CTCK “ngậm đắng” thành chủ nợ
Những lúc TTCK sôi động, mối quan hệ giữa NĐT và CTCK thường là “cơm lành canh ngọt”. Nhưng thị trường xấu quá dài như hiện tại, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Hiện tượng NĐT bị cháy tài khoản tìm cách xù khoản vay CTCK, đẩy các công ty này vào tình cảnh chủ nợ bất đắc dĩ đang bắt đầu phát tác.
Hiếm có CTCK nào không thuộc bài học quản lý rủi ro. Nhưng thuộc và làm theo những lời răn dạy ở đó là hai chuyện khác nhau. Chính bởi có “học” nhưng không “hành”, hay nói chính xác hơn là cố tình lách luật để tìm kiếm lợi nhuận mà một số CTCK đang tự biến mình thành chủ nợ bất đắc dĩ do NĐT không còn khả năng trả nợ, thậm chí xù nợ.
Dẫn đến cơ sự trên là bởi để hút NĐT, thường các CTCK luôn hết lòng chiều thượng đế, nên có phần dễ dãi trong cung cấp đòn bẩy tài chính. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính đôi khi chỉ cần NĐT gọi điện đến nhân viên môi giới là được cung cấp, mà không cần ký tá khế ước hay bất cứ một loại chứng từ nào. Không hiếm trường hợp giá trị tài sản đảm bảo hiện có trong tài khoản không đáng kể, nhưng NĐT VIP vẫn được CTCK ưu ái cho sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Chuyện này diễn ra trong lúc thị trường đẹp thì không có điều gì khó xử, bởi có lãi NĐT trả nợ đầy đủ. Nhưng nay điều ngọt ngào này đang dần nhuốm màu man trá. Thực tế, sau khi đối mặt với “quả đắng” thua lỗ trong quý I/2011 và danh sách các CTCK thua lỗ trong quý II/2011 có thể sẽ còn dài thêm, nay không ít CTCK còn phải đối mặt với tình trạng trở thành chủ nợ bất đắc dĩ do bị NĐT “ép” ôm nợ sau khi “thượng đế” bị cháy tài khoản. Chuyện mỗi NĐT mượn tên người thân, bạn bè mở vài tài khoản giao dịch tại một CTCK, rồi vay mượn, chuyển nhượng nhằng nhịt giữa các tài khoản này khá phổ biến và rủi ro phát sinh từ chính cách làm “vượt rào” này.
Lãnh đạo một CTCK tại Hà Nội cho biết, hiện tượng NĐT xù nợ CTCK đang có dấu hiệu “nóng” dần cùng với diễn biến tiêu cực kéo dài của TTCK. Tình trạng này được biểu hiện dưới hình thức: NĐT thường dùng tài khoản con - có giá trị tiền và chứng khoán ít - để vay tiền đầu tư từ CTCK. Trong trường hợp này, CTCK và NĐT ngầm hiểu rằng việc bảo đảm cho khoản vay là tài khoản mẹ - có giá trị lớn - cũng của chính NĐT đó mở tại CTCK. Nhưng khi bị cháy tài khoản con, NĐT không còn ngầm hiểu như vậy nữa, mà không ngần ngại đẩy khoản nợ cho CTCK. Lúc bấy giờ CTCK mới cuống cuồng tìm cách xử lý tài khoản mẹ của NĐT để thu nợ, thì bị nhiều “thượng đế” phản ứng gay gắt, thậm chí đe doạ sẽ khởi kiện ra toà. “Nếu chuỗi ngày èo uột của TTCK còn kéo dài, thì rất có thể khối u này trên cơ thể CTCK sẽ sớm bị bung vỡ…”, vị lãnh đạo CTCK cảnh báo.
Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, khả năng NĐT xù nợ có nguy cơ lớn dần, đang khiến CTCK đau đầu không lối thoát, do NĐT thua lỗ nặng triền miên nên gần như không thể thu nợ. Đây rất có thể là một trong những nguyên nhân khiến khoản lỗ của các CTCK phình to thêm trong quý II/2011 và khởi nguồn cho các tranh chấp dằng dai giữa hai bên.
Để thoát ra khỏi mớ bòng bong trên, theo Luật sư Lê Quốc Đạt, Giám đốc Công ty luật TNHH Trí Tuệ, các CTCK cần kiên nhẫn và giữ thái độ mềm mỏng với NĐT để cùng cố gắng thu xếp khoản nợ. Nếu CTCK đấu lý với NĐT, thì phần thua thiệt dễ nghiêng về CTCK, nhất là trong trường hợp NĐT không ký vào bất cứ giấy tờ hay khế ước nào với CTCK chứng minh mối quan hệ giữa tài khoản mẹ và các tài khoản con, cháu của họ, mà điều này chỉ là ngầm hiểu giữa CTCK và NĐT. NĐT cũng sẽ “vô tội” hơn nếu không có cam kết gì bằng văn bản, giấy tờ giữa họ với CTCK rằng khi tài khoản con mất khả năng thanh toán, thì CTCK có quyền xử lý tài khoản mẹ để thu nợ. Về lý, khi tranh chấp pháp lý, thì toà án không xem xét đến yếu tố ngầm hiểu giữa các đương sự, mà phải căn cứ vào giấy tờ, khế ước.
Cũng theo ông Đạt, ngay cả khi hai bên ký kết văn bản thể hiện nội dung trên, thì CTCK vẫn đối mặt với nguy cơ bị toà án xử thua, bởi pháp luật hiện hành về chứng khoán không cho phép NĐT được mở nhiều tài khoản, nên văn bản ký kết của các bên dễ bị cơ quan xét xử tuyên vô hiệu.
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán
|