trương đem lại đời sống tốt đẹp hơn cho dân chúng, nhưng chính hành vi sai pháp luật của một số cán bộ và chính quyền địa phương lại dẫn đến tình trạng vô hiệu trong chỉ đạo của các cấp trung ương. Cũng bởi không kêu oan được ở cấp địa phương mà đã nhiều lần người dân phải ra tận Hà Nội để mong được minh oan, "làm khổ" cả ngành công an và các cơ quan tư pháp.

Trở lại với vấn đề hành chính hóa việc thu hồi đất, thiết nghĩ những cơ quan có thẩm quyền cao như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng trước khi nghĩ đến biện pháp cưỡng chế di dời, hãy nên rà soát và xử lý nghiêm minh những sai phạm đã tích tụ bấy lâu nay tại không ít dự án BĐS ở các địa phương và ngay tại Thủ đô.

Đó mới là việc cần làm ngay cho các dự án hiện tại và cả cho những dự án trong tương lai cận kề.

Trường Sơn

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Lãi vay 0%, doanh nghiệp BĐS vẫn "chết" (02/08/2011)

>   Quy hoạch chung xây dựng thủ đô: Có tạo nên làn sóng đầu tư mới? (02/08/2011)

>   Thu hồi đất: Nguy cơ lạm dụng 'cây gậy' cưỡng chế (02/08/2011)

>   Thị trường bất động sản chạm “đáy” vào năm 2012? (01/08/2011)

>   Mất hàng trăm triệu đồng vì mua nhà bằng USD (01/08/2011)

>   Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (01/08/2011)

>   Nghịch lý giá nhà đất: Thách thức của nhiệm kỳ mới? (01/08/2011)

>   Giới địa ốc ‘ngó lơ’ quy hoạch Thủ đô (01/08/2011)

>   Bất động sản gánh thêm nỗi khổ thuế (31/07/2011)

>   Thu hồi đất: Đừng để ‘giọt nước tràn ly’ (31/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật