Lãi vay 0%, doanh nghiệp BĐS vẫn "chết"
Nếu doanh nghiệp bất động sản chấp nhận vay ngân hàng với lãi suất 26-27% thì chỉ có nai lưng ra làm để trả nợ. Ngay cả khi doanh nghiệp vay được với lãi suất 0% thì cũng khó trụ nổi bởi vì chi phí đầu vào tăng cao trong khi lượng nhà tồn kho ở mức lớn.
Theo thống kê, hiện cả nước đang có 20 tỷ USD đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tuy nhiên số lượng dự án triển khai giá trị lại lên tới khoảng hai ngàn tỷ USD. Đó là chưa kể đến hàng trăm dự án sẽ tiếp tục triển khai sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu tình trạng này kéo dài, Việt Nam sẽ không bao giờ có đủ tiền để thực hiện dự án cũng như nhà đầu tư không thể đủ tiền để "hấp thụ" hết được các sản phẩm nhà ở trong tương lai.
Trong khi đó, cả doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư đều "kêu cứu" mong muốn Chính phủ, Ngân hàng nhà nước nhanh chóng xem xét mở tín dụng để cứu các doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng kể cả bây giờ ngân hàng cho vay với lãi suất 0% thì doanh nghiệp vẫn khó có thể trụ vững được.
Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, đại học Ngân hàng TPHCM, các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu chấp nhận vay ngân hàng với lãi suất 26-27% thì doanh nghiệp chỉ có nai lưng ra làm để trả nợ vay ngân hàng.
Song giả sử doanh nghiệp vay ngân hàng lãi suất 0% thì vẫn "chết" chứ đừng nói là vay được. Bởi vì đầu vào tức là nguyên nhiên vật liệu đang ở mức cao trong khi lượng nhà tồn kho ở mức lớn mà vẫn không thể bán được.
Thực tế, lãi suất chỉ là 1 trong 12 chi phí lớn nhất để cấu tạo nên cái nhà, đó là chưa kể đến khó khăn khác nữa. Lãi suất cao khiến các doanh nghiệp phải phản ứng bằng cách tăng chiết khấu để bán bằng được nhà. Thậm chí có doanh nghiệp giảm giá liên tục mà không bán được hàng.
Theo ông Dương, doanh nghiệp không nên hi vọng vào việc nới tín dụng bởi điều đó là không thể. Bài học 3 năm trước vẫn còn, đặc biệt năm 2010 khi chỉ số của nền kinh tế hơi lạc quan một chút, nhà nước đã nới tín dụng hậu quả lạm phát tiếp tục phi mã.
"Bất động sản cứ giải quyết theo hướng cho vay nữa sẽ không ổn mà theo chủ trương Chính phủ thì chắc chắn không tiếp tục cho vay. Hệ quả, thị trường sẽ buộc thanh lọc để tìm ra doanh nghiệp nào khỏe sẽ tồn tại, doanh nghiệp nào yếu bị loại. Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ở mức 20% trong khi 6 tháng đầu năm con số này đạt 7%. Vì vậy với 13% còn lại Chính phủ sẽ phân phối thật hợp trong đó dư nợ tín dụng bất động sản chỉ được mức 16%, ngân hàng nào còn room sẽ vẫn tiếp tục cho vay bất động sản" -ông Dương phân tích.
Trả lời báo chí gần đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank cũng cho rằng, vấn đề lãi suất chỉ là một trong những yếu tố làm trầm trọng hóa tình trạng doanh nghiệp chứ không phải là nguyên nhân căn bản. Nguyên nhân căn cơ nhất chính là việc mất cân đối từ gốc và sự thiếu tập trung trong hoạt động của bản thân doanh nghiệp.
Thêm vào đó, ông cho rằng, cấu trúc vốn của các doanh nghiệp rất bấp bênh, hơn 60% doanh nghiệp mất cân đối về vốn. Họ đã lấy quá nhiều vốn ngắn hạn đem đầu tư trung dài hạn, và đa số doanh nghiệp đều đầu tư ngoài ngành. Hơn 90% doanh nghiệp đều có dính dáng ít hay nhiều đến bất động sản. Do vậy, không phải lãi suất hạ thì doanh nghiệp sẽ tốt hơn, mà cái chính là các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cần phải nhìn lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu vốn, và chiến lược để có thể phát triển tiếp trong giai đoạn tới.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, cơ chế tín dụng bất động sản đang trong vòng luẩn quẩn. Thực tế hiện nay doanh nghiệp bất động sản không vay được tiền phía ngân hàng. Thế nhưng kể cả doanh nghiệp vay được tiền đi nữa không thể bán được hàng vì người mua nhà không vay được tiền ngân hàng.
"Tất cả chúng ta đều thấy lượng tiền cho vay dự án bất động sản là rất lớn, nếu cho doanh nghiệp vay mà họ không đầu tư sản xuất, tiền nằm yên rất lãng phí, nhiều rủi ro. Thay vì ngân hàng cho vay dự án thì nên cho 100 người vay tiền để mua nhà. Làm như vậy thúc đẩy được đầu ra doanh nghiệp. Hai nữa, khi hàng hóa lưu thông thì ngân hàng mới thu hồi được nợ. Đầu ra sản phẩm bất động sản là yếu tố rất quan trọng đối với hệ thống ngân hàng bởi khi người có nhu cầu mua nhà ở thực sự ngày càng đông thì sẽ loại bỏ thành phần các lớp đầu cơ" ông Cường phân tích.
Anh Đào
VnMedia
|