Thứ Hai, 08/08/2011 12:18

Chứng khoán ngóng lãi suất: Nghe lời nói, chờ hành động

Cuối tuần qua thị trường chứng khoán đã có một phiên dao động rất mạnh sau khi đón nhận phát ngôn của tân Thống đốc Ngân hàng nhà nước về kế hoạch hạ lãi suất ngay từ tháng 9.

Ngay sau khi nhậm chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định “từ tháng 9, lãi suất có thể giảm về từ 17-19% và ngay trong tháng 8 sẽ có một loạt các biện pháp kinh tế chứ không còn là các biện pháp hành chính đơn thuần như trước đây”.

Lời nói trên giãi đúng chỗ ngứa của nền kinh tế và đặc biệt như “liều thuốc giảm đau” tưới vào những vết thương của giới đầu tư chứng khoán. Còn nhớ khi thông tin Ngân hàng trung ương giảm lãi suất cầm cố ngắn hạn đầu tháng 7, thị trường chứng khoán cũng ngay lập tức phản ứng thái quá bằng một phiên tăng giá mạnh. Điều đó cho thấy sự kỳ vọng rất lớn về khả năng giảm mặt bằng lãi suất xuống.

Tuy nhiên, để từ lời nói đến hành động không phải là một việc đơn giản chứ chưa nói đến hiệu quả thực sự như mong đợi. Do đó cũng không mấy bất ngờ khi tâm lý của nhà đầu tư nhanh chóng xẹp xuống.

Một nghịch lý thú vị của thị trường là rất nhiều trường hợp thông tin tốt được đưa ra thì giá cổ phiếu giảm và ngược lại. Nguyên nhân là phản ứng của các thành phần nhà đầu tư là trái ngược nhau trong cách đánh giá thông tin. Lâu nay đã có nhiều chính sách được đưa ra với mục tiêu kiềm chế lạm phát, bình ổn tỉ giá... và lần nào cũng phát đi thông điệp một cách chính thức về hiệu quả tốt. Thực tế sau đó lại cho thấy không phải chính sách nào cũng có hiệu ứng như mong đợi. Điều này phần nào làm tăng thêm sự nghi ngờ của giới đầu tư.

Trước đây và hiện tại, việc giảm lãi suất cho vay được thực hiện bằng áp dụng bằng biện pháp hành chính là ấn định trần lãi suất huy động (14%/năm). Tuy nhiên ngay cả các văn bản của cơ quan nhà nước cũng thừa nhận mức lãi suất huy động cao hơn nhiều. Có rất nhiều cách lách quy định nói trên mà phổ biến nhất là trả trước phần lãi suất tăng thêm vào đầu kỳ hoặc thực hiện vào cuối kỳ gửi. Thậm chí Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa còn cho rằng các ngân hàng thương mại rất thích những quy định hành chính vì giám sát bằng công cụ hành chính thực ra là không giám sát gì.

Việc các ngân hàng tiếp tục huy động lãi suất kỳ hặn ngắn ở mức cao có thể được lý giải là mặc dù thanh khoản tốt, các ngân hàng vẫn phải giữ khách. Tuy nhiên dù gì thì nguồn vốn huy động được cũng kém ổn định. Thực tế hiệu quả rất kém của các công cụ hành chính là điều ai cũng nhận thấy, nhưng việc duy trì quá lâu các công cụ này là điều khó hiểu. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, đã đến lúc ngân hàng trung ương không nên can thiệp vào những công việc cụ thể của ngân hàng thương mại, quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng, chẳng hạn kiểm soát lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Do đó, việc tân Thông đốc khẳng định sẽ sử dụng các biện pháp thị trường là điều rất có khả năng xảy ra.

Điều còn lại mà giới đầu tư mong đợi là các bước tiến hành cụ thể và hiệu quả có thể đo đếm được. Các biện pháp thị trường có thể nhắm đến là nghiệp vụ thị trường mở và thị trường liên ngân hàng, sử dụng nhiều hơn các lãi suất điều hành. Một điều khó là áp lực lạm phát vẫn còn rất lớn nên khó có thể hạ mặt bằng lãi suất huy động xuống một cách đáng kể.

Các dự báo về lạm phát tháng 8 đều “bối rối” trước áp lực tăng giá lương thực, thực phẩm. Dự báo chính thức của cơ quan quản lý đưa ra khoảng 1%, trong khi các tổ chức nghiên cứu, đầu tư chênh lệch khá nhiều. Báo cáo vĩ mô vừa công bố của Công ty Chứng khoán Thăng Long cho rằng mức tăng CPI tháng 8 có thể khoảng 0,6% đến 0,8%. “Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ là một cơ sở tốt để Ngân hàng nhà nước bắt đầu nới nhẹ chính sách tiền tệ nhằm giảm lãi suất trên thị trường”, nhóm phân tích vĩ mô của tổ chức này dự báo.

“Lãi suất cho vay có giảm thời gian tới hay không phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến lạm phát. Tuy nhiên với hiện trạng lạm phát và chủ trương thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay thì kịch bản lạc quan nhất cũng chỉ có thể kỳ vọng lãi suất giảm khoảng 2% từ giờ đến cuối năm”.

Một trong những biểu hiện khá tích cực gần đây là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ổn định theo hướng giảm. Lãi suất qua đêm đến ngày 3/8 chỉ còn 10,38%/năm, thấp nhất kể từ giữa tháng 2/2011 đến nay. Trong vòng nửa tháng qua, lãi suất kỳ hạn ngắn trên thị trường liên ngân hàng giảm khá nhanh, từ mức đỉnh 12,87%/năm (qua đêm) và 13,39%/năm (kỳ hạn 1 tuần). Hiện lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 12,75%/năm. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, ổn định thị trường liên ngân hàng có thể giúp giảm dần lãi suất kinh doanh.

Tuy nhiên một quan điểm của nhà phân tích nước ngoài từ Công ty Chứng khoán HSC (HCM) lại tỏ ý “nghi ngờ”, có thể “những động thái gần đây của lãi suất qua đêm tiền đồng chỉ là tạm thời. Với nhiều đợt phát hành trái phiếu sắp diễn ra, Chính phủ có lẽ có xu hướng muốn đảm bảo tỉ lệ phát hành thành công thông qua giảm lãi suất. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tạo thanh khoản qua thị trường mở và theo đó đẩy lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn xuống dưới lãi suất trái phiếu, từ đó khiến việc mua trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn và thu hút được nhiều ngân hàng nhỏ tham gia thị trường sơ cấp. Chúng tôi hi vọng xu hướng này không diễn ra vì nếu không điều này sẽ lại gửi thông điệp nghịch chiều đến với thị trường”.

Số liệu của Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) cho thấy khối lượng phát hành thành công của trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ có bảo lãnh tháng 7 chỉ bằng xấp xỉ 30% khối lượng của tháng 6: “Sự sụt giảm của khối lượng trái phiếu chính phủ một mặt do Bộ Tài chính áp trần lãi suất trái phiếu thấp hơn kỳ vọng của nhà đầu tư. Mặt khác, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng về qua thị trường mở cũng như hạn chế bơm vốn qua kênh tái cấp vốn/tái chiết khẩu khiến cầu sụt giảm do thanh khoản của các ngân hàng thương mại không còn dồi dào như những tháng trước”.

Trước những khó khăn gặp phải, khá nhiều tổ chức đầu tư trong nước cũng tỏ ý thận trọng trước hiện thực có thể giảm lãi suất như người đứng đầu Ngân hàng trung ước đưa ra. HSC cho rằng quyết tâm giảm lãi suất huy động và cho vay của Ngân hàng nhà nước trước khi lạm phát theo năm thực sự dịu xuống tiềm ẩn những rủi ro rõ ràng. Nếu để lãi suất giảm quá nhanh thì có nguy cơ tỉ giá bắt đầu tăng trở lại. Công ty Chứng khoán BSC lại nhận định “với các nguy cơ về lạm phát trước mắt, định hướng giảm lãi suất cho vay về mức 17-19% có cơ sở để thực hiện. Dù vậy, mức giảm như vậy vẫn chỉ ở những bước đầu. Thị trường có thể kì vọng đây là tín hiệu đầu tiên, xu hướng giảm lãi suất sẽ còn tiếp tục, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng, trả giá hợp lý cho kì vọng và rủi ro”.

Khánh Hà

tbktvn

Các tin tức khác

>   Thị trường chứng khoán không bị bỏ rơi (08/08/2011)

>   Tiếng nói nhà đầu tư: Tín hiệu của niềm tin (08/08/2011)

>   Sự kiện doanh nghiệp niêm yết tuần 08-12/08 (08/08/2011)

>   08/08: Bản tin đầu tuần (08/08/2011)

>   Tăng mua FPT, khối ngoại “bỏ rơi” VIC (07/08/2011)

>   'Chứng khoán sẽ tạo đáy trong tháng này' (07/08/2011)

>   UPCoM-Index có tuần tăng điểm đầu tiên (05/08/2011)

>   Ngày 05/08: Khối ngoại bất ngờ tăng giao dịch trên HNX (05/08/2011)

>   Đáy không còn xa? (05/08/2011)

>   05/08: Bản tin 20 giờ qua (05/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật