Thị trường vàng: Để giảm thiểu những cú sốc "nóng, lạnh"...
Trong thời gian chưa đầy một tháng qua, thị trường vàng thế giới và trong nước đã trải qua những "cú sốc" về giá sau khi đã đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại trong năm 2010.
Theo các chuyên gia kinh tế, cần phải có những giải pháp điều chỉnh, kiềm chế để thị trường này vận hành một cách lành mạnh, giảm thiểu việc gây sức ép đến thị trường tài chính tiền tệ cũng như nền kinh tế. PV báo PL&XH đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Đạt Lai (NĐL), nguyên Phó chánh thanh tra Ngân hàng nhà nước Việt Nam, một chuyên gia trên thị trường tài chính tiền tệ xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, một số DN cho rằng: Đợt tăng giá vàng cao nhất mọi thời đại lần này ít có bóng dáng của giới đầu cơ. Vậy, đâu là điểm khác biệt so với những lần tăng trước đó của thị trường này?
Ông NĐL: Theo dõi thị trường trong hơn một tháng qua tôi cho rằng: Không hoàn toàn như vậy, vàng tăng giá cũng là phản ánh một trong số những lựa chọn của đồng vốn tích lũy khi thị trường hàng hóa, dịch vụ giá tăng chóng mặt. Giá vàng tăng mạnh lần này lại chủ yếu theo xu hướng "đuổi theo" và "chảy máu vàng" ra ngoài hơn là "đầu cơ" găm vàng trong nước. Giá vàng trong nước luôn phụ thuộc giá vàng thế giới tính bằng ngoại tệ và phụ thuộc vào tỷ giá tính bằng VNĐ. Từ đầu năm đến nay, xu hướng chung là giá vàng thế giới tăng mạnh hơn giá trong nước, chủ yếu do tỷ giá trong nước khá ổn định, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm vàng chế tác tháng 6 đạt trên 12 tấn, đạt 630 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu vàng từ đầu năm lên 1,027 tỷ USD. Tuy nhiên, tình hình sẽ đảo chiều khi các đơn vị kinh doanh chạy đua hút vàng để xuất khẩu cộng với vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước sẽ tiếp tục tăng. Hiện giá vàng trong nước đã đuổi kịp và mấy ngày gần đây đã vượt tốc độ tăng của giá vàng thế giới, làm cho đơn giá thực đã cao hơn giá thế giới ngay khi tỷ giá vẫn chưa kịp tác động xấu vào giá vàng. Tới đây có thể là xu hướng nhập vàng vào, sẽ gây sức ép tỷ giá và cán cân thanh toán.
PV: Có ý kiến cho rằng, khi nền kinh tế đang vào thời điểm khó khăn, giới đầu tư đang cố dựa dẫm, thậm chí huyền bí hóa "sức mạnh" của kim loại này?
Ông NĐL: Diễn biến thị trường cũng như việc điều hành chính sách vừa qua có dấu hiệu của tình hình này. Theo tôi, sự lên xuống của giá vàng luôn luôn cùng lúc chịu 2 nhóm nhân tố tác động chính, đó là quan hệ giữa nguồn cung với nhu cầu của xã hội về vàng bởi chính giá trị và giá trị sử dụng của nó và hai là do nhân tố huyền bí hoá vai trò của vàng mà làm cho ngay cả giá vàng cũng bị đẩy lên một cách vô tình hoặc hữu ý ngoài nhân tố nội tại về cung cầu của chính nó. Để ý rằng sản lượng vàng của các tập đoàn khai mỏ vàng lớn nhất thế giới ở 4 quốc gia là: Nam Phi, Australia, miền Tây nước Mỹ và Trung Quốc đang giảm xuống làm cho giá trị thực của vàng tăng cũng là đương nhiên. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương, các quỹ lương hưu và các nhà đầu tư cá nhân đang tìm đến vàng ngày càng có chiều hướng gia tăng, nhất là trong tình hình xấu về nợ nần ở châu Âu và vấn đề "kịch trần" nợ ở Mỹ hiện nay cũng thêm một kênh nữa tạo ra cầu thực về vàng. Tuy vậy, có thể nói động thái giá vàng tăng thời gian này vẫn là do niềm tin vào đồng tiền bị giảm, bị phá giá hơn là do giá trị thực của vàng tăng.
PV: Thưa ông, trong bối cảnh thường dễ xảy ra các cơn sốt về giá vàng, Ông cho rằng, cần phải có thêm những giải pháp gì đề quản lý vàng ở nước ta trở nên hữu hiệu hơn?
Ông NĐL: Trước hết, cần thấy rằng nước ta là một quốc gia nghèo tài nguyên vàng. Là nước có lịch sử nhập, chứ không phải là xuất vàng, vì vậy, về quan điểm chính sách, Chính phủ nên cho mở rộng diện phải nộp thuế xuất khẩu vàng đối với tất cả các loại, không phân biệt vàng nữ trang hay vàng thỏi, vừa để tăng thu cho ngân sách Nhà nước, vừa tạo bình đẳng và vừa khống chế và không khuyến khích việc xuất vàng từ một quốc gia hầu như không có công nghiệp khai thác hay mỏ vàng ở qui mô đáng kể như nước ta. Vì vậy các thiết kế chính sách về vàng, nên siết chặt quản lý xuất hơn là quản lý nhập.
Hai là: Cùng với chống ngoại tệ hoá (thường gọi chung là USD hoá), cần phải kiên quyết chống vàng hoá phương tiện thanh toán. Nghĩa là không đa dạng hoá, không huyền bí hoá các công dụng của vàng trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ. Trước sau chỉ coi vàng như một hàng hoá được rộng rãi giao lưu bình thường theo luật pháp. Nhà nước cần có chính sách tuyệt đối không cho phép huy động hay cho vay vàng như một loại nghiệp vụ tín dụng trong các định chế tài chính và ngân hàng. Nghiêm cấm không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán hàng hoá, dịch vụ nội địa như tiền.
Ba là: Không nên hạn chế đối tượng kinh doanh vàng, nhưng cần hạn chế và kiểm soát thật nghiêm ngặt đơn vị được phép đúc vàng thỏi tiêu chuẩn. Không chấp nhận bất kỳ loại vàng thỏi nào được phép bán trên thị trường ngoài các nhãn thỏi vàng đã được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn, cấp phép sản xuất từng thời kỳ. Nhà nước cần qui định tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về vàng thỏi gồm: khối lượng, hình thức, kích cỡ, Logo, tỷ trọng nguyên chất (không thấp hơn 99,5% vàng nguyên chất) để cấp phép và kiểm soát chặt chẽ cơ sở đúc vàng thỏi đúng các thông số kỹ thuật theo tiêu chuẩn và chỉ có cơ sở nào được phép của Ngân hàng Nhà nước thì mới được đúc vàng thỏi tiêu chuẩn.
Thị trường vàng rất sôi động nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ về giá!
PV: Gần đây, khi thị trường vàng nóng lên thì vấn đề mở sản vàng lại được đề cập đến. Vấn đề này cần được xử lý theo hướng nào, thưa ông?
Ông NĐL: Tôi cho rằng: Rất cần mở sàn vàng tạo ra chợ giao dịch tập trung cho các nhà kinh doanh vàng mang nhiều quốc tịch khác nhau tự do tham gia buôn bán và làm nghĩa vụ sòng phẳng với Nhà nước. Thuế xuất khẩu vàng đánh theo tuổi vàng mà không miễn cho bất kỳ loại nào. Khuyến khích và kiểm soát tỷ trọng vàng vật chất trong tổng giá trị giao dịch vàng trên sàn,từng bước cho phát triển các loại giao dịch phát sinh gắn liền với sàn giao dịch vàng. Bên cạnh đó, nên xoá bỏ cơ chế giấy phép nhập vàng, nhưng phải chứng minh nguồn ngoại tệ khả thi, hợp pháp dùng để nhập và nhất thiết sàn vàng phải do ngân hang trung ương quản lý. Thất bại của loại hình giao dịch này vừa rồi có nguyên nhân cơ bản là do chưa hề có một hành lang pháp lí nào để điều tiết, xử lý các tình huống phát sinh. Do vậy, đặt lại vấn đề này cũng có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước cần phải ban hành các quy định cụ thể về cấp phép, vận hành sàn vàng, vừa lành mạnh hóa thị trường và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Vượng
Pháp Luật và xã hội
|