Thứ Hai, 15/08/2011 19:21

Huy động vốn từ nước ngoài cần “hàng độc”

Để huy động vốn ngoại có hy vọng thành công cao hơn, các công ty quản lý quỹ trong nước đang cố gắng tạo ra các sản phẩm đặc biệt, có tính hấp dẫn cao hơn nhiều lần so với chứng khoán và bất động sản.

Tuần trước, nhiều cơ quan truyền thông trong nước trích đăng những thông tin mà Bloomberg đã đưa về việc Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) dự định huy động 300 triệu USD cho quỹ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, chủ nhân của kế hoạch này ở thị trường Việt Nam lại im hơi lặng tiếng, không có một thông tin quảng bá nào.

Xác nhận về thông tin Bloomberg đã đưa, ông Nguyễn Thế Lữ, Tổng giám đốc SAM cho biết, đúng là cuối tháng 9 này sẽ có một cuộc roadshow ở nước ngoài để giới thiệu về lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam, nhưng khả năng huy động vốn là rất khó khăn trong thời điểm hiện nay. "Dù khó, chúng tôi vẫn phải làm, chứ không thể ngồi im. Đói, nếu không đi kiếm thì không sẽ có đồ ăn", ông Lữ nói.

Và cách để huy động vốn có hy vọng thành công cao hơn là cố gắng tạo ra các sản phẩm đặc biệt, có tính hấp dẫn cao hơn nhiều lần. Theo ông Lữ, nếu bây giờ mời gọi đầu tư vào quỹ chứng khoán, bất động sản như trước kia, thì chắc chắn không có cơ hội thành công. Năng lượng, trong đó các nhà máy, dự án điện là mục tiêu của quỹ năng lượng mà SAM muốn thu hút đầu tư.

Cuối tháng 7, SAM và Công ty Quản lý quỹ Vietinbank đã ký kết hợp đồng hợp tác về việc SAM sẽ huy động quỹ 50 đến 100 triệu USD đầu tư vào Việt Nam và góp một phần vào quỹ thành viên của Vietinbank quản lý. Được biết, sản phẩm đầu tư này khá đặc biệt và mới mẻ ở Việt Nam, liên quan đến hoạt động của ngân hàng thương mại.

Cách đây vài năm, SAM và đối tác trong nước là REE đã công bố kế hoạch thành lập quỹ thông minh, liên kết giữa quỹ nước ngoài do SAM huy động và quỹ trong nước do REE huy động. Nhưng kế hoạch này đã không thành, vì ngay sau đó, cả hai bên đều nhận thấy TTCK Việt Nam không thuận lợi. Có thể hiểu vì sao lần này SAM lại ít lời khi có kế hoạch huy động quỹ mới như thế.

Nhưng một cách kiên trì, SAM vẫn lên các kế hoạch huy động quỹ mới và nỗ lực thực hiện để trụ lại và hy vọng sẽ phát triển ở thị trường Việt Nam.  Trên thực tế, huy động vốn ở nước ngoài vẫn có cơ hội cho một số DN trong nước. CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) là một điển hình. DN này đã thành công khi huy động vốn từ các quỹ đầu tư danh tiếng trên thế giới và HAG tuyên bố sẽ tiếp tục huy động vốn đầu tư từ nước ngoài từ nay đến cuối năm. Đây là nguồn vốn đầu tư dài hạn giúp HAG theo đuổi các dự án đầu tư dài hạn, vượt qua giai đoạn khó khăn khi huy động vốn ở thị trường trong nước bế tắc.

Sản phẩm mà HAG chào đối tác nước ngoài lần gần đây nhất không phải là cổ phần của HAG, mà là góp vốn vào công ty cao su, công ty con của HAG. Lứa cao su đầu tiên của HAG sẽ bắt đầu thu hoạch mủ sau hai năm nữa. Trong khi đó, sang năm 2012, các nhà máy thủy điện mới đi vào hoạt động sẽ đem lại dòng tiền ổn định cho hoạt động của HAG, thay thế phần nào nguồn thu từ bất động sản đang tạm chững lại. Cao su là sự khác biệt của HAG mà nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm. Giá của loại "vàng trắng" này đã và đang tăng cao liên tục, không khác gì vàng kim loại hiện nay.

Giúp các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn ở thị trường nước ngoài mà không cần phải niêm yết chéo với nhiều thủ tục phức tạp, CTCK Phú Hưng (PHS) đang chào đến doanh nghiệp sản phẩm tư vấn phát hành chứng chỉ lưu ký và trái phiếu chuyển đổi bằng ngoại tệ.

"Chúng tôi đang đàm phán với một vài doanh nghiệp và hy vọng trong tương lai gần sẽ có hợp đồng được ký kết. Bước đầu là doanh nghiệp sẽ chỉ định PHS làm nhà môi giới nội địa và chúng tôi bắt tay thẩm định các điều kiện như tài chính, thế mạnh của doanh nghiệp trước mắt để tư vấn xem doanh nghiệp nên phát hành trái phiếu chuyển đổi bằng ngoại tệ hay chứng chỉ lưu ký", bà Nguyễn Hồng Mai, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc tài chính doanh nghiệp PHS cho biết.

Số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để phát hành chứng chỉ lưu ký hay trái phiếu quốc tế không nhiều và cần một thời gian nhất định để đơn vị tư vấn giúp doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện này, đồng thời phía tư vấn cũng phải thăm do kênh bán ở thị trường nước ngoài. Nhưng theo bà Mai, việc phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu là khả thi nhất, vì đã có tiền lệ thành công là HAG.

Bà Mai cho rằng, huy động vốn ở thị trường Đài Loàn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi bằng đồng Đài Loan và phát hành chứng chỉ lưu ký ở Đài Loan sẽ rất khả thi, vì Đài Loan đang đứng đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhà đầu tư Đài Loan rất am hiểu thị trường và doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề còn lại là Sở GDCK Đài Loan có chấp nhận giao dịch sản phẩm chứng khoán của Việt Nam hay không.

"Chúng tôi đã xúc tiến để lãnh đạo cao cấp của các Sở GDCK TP. HCM và Hà Nội gặp lãnh đạo Sở GDCK Đài Loan để hai bên tìm hiểu thông tin và đi đến ký kết các thủ tục công nhận chính thức. Đài Loan đã chấp nhận thị trường Singapore, Thái Lan và việc chấp nhận thị trường Việt Nam không khó, chỉ là vấn đề thời gian", bà Mai nói.

Thu Hương

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Techcombank phát hành gần 185.6 triệu cp tăng vốn lên 8,788 tỷ đồng (15/08/2011)

>   CPP mua lại CP Việt Nam: Doanh nghiệp nội hoang mang (15/08/2011)

>   TKV thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp (15/08/2011)

>   Thâu tóm doanh nghiệp qua sàn: Cần cơ chế giám sát (14/08/2011)

>   Những điều chưa biết đằng sau vụ 'thôn tính' Megastar (12/08/2011)

>   PPC góp thêm 20 tỷ đồng vào công ty sửa chữa điện miền Bắc (12/08/2011)

>   HCM: Chốt quyền mua cổ phiếu 3:2, giá 10,000 đồng (12/08/2011)

>   MPC không tăng vốn bằng mọi giá (12/08/2011)

>   Liên kết giữa PVX và PVA có vấn đề? (11/08/2011)

>   Thâu tóm “lướt sóng” (11/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật