Đừng xem thị trường chứng khoán là “đứa con rơi”
Từ năm 2005 đến nay, chưa lúc nào tình trạng thanh khoản kèm không khí đầu tư lại yếu kém như hiện giờ. Phải chăng đó là một thứ “điềm” báo trước vận mệnh không xuôn sẻ của thị trường? Có đúng chăng dư luận về chuyện TTCK có thể bị “bỏ rơi” vào một lúc nào đó?
Tất cả dòng tiền đều... ngưng
Chưa bao giờ TTCK Việt Nam lại rơi vào thế bĩ cực như khoảng thời gian hơn một năm qua. Tất nhiên, ai đó vẫn có thể nhìn lại và ví tình trạng hiện nay với giai đoạn 2001-2003, nhưng giai đoạn đó chỉ là buổi sơ khai chào đời của thị trường, vài chục doanh nghiệp tham gia niêm yết với quy mô không lớn, mức vốn hóa của thị trường cũng không đáng kể so với GDP.
Hiện nay gần như mọi dòng tiền đều đang không ủng hộ sự phục hồi của thị trường. Từ cuối năm 2010, lãi suất cho vay của một số CTCK đã được đẩy trên 20%, khiến NĐT lướt sóng phải bối rối trong chọn lựa của mình. Cho đến những tháng đầu năm 2011, cùng với sóng lạm phát dâng cao, ngân hàng siết CTCK và đến lượt CTCK siết lại NĐT bằng thứ lãi suất cắt cổ: 25-27%/năm.
Cuối năm 2010, NĐT còn manh nha hy vọng gỡ gạc bằng sự trông chờ vào đà phục hồi của thị trường, nhưng hết quý I/2011 hy vọng ấy ngấm ngầm tàn lụi. Thị trường cứ kéo ngang miệt mài từ phiên này sang phiên khác, CP vẫn lũ lượt được các tổ chức lớn xả dần mà không có một động thái đánh lên đáng kể nào. Sự oái oăm của tình cảnh lại càng đắng lòng hơn khi nhiều NĐT công khai “đào ngũ” qua hình ảnh chạy đua lãi suất huy động hấp dẫn của các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ.
Cơ sở duy nhất cho hy vọng về dòng tiền chỉ đến từ khối ngoại, hy vọng khối này sẽ duy trì được kết quả như năm 2010 (mua vào khoảng 13-14.000 tỷ đồng). Nhưng kết quả 6 tháng đầu năm 2011 lại khá mỏng manh: NĐTNN mua bán thất thường và chỉ còn mua ròng khoảng phân nửa so với năm trước. Trong khi NĐTNN thiếu hưng phấn, khối NĐT nhỏ lẻ lại mất lửa, còn lực cầu tổ chức trong nước cũng không thấy đâu. Đó là nguyên nhân làm cho thị trường trì trệ, chỉ cần một động tác đánh xuống là tất cả đều “down”.
Không những không vào mà dòng tiền còn có xu hướng thoát dần ra. Vào tháng 3-2011, lần đầu tiên thông tin về việc thoái vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài được tung ra một cách khá thận trọng. Vào lúc đó, vẫn chưa có nhiều NĐT và cả giới phân tích chú tâm thật sự đến “vấn nạn” này. Nhưng đến nửa cuối tháng 5-2011, cùng với làn sóng bán giải chấp dữ dội, người ta mới vội vàng ngoái lại phía sau. Rõ ràng việc thoái vốn đã diễn ra, theo cách nào thì chưa biết, nhưng hơn 10.000 tỷ đồng CP cần giải chấp không còn phải là chuyện chơi nữa.
Ai ơi cứu lấy thị trường
Thoái vốn không còn là một công việc bình thường theo kiểu “tái cấu trúc danh mục”, mà đã trở thành một chiến dịch. Tháng 7/2011, ông Dominic Scriven (Quỹ đầu tư Dragon) đã gián tiếp xác nhận về chiến dịch thoái vốn khi ông đề cập đến 20-30.000 tỷ đồng sẽ được các quỹ nước ngoài rút ra trong hai năm 2012-2013. Thậm chí số vốn cần phải thoái đến năm 2014-2015 lên đến hơn 60.000 tỷ đồng. Người nước ngoài mua vào 20.000 tỷ đồng (từ đầu năm 2010 đến nay), rút ra 20.000 tỷ đồng vào năm 2012 và sẽ rút tiếp 40.000 tỷ đồng trong các năm sau.
Điều gì đang xảy ra với TTCK Việt Nam? Từ đầu năm nay, một số NĐT Hồng Kông, Đài Loan đã “biến” khỏi thị trường không một lời giã biệt. Hỏi ra mới biết ngoài những lý do muôn thuở về kinh tế vĩ mô, họ còn nhấn mạnh vào chuyện TTCK Việt Nam quá thiếu minh bạch. Thiếu minh bạch như thế nào thì ai nấy đều đã biết, đã thấm. Từ tháng 8/2010, đội ngũ những mã CP có vốn hóa siêu lớn như MSN, BVH đã bắt đầu điệu múa loạn nhịp trên “sân khấu" HOSE, mang lại kết quả đến nay là sự lạc nhịp hoàn toàn giữa HOSE và HNX.
Thế nhưng cái tệ về mặt điểm số dường như đã mờ nhạt (bởi NĐT đã quá quen và đành thúc thủ với nó), thay vào đó là một cơn ác mộng còn ghê gớm hơn: mất thanh khoản. Nhiều NĐT đã lỡ mua vào CP nhỏ trong giai đoạn tháng 3,4-2011 hay thậm chí vào cuối tháng 6/2011, đến nay trở thành NĐT “đầu tư dài hạn” bất đắc dĩ, bởi ngay thời điểm này với tình hình có những CP nhỏ tăng trần hoặc giảm sàn chỉ với lượng giao dịch 10/100 đơn vị, người ôm CP có muốn bán thì cũng đành “tận nhân lực, tri thiên mệnh”. Từ năm 2005 đến nay, chưa lúc nào tình trạng thanh khoản kèm không khí đầu tư lại yếu kém như hiện giờ. Phải chăng đó là một thứ “điềm” báo trước vận mệnh không xuôn sẻ của thị trường? Có đúng chăng dư luận về chuyện TTCK có thể bị “bỏ rơi” vào một lúc nào đó?
Cứ làm một phép tính đơn giản cũng thấy ngay giữa hai khâu kinh doanh CP và kinh doanh đất nền, cái nào có lợi hơn: Từ giữa năm 2010 đến nay, mặt bằng giá CP giảm bình quân 70-80%, trong khi người giữ đất chỉ bị hụt lãi (hoặc phải trả lãi) ngân hàng, chứ không quá lo bị sụt giá. Cũng bởi thế, cái cách nằm im của thị trường bất động sản khu vực phía Nam lại có vẻ giống tư thế “mai phục” hơn là trạng thái “chết lâm sàng”. Những động thái mờ mờ ảo ảo của sóng đầu cơ giữa hai thị trường địa ốc và chứng khoán đang như thách đố đối với NĐT. Lâu nay người ta vẫn nhức đầu về chuyện đem tiền nhàn rỗi bỏ vào kênh nào.
Cũng từ cuối tháng 5/2011 đã nổi lên dư luận về việc TTCK hay thị trường bất động sản, hoặc cả hai thị trường này sẽ được Nhà nước ra tay “giải cứu”. Cho đến nay, bất chấp thông tin tốt đã trôi qua, chứng khoán vẫn một mực suy giảm, hơn một nửa số CTCK báo lỗ và nghe đâu còn có công ty sắp phá sản, chưa tính đến cái chết thực của nhiều đại gia. Trong khi đó, dù có thời điểm ồn ào về chuyện doanh nghiệp bất động sản sắp bị “khai tử”, nhưng điều lạ lùng là đã qua tháng 6/2011 là thời gian đáo hạn thanh toán cho ngân hàng, vẫn không một doanh nghiệp bất động sản nào “chết”. Tất cả vẫn bình chân như vại.
Đầu tư tài chính
|