Thứ Ba, 12/07/2011 08:20

Tự doanh và hai mặt của môi giới

Trong khi tự doanh tại CTCK liên tục bán ròng, thì không ít môi giới của cùng CTCK khuyên NĐT mua tiếp hoặc cầm cố tài sản thêm tiền để... cứu cháy tài khoản. Thiệt hại dành cho NĐT khi gặp những môi giới như thế.

Tự doanh bán ròng

Cách đây gần 1 tháng, khi VN-Index vừa có dấu hiệu đảo chiều, một môi giới tên H đã gọi điện cho một nhóm NĐT nói rằng, CTCK Kim Long đã giải ngân tự doanh mạnh, nên mua vào nhanh. Đồng thời cho biết, sóng lớn đang đến, tự doanh của công ty cũng đang mua mạnh.

Tuy nhiên, cuối tháng 6 vừa qua, trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Vĩnh Thành, Tổng giám đốc CTCK Kim Long chia sẻ: Công ty vẫn còn 1.920 tỷ đồng gửi tiết kiệm, kỳ hạn đến cuối năm. Gọi điện cho giám đốc đầu tư của CTCK nơi môi giới H đang làm việc để hỏi về tình hình tự doanh, vị này cho hay, công ty vẫn đang trong chủ trương tăng tỷ trọng tiền mặt.

Thống kê dữ liệu giao dịch tự doanh của các CTCK trên Sở GDCK TP. HCM cho thấy, trong vòng một tháng qua, nhóm công ty này đã bán ròng xấp xỉ 320 tỷ đồng. Có phiên, các CTCK bán trên 170 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng giá trị bán, nhưng mua chỉ xấp xỉ 4 tỷ đồng, tương đương 0,4%. Cũng theo thống kê, trong một tháng qua, có trên 300 tỷ đồng của các CTCK đã được rút ra khỏi thị trường. Trong khi đó, thanh khoản của thị trường đứng ở mức thấp, chỉ có 2 phiên trên 800 tỷ đồng, còn lại chủ yếu dưới 500 tỷ đồng, trong đó có 8 phiên dưới 300 tỷ đồng.

Giá trị bán ròng của các CTCK trong bối cảnh thanh khoản yếu cho thấy, khối này đang ưu tiên bán ròng. Điều này có nghĩa CTCK không mặn mà với việc duy trì danh mục, nguyên nhân có thể là do khối công ty này dự đoán giá chứng khoán sẽ còn rẻ hơn trong thời gian tới.

Nhưng có ý kiến cho rằng, một số CTCK sau một thời gian "chinh chiến" với thị trường đã quyết định xa rời mảng tự doanh, bởi thấy hiệu quả tài chính không cao. Thay vào đó, công ty tập trung vào đầu tư dự án, cho khách hàng sử dụng đòn bẩy hoặc an toàn hơn là tạm ứng tiền bán chứng khoán ngày T cho khách hàng. Chính vì vậy, CTCK đã tranh thủ bán ra để giải thoát danh mục, thu tiền về khi có cơ hội.

Nhìn chung, dù có mua vào trên cơ sở cân nhắc cơ hội đầu tư dài hạn hoặc đơn giản là để "cover hàng" đã cho khách mượn để bán, thì câu chuyện thu hẹp danh mục tự doanh đang diễn ra tại khá nhiều CTCK.

Hai bộ mặt của môi giới

Dù ý thức thị trường còn nhiều rủi ro trong ngắn hạn, nhưng không ít môi giới vẫn khuyến khích khách hàng giao dịch, bán khống hoặc lướt sóng T+. Nhiều NĐT cá nhân bám sàn trong bối cảnh này vẫn liên tục mua và cắt lỗ theo tư vấn của môi giới và theo thông tin công bố của DN.

Một NĐT chia sẻ, tháng trước, sau khi nghe môi giới CTCK X tư vấn rằng, cổ phiếu P sắp có tin tốt về kết quả kinh doanh cũng như thông tin dự án nên có thể "đánh" được, anh đã mua rất nhiều cổ phiếu này. Sau khi mua, giá cổ phiếu P giảm từ 13.000 đồng/CP xuống xấp xỉ 9.000 đồng/CP. Thấy thế, anh quyết định mua thêm để bình quân giá, với sự tư vấn và hỗ trợ môi giới. Nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm. Khi giá cổ phiếu gần về ngưỡng phải giải chấp (5.500 đồng/CP), môi giới đã "thủ thỉ" với anh rằng, anh nên cầm cố giấy tờ căn nhà mặt đường (ở trung tâm Hà Nội) để "cứu" tài khoản, với lý do chờ DN ra tin tốt, giá cổ phiếu này sẽ bật mạnh.

Tất nhiên, câu chuyện của một vài môi giới không đại diện cho toàn bộ đội ngũ môi giới chứng khoán, bởi vẫn có những môi giới từ cách đây nửa năm đã khuyên khách hàng rút tiền đi gửi tiết kiệm. Nhưng thực tế cho thấy, có một bộ phận môi giới do kiến thức hạn chế, thiếu đạo đức hành nghề hoặc muốn kiếm lợi bằng mọi giá, nên sẵn sàng đưa thông tin sai về tự doanh  của các CTCK để làm "mồi nhử" khách hàng giao dịch.   

Uyên Phạm

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   CTCK “ngậm đắng” thành chủ nợ (12/07/2011)

>   Chứng khoán: “Dài cổ” chờ lãi suất đến bao giờ? (11/07/2011)

>   Thị trường đìu hiu, nhà đầu tư lên sàn... giải trí (11/07/2011)

>   12/07: Bản tin 20 giờ qua (12/07/2011)

>   Công ty chứng khoán: Kẻ mở ra, người thu hẹp (11/07/2011)

>   Ngày 11/07: Khối ngoại mua ròng nhẹ, STB tiếp tục bị bán mạnh (11/07/2011)

>   Nhìn khối lượng đoán xu hướng thị trường (11/07/2011)

>   Chứng khoán cuối năm: Cơ hội 'lướt sóng ngắn' (11/07/2011)

>   Khốc liệt chứng khoán (11/07/2011)

>   11/07: Bản tin đầu tuần (11/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật