Giá bất động sản cao là chuyện đương nhiên?
Trong lúc được gọi là “hấp hối”, ngành bất động sản (BĐS) TP.HCM lại tổ chức hội thảo nhằm kiến nghị, đề xuất với Bộ Xây Dựng, Chính phủ nhiều giải pháp nhằm cứu vãn tình hình.
Cũng như bao lần trước đây, câu chuyện về nguồn vốn, chính sách thắt chặt tín dụng, thuế sử dụng đất… đều trở thành những vấn đề nóng hơn bao giờ hết.
Tiền chạy dự án to hơn tiền đền bù?
Mở đầu khai mạc trong một Hội thảo mới đây, ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đã nhấn mạnh, hiện nay tình hình BĐS đang cực kỳ khó khăn. Sáu tháng đầu năm, TP.HCM chỉ bán được chưa đầy 1.700 căn hộ và chỉ khởi công được 5 dự án, nhưng lại chủ yếu rơi vào phân khúc trung bình và thấp. Đây là giai đoạn tồi tệ nhất từ xưa tới nay. Dự báo 6 tháng cuối năm lại càng tồi tệ hơn và khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản.
Nguyên nhân chính là vì hầu hết không tiếp cận được nguồn vốn nên các dự án rơi vào tình trạng dở giang đắp chiếu, trong lúc giá đầu vào như xi măng, sắt thép… đều tăng lên chóng mặt. Sức mua giảm do tâm lý đợi chờ giá tiếp tục xuống... Theo ông Châu, để thị trường BĐS khởi sắc trở lại thì ngân hàng cần giảm lãi suất xuống còn 12 đến 13% như trước đây vì hiện nay lãi suất quá cao; Nhà nước cũng nên giảm tiền sử dụng đất; cho doanh nghiệp xây dựng căn hộ diện tích nhỏ để phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, ông đề nghị cần phải minh bạch trong thủ tục hành chính vì hiện nay thủ tục hành chính còn quá rườm rà và chưa minh bạch nên hầu hết các nhà đầu tư phải chạy dự án mất nhiều thời gian và rất tốn kém. …
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng: Đặc điểm nổi bật của ngành BĐS Việt nam là tùy vào khả năng “chạy” dự án của nhà đầu tư nên giá cao là điều đương nhiên. Trong khi dân thì nghèo, lạm phát cao, nhưng giá nhà đất lại nằm trong tốp 10 nước có giá nhà đất đắt nhất thế giới. Sở dĩ như vậy là bởi nguồn cung quá thấp vì bị ách tắc ở khu vực hành chính gây nên tình trạng xin cho, tiêu cực trong lĩnh vực này và đẩy giá lên rất cao…
Tiến sĩ Nghĩa nhận định, trong thời gian tới, BĐS sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần khi một số Nghị định mới ra đời. Nếu không minh bạch rõ ràng trong thủ tục thì nhà đầu tư còn phải chạy dài dài để xin dự án và tình trạng tiền chạy dự án có khi còn lớn hơn tiền đền bù cũng là điều dễ hiểu. Ông đề nghị phải công khai chính sách đất đai một cách minh bạch rõ ràng toàn bộ cơ sở hạ tầng lẫn đất đai để người dân và nhà đầu tư nắm kỹ.
Ngành BĐS chưa có định hướng rõ ràng
Việc xây dựng hiện nay của chúng ta vẫn còn ở dạng làm theo… cảm hứng. Chưa có một quy hoạch tổng thể dài hạn quy cũ, đồng bộ từ nhà ở và các dịch vụ phụ trợ như trương học, bệnh viện, chợ búa… Hơn nửa, việc thiếu tầm nhìn xa, quy hoạch ổn định và thông tin định hướng đã làm cho ngành BĐS nhiều lúc rơi vào ảm đạm thê lượng. Tiến sĩ Đỗ Thị Loan- Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM đã thốt lên rằng: “Thời gian qua tôi nhận quá nhiều tin buồn của ngành BĐS, có những lúc ăn không ngon, ngủ không yên vì suy tính về sự lụn bại của ngành này. Quá buồn vì ở TP.HCM chỉ có một vài tòa nhà được hoàn thành đúng tiến độ, còn lại là thiếu vốn nên cứ ê chề ra đó. Tại sao chúng ta không có một định hướng nào? Lỗi chính gây nên tình trạng như hiện nay thuộc về những cơ quan quản lý liên quan…”.
Rất nhiều đại biểu khác cũng cho rằng nên minh bạch và có định hướng rõ ràng, tầm nhìn xa hơn để thị trường phát triển tốt đừng để tình trạng bong bóng BĐS nổi lên gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và an sinh xã hội. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh là trong 60 năm qua, tình hình bất động sản thế giới luôn luôn là nhu cầu cấp thiết và khiến nhiều quốc gia phải đau đầu. Nhu cầu lớn dẫn đến tình trạng những ổ chuột khổng lồ đã xuất hiện và đòi hỏi mất rất nhiều thời gian để giải quyết, nhưng không phải quốc gia nào cũng làm được…
Tình trạng quy hoạch thiếu đồng bộ đã dẫn đến tình trạng nhiều khu dân cư được xây dựng ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… không bán được. Các nhà đầu tư hoặc là chú trọng quá mức vào nhu cầu nhà ở, mà xem nhẹ các dịch vụ đi kèm; hoặc là họ nghĩ các dịch vụ đó rất tốn kém mà mang lại hiệu quả không cao nên để Nhà nước lo… Với nhận thức đó nhiều dự án đã phải bỏ hoang vì không có dân tới ở.
Nhà nhà làm BĐS, người người làm BĐS, nhưng do thiếu thông tin, do hám lợi mà họ không lường được sẽ đến lúc ngân hàng sẽ khắt khe hơn khiến BĐS rơi vào bế tắc. Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Trần Nam đã phải thốt lên rằng: Chúng ta nên bàn cách là lấy đâu ra vốn để xây nhà, chứ chưa nên đi vào các vấn đề khác quá xa xôi. Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viên trưởng Viện Thị trường Giá cả - Bộ Tài Chính nhận định rằng: Câu chuyện lãi suất là rất khó, từ nay tới cuối năm thì tình hình tín dụng vẫn không thay đổi. Chúng ta đừng đỗ lỗi cho chính sách tín dụng làm khó BĐS. Nếu so với năm 2010 thì lãi suất trung bình hiện nay không phải là cao bởi lẽ lạm phát năm nay cao hơn năm 2010 nên lãi suất như vậy cũng là điều dễ hiểu. Ông đưa ra một ví dụ dẫn đến tình trạng BĐS kêu lỗ là bởi tính cách “liều” theo kiểu tay không bắt giặc. Trong khi vốn tự có quá ít, thấy lợi nhuận cao nên cứ lao vào vay ngân hàng, đến lúc không bán được hàng thì lại kêu toáng lên.
Có thể nói, rất nhiều kiến nghị để giải cứu ngành BĐS hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ một phần nào đó của chính sách, thì trước hết bản thân doanh nghiệp BĐS cũng phải có tính toán phù hợp, linh hoạt, nhạy bén để giảm mọi chi phí thấp nhất, bán giá hấp dẫn nhất, chất lượng tốt nhất thì chính mình mới tự giải cứu được mình.
Ngọc Quý
tầm nhìn
|