Xuất khẩu vàng - Tư duy lại!
Từ trước đến nay, VN luôn được coi là nước chỉ nhập khẩu vàng trên thế giới. Nhưng gần đây, báo giới đã đề cập đến hiện tượng xuất khẩu vàng của VN. Tuy nhiên, hiện vẫn đang còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này.
|
Diễn biến giá vàng từ 28/7 đến 3/8/2011 |
Trong đánh giá của giới quan sát thị trường vàng thế giới như Hiệp hội vàng thế giới (WGC), Việt Nam luôn là một quốc gia nhập khẩu vàng. Số liệu thống kê của tổ chức này cho thấy có năm Việt nhập khẩu vàng lên tới gần 100 tấn vàng. Do đó tổ chức này ước tính lượng vàng còn tồn lại trong dân tại thị trường này có thể lên tới 1.000 tấn (tương đương với khoảng 50 tỉ USD theo mức giá 1.600 USD/Toz như hiện nay).
Xuất khẩu vàng - điều lạ ?
Vài năm gần đây, thông tin lại cho thấy, VN cũng đã và đang xuất khẩu vàng (dưới dạng vàng trang sức). Theo báo chí nước ngoài phản ánh, từ trước tới nay, VN chủ yếu xuất khẩu vàng dưới dạng trang sức và chủ yếu sang thị trường Thụy sỹ (nơi có nhiều xưởng tinh chế vàng nổi tiếng và được chấp nhận rộng rãi). Số liệu của cơ quan Hải quan Thụy Sĩ năm 2008 cũng cho thấy, VN xuất khẩu sang thị trường này 3,2 tấn vàng và năm 2009, xuất khẩu 54 tấn, thu về khoảng 2 tỉ USD (số liệu này không bao gồm vàng thỏi, loại thường được coi như "vàng tiền tệ").
Năm 2010 người ta đã thống kê được VN đã xuất khẩu gần 61 tấn vàng dưới dạng trang sức sang Thụy Sĩ tương đương trị giá 2,8 tỉ USD. Nhiều ý kiến cho rằng, lượng vàng này được tái chế rồi lại nhập khẩu vào VN một ngày nào đó.
Riêng năm 2011, theo Tổng cục Hải quan VN, trong tháng 6 đầu năm, tổng lượng vàng xuất khẩu lên tới 24 tấn. Đặc biệt, chỉ từ ngày 16/5 đến 8/6/2011, khi giá vàng nguyên liệu thế giới khoảng 50 triệu USD/tấn, đã có trên 12.500 kg vàng từ VN được xuất khẩu. Nếu tính riêng tháng 6/2011 kim ngạch xuất khẩu vàng lên tới hơn 806 triệu USD, tăng 133% so với tháng trước. Riêng vàng trang sức xuất khẩu trong tháng 6 đạt hơn 14 tấn.
Về đóng góp vào cán cân thương mại, theo số liệu Tổng cục Thống kê và Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 1,027 tỉ USD. So với thâm hụt thương mại thực tế 6 tháng vừa qua như vậy ước tính có gần 20 tấn vàng xuất khẩu đã “cứu” lại phần nào trạng thái cán cân thương mại của VN. Nếu không kể kim ngạch xuất khẩu vàng, nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 sẽ phải cộng thêm gần 1 tỉ USD vào con số 6,65 tỉ USD như công bố của Tổng cục Thống kê (tương ứng là 7,68 tỉ USD).
Một số quan sát phát hiện ra rằng, quy trình nhập - xuất - nhập khẩu vàng của VN khá đặc biệt như sau : vàng nhập khẩu vào VN trong 20 năm qua chủ yếu là vàng ba chìa khóa, hiệu SBC (Swiss Bank Corporation Gold Bars) - đó là vàng miếng tiêu chuẩn quốc tế được nhập khẩu về và đem cắt vụn ra và dập lại, hoặc trộn với vàng thu gom khác dập, đúc lại thành vàng miếng, vàng khối miếng nhỏ theo nhu cầu thị trường VN. Hiện nay một vài Cty trong nước mua gom vàng trang sức (hoặc tương tự trang sức, vàng miếng VN) xuất khẩu ra nước ngoài (như Thụy Sĩ) để tinh chế và sau đó lại được nhập khẩu về VN... và lại cắt ra thành vàng VN...
Như vậy có thể nói, trong điều kiện hội nhập quốc tế, thị trường vàng VN đã thông thương với quốc tế theo cách... khá đặc biệt.
Xuất khẩu vàng - siết hay mở ?
Có thể có nhiều cách tiếp cận về chính sách xuất khẩu vàng. Trước đây, các quy định về quản lý ngoại hối của VN ban đầu là cấm và hạn chế, không khuyến khích việc mang ngoại hối (bao gồm vàng) ra khỏi VN. Do đó việc xây dựng chính sách thường là cấm hay hạn chế tối đa xuất khẩu vàng ra bên ngoài VN. Tuy nhiên, nếu coi vàng như nguồn lực tài chính và là nguồn tiết kiệm của dân và của xã hội, thì rõ ràng cần có giải pháp khơi thông nguồn tiết kiệm này. Năm 2010, xã hội cũng đã dấy lên câu hỏi làm thế nào để khơi thông nguồn vàng rất lớn trong dân, có lẽ cũng trên quan điểm này.
Trên quan điểm đó, vàng rõ ràng là nguồn tài chính trong tiết kiệm xã hội và đảm bảo khả năng thanh toán của nền kinh tế với thế giới và như thế có thể coi vàng trong dân nắm giữ là một phần dự trữ ngoại hối quốc gia bên cạnh dự trữ ngoại hối chính thức. Khi vàng trong dân nắm giữ dưới dạng vàng trang sức (vàng tiêu chuẩn VN) thì tính “hữu dụng” (usable) của nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia là rất thấp hay có thể là không sử dụng được mà các nhà kinh tế tiền tệ cho rằng, đó là nguồn “tiết kiệm chết”.
Trong điều kiện đó, nếu nhìn việc xuất khẩu vàng thu ngoại tệ và việc hạch toán trên bảng thống kê cán cân thanh toán sẽ thấy, dự trữ ngoại hối dưới dạng vàng (xuất khẩu) và thu về ngoại tệ hoặc kể cả thu về vàng tốt hơn (khi tái nhập) chính là quá trình chuyển từ vàng có tính quốc tế thấp (tính khả mại thấp) thành nguồn ngoại tệ (dự trữ ngoại hối chính thức, khi ngoại tệ được chuyển vào trong ngân hàng như hiện nay do chính sách chống USD hóa nền kinh tế).
Như vậy, nếu theo cách tiếp cận như trên, câu hỏi làm thế nào tiết kiệm ngoại tệ và khơi thông nguồn vàng còn nằm chết trong dân dường như đã có lối ra. Đó là xuất khẩu vàng.
Nếu gắn với một số chỉ tiêu quan trọng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội VN 2011 đến 2015 như có chỉ tiêu hàng năm tổng đầu tư toàn xã hội vẫn là khoảng 40% GDP (khi tiết kiệm trong nước đang có khuynh hướng giảm xuống 28% GDP), nợ công và nợ chính phủ (có chiều hướng gia tăng sẽ gây áp lực lên lãi suất thị trường trong nước...), áp lực thâm hụt thương mại, áp lực dự trữ ngoại hối đang bị mài mòn... đã đặt ra yêu cầu về cách tiếp cận cho chính sách xuất khẩu vàng để khơi thông được nguồn tài lực vàng này.
Thực tế thời gian qua và đặc biệt số xuất khẩu vàng, cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối chính thức 6 tháng đầu năm 2011 cho thấy việc xuất khẩu vàng không làm giá vàng trong nước biến động mà đã góp phần giảm thâm hụt cán cân thương mại và tăng dự trữ ngoại hối chính thức (theo cách tiếp cận cán cân thanh toán quốc tế)... Đến nay, thực tế cho ta không còn hoài nghi về việc ổn định lòng tin vào nội tệ theo cách cho phép xuất khẩu vàng có lẽ còn tốt hơn việc cho nhập khẩu vàng vào ồ ạt, “dập tắt được cơn sốt giá vàng trong ngắn hạn nhưng lại khuyến khích nắm giữ vàng trong dân (vàng chết).
Có thể thấy rằng, với VN, việc xuất khẩu vàng thời gian qua cho thấy đó mới là cách thực sự khơi thông nguồn vàng trong dân, đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho xã hội và tăng dự trữ ngoại hối.
Vàng sẽ tiếp những đỉnh mới ?
Ba mốc giá 39 - 40 - 41 triệu đồng/lượng (tính đến ngày 3/8) đã được chinh phục trong vòng hơn 1 tháng. “Bão” giá vàng đã xuất hiện, nhưng lần này hoàn toàn do sự chi phối của giá quốc tế. Các yếu tố trong nước như tỷ giá USD/VND, tương quan cung-cầu, tâm lý người dân... gần như không có sự “tiếp lửa” bất kỳ nào cho giá vàng.
Nhiều chuyên gia nhận định, tình thế trên thị trường vàng xoay chuyển quá bất ngờ, khi mà không ít người tin là giá vàng sẽ điều chỉnh giảm, ít nhất là trong ngắn hạn, sau khi Mỹ đạt thỏa thuận về trần nợ công mới. Thay vì đi xuống, giá vàng đã bứt phá liên tục từ đêm ngày 2/7, phá vỡ một loạt ngưỡng kháng cự quan trọng và không còn cách xa ngưỡng 1.700 USD/oz.
Nhưng cơ sở tăng giá cho vàng đang tồn tại vững khi kinh tế toàn cầu còn quá nhiều bất ổn. Kinh tế Mỹ đang đối mặt nguy cơ suy thoái kép và bị hạ điểm tín nhiệm, còn Châu Âu tiếp tục đương đầu khả năng lan rộng của khủng hoảng nợ. Trong bối cảnh này, vàng một lần nữa được giới đầu tư xem là “hầm trú ẩn” số 1. Lực tăng của vàng càng được khẳng định khi những kỷ lục mới được thiết lập ngay sau khi Mỹ đẩy lui được nguy cơ vỡ nợ.
Mới đây, hãng tin Bloomberg dẫn lời Tập đoàn Credit Suisse Group AG dự đoán rằng, giá vàng có thể sẽ đạt mức 1.700 USD trong 12 tháng tới. Trong khi, Deutsche Bank dự báo giá vàng sẽ lên tới 2.000 USD/oz vào năm 2012.
Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết, họ đã mua vào 18,2 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên 1.263,6 tấn. Từ tuần trước tới nay, quỹ này mua ròng hơn 40 tấn vàng.
Tại thị trường trong nước, theo lãnh đạo một DN kim hoàn, người dân đã bán ra nhiều vàng trong tháng 6 và tháng 7, những ai còn vàng đến lúc này đều là những người muốn giữ vàng lâu hơn, hoặc kỳ vọng mức giá cao hơn mới bán. Nguồn cung vàng suy giảm khiến hoạt động xuất khẩu vàng của các DN cũng chững lại, bất chấp giá vàng trong nước vẫn thấp hơn quốc tế quy đổi. |
Thạc sỹ Lê Văn Hinh
Diễn đàn Doanh nghiệp
|