Thứ Hai, 08/08/2011 19:00

Cần sự liên thông kịp thời để bình ổn giá vàng

Trao đổi với TBKTSG Online chiều 8-8, khi giá vàng vọt tăng lên hơn 44 triệu đồng/lượng, thạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng Ngân hàng ACB cho rằng việc giá vàng trong nước “nhảy múa”, phần lớn là do cung vàng thiếu khi thị trường trong nước không liên thông với thị trường thế giới và do hiệu ứng tâm lý đám đông.

TBKTSG Online: Thưa ông, sáng nay giá vàng trong nước biến động với biên độ lớn, có lúc lên đến 44,4 triệu đồng/lượng. Có thể lý giải việc này như thế nào, thưa ông?

- Ông Trần Trọng Quốc Khanh: Đầu tiên, cần khẳng định giá vàng trong nước tăng là do giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục mới, hiện tại đã phá vỡ ngưỡng 1.700 đô la Mỹ/ounce. Việc tăng giá của kim loại quý này là do nhiều nhà đầu tư chọn kênh vàng sau khi có những thông tin bất lợi đối với nền kinh tế Mỹ. Giải pháp nâng trần nợ của Mỹ chỉ là giải pháp ngắn hạn khi thực sự điều quan trọng hơn là nước này phải có các giải pháp phục hồi kinh tế để trả nợ. Việc nâng trần nợ chỉ giúp Mỹ có thể vay thêm tiền chứ không thể giúp vượt khủng hoảng ngay lập tức. Và việc làm này cũng khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng trả nợ của Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến đồng bạc xanh. Vì vậy, phản ứng của nhà đầu tư là mua vàng vào như một cách để chống đỡ rủi ro.

Thêm vào đó, việc Standard & Poor’s hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Mỹ cũng làm giới đầu tư lo ngại, giảm nắm giữ đồng đô la Mỹ và tăng giữ vàng. Vì thị trường vàng Việt Nam cũng như một số nước khác không có khả năng kiểm soát giá vàng thế giới, nên việc tăng theo giá thế giới là lẽ dĩ nhiên. Tuy thế, điểm đáng chú ý là giá vàng Việt Nam tăng với biên độ cao hơn giá thế giới. Cụ thể là khi giá thế giới quy đổi chỉ khoảng 42,78 triệu đồng/lượng thì giá trong nước đã lên đến 44,2 triệu đồng/lượng.

Nhưng theo tôi, điểm này cũng bình thường với thị trường Việt Nam. Điều này chỉ có thể giải thích là do sự không liên thông của thị trường vàng trong nước và thế giới. Nếu có sự thông nhau thì khi giá thế giới tăng 5%, giá trong nước cũng phải có mức tăng tương ứng theo quy đổi. Hiện tượng này đã xảy ra nhiều lần, từ tháng 6-2008, khi Ngân hàng Nhà nước không cấp hạn ngạch cho doanh nghiệp một cách bình thường như trước.

Ngoài ra, việc giá trong nước tăng nhiều hơn là vì nhiều người kỳ vọng giá vàng tăng nữa nên chấp nhận mua vào. Cũng có nhiều người khi giá vàng tăng lên ngưỡng 40 triệu đồng/lượng đã bán ra, và đến nay khi giá tăng quá nhanh thì mua cắt lỗ, khiến cầu tăng đẩy giá đi lên. Nhiều nhà đầu tư đang giữ tiền đồng, gửi tiết kiệm với lãi suất 14% cũng sẽ thấy không đủ bù đắp kỳ vọng của họ vì từ đầu năm đến nay giá vàng thế giới đã tăng đến 20% nên đã chuyển sang giữ vàng. Đợt tăng giá này cũng do một phần do hiêu ứng tâm lý đám đông.

Những người đang mua vàng trong giai đoạn này có thể là những người cần vàng để thanh toán, hoặc dùng cho mục đích nào đó mới mua, và những người mua để kỳ vọng giá tăng tiếp hầu hết là có tiền nhàn rỗi. Vì nếu vay ngân hàng để mua thì phải trả lãi vay ngân hàng và chưa chắc rằng mức tăng của giá vàng đã bù đắp được chi phí lãi vay.

Khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ đều khó có khả năng sinh lời, thì nhà đầu tư hiện tại thường chọn giữa giữ vàng và gửi ngân hàng. Với những người chấp nhận rủi ro ít thì gửi tiết kiệm ngân hàng là lựa chọn tốt, còn trong trường hợp muốn tìm lợi nhuận cao hơn và chấp nhận rủi ro lớn hơn thì vàng là kênh mà họ hướng đến.

Nhiều ý kiến cho rằng thị trường vàng Việt Nam hiện nay đang bị làm giá? Ông nghị sao về vấn đề này?

- Hiện nay, không tổ chức hay cá nhân nào chỉ ra được thị trường đang bị làm giá như thế nào, vì thế cũng khó có thể khẳng định điều này. Theo tôi, nguyên do chính là sự mất cân đối cung cầu, cụ thể là nhu cầu đang tăng nhanh chóng trong khi lượng vàng bán ra bị hạn chế, cùng với tâm lý đám đông, “rủ nhau” mua vàng vì kỳ vọng giá lên đã đẩy giá vàng trong nước tăng mạnh.

Như vậy, để bình ổn thị trường trong thời gian này thì cần làm gì?

- Theo tôi, chỉ có 2 cách có thể làm ngay. Một là Ngân hàng Nhà nước bán vàng dự trữ ra để tăng cung, kéo giá giảm xuống, sau đó mua vàng từ thị trường thế giới, hiện đang thấp hơn 1,5 triệu đồng/lượng, để bù vào dự trữ. Hoặc Ngân hàng Nhà nước có thể cấp hạn ngạch nhập vàng để tăng lượng vàng trong nước, như vậy, giải quyết vấn đề bình ổn này hoàn toàn là theo quy luật thị trường. Không có cách nào tốt hơn 2 cách trên.

Nếu nhà nước không can thiệp vào lúc này thì đến một lúc nào đó thị trường cũng sẽ tự động giải quyết sự méo mó của nó. Ví dụ như hiện tại giá thế giới tăng đến hơn 41 triệu đồng mà giá trong nước đã lên đến 43 triệu đồng thì có thể giá thế giới sẽ tiếp tục tăng nhưng giá trong nước không tăng, chênh lệch sẽ kéo lại gần nhau. Nhưng thời gian giải quyết cũng sẽ lâu hơn. Như vậy nhiều người mua vàng thời điểm này đang mua với giá quá cao, gây nên sự bất hợp lý. Nếu không có biện pháp điều hành lúc này thì người mua sẽ chịu thiệt thòi.

Hiện tại ở Việt Nam, việc xuất nhập vàng phải chờ hạn ngạch do Ngân hàng Nhà nước cấp, như vậy có một hàng rào kỹ thuật đang tạm ngăn các luồng dịch chuyển của vàng. Để liên thông nhà nước phải xem xét tháo dỡ rào cản này. Như tại Thái Lan, không có rào cản hạn ngạch, nên khi có chênh lệch thì sẽ có động thái xuất nhập ngay, và không có sự chênh lệch cao như ở Việt Nam.

Từ tháng 6-2008 trở lại đây, chỉ khi cần can thiệp thị trường thì Ngân hàng Nhà nước mới cấp hạn ngạch, và số lượng là không lớn, vì vậy cũng không có đủ cung cần thiết để bình ổn thị trường. Thêm vào đó, có thể dẫn tới hiện tượng xuất, nhập phi chính thức. Vì như lúc này, khi chênh lệch lớn như vậy, nếu nhập vàng qua con đường này, thì lợi nhuận sẽ rất cao.

Việc nhập vàng phi chính thức qua biên giới cũng đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý một số trường hợp. Tuy vậy, chi phí hành chính sẽ là rất lớn nếu muốn ngăn chặn triệt để hiện tượng này. Như vậy nếu nhà nước cho phép xuất nhập chính thức thì sẽ hạn chế được sự tốn kém chi phí và cũng ngăn được dòng chảy vàng phi chính thức ra, vào Việt Nam.

Để hạn chế rủi ro trong giai đoạn này, nhà đầu tư cần lưu ý gì?

- Thứ nhất, mua thì có rủi ro giá giảm, hiện tại vàng sẽ tăng giảm như thế nào có thể khẳng định rằng khó ai biết, các dự báo cũng chỉ là kênh để tham khảo. Thứ hai, người mua vàng sẽ đánh mất cơ hội để tiền đồng sinh lời qua kênh tiết kiệm. Rủi ro thứ ba là nếu giá tăng nhưng không tương ứng, tức là giá trong nước có thể tăng chậm hơn giá thế giới, thì xem như lợi nhuận của nhà đầu tư bị giảm xuống. Rủi ro thứ tư là nhà đầu tư mua phải vàng giả, rủi ro này sẽ khiến nhà đầu tư “mất cả chì lẫn chài”. Khi mua vàng ở thời điểm này, nhà đầu tư phải cân nhắc 4 rủi ro trên.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Thương thực hiện

tbktsg

Các tin tức khác

>   Đồng USD bị sức ép xuống giá ở thị trường châu Á (08/08/2011)

>   Các doanh nghiệp kim hoàn ngóng hạn ngạch nhập vàng (08/08/2011)

>   6 lý do khiến giới đầu tư “đổ xô” tích trữ vàng (08/08/2011)

>   Vàng lấy lại mốc 44 triệu đồng, cao hơn thế giới 1.6 triệu đồng/lượng (08/08/2011)

>   Giá vàng đã đạt đỉnh 42 triệu đồng/lượng (07/08/2011)

>   Thị trường vàng: Để giảm thiểu những cú sốc "nóng, lạnh"... (07/08/2011)

>   Tăng chóng mặt, vàng hướng tới mốc 42 triệu đồng/lượng (06/08/2011)

>   Vàng lùi nhẹ về sát 1,650 USD/oz, dầu rơi 9.2%/tuần (06/08/2011)

>   Xuất khẩu vàng - Tư duy lại! (06/08/2011)

>   Sản lượng vàng của Trung Quốc đã vượt 164 tấn (05/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật